Đừng đánh giá thấp sức khoẻ tinh thần trong đại dịch và cách doanh nghiệp chủ động ứng phó với điều đó

Đừng đánh giá thấp sức khoẻ tinh thần trong đại dịch và cách doanh nghiệp chủ động ứng phó với điều đó

Đầu tư vào sức khỏe tinh thần của nhân viên sẽ giúp giảm thiểu tình trạng kiệt sức, căng thẳng của họ, từ đó tăng khả năng giữ chân người lao động và tạo ra nền văn hóa nơi làm việc lành mạnh hơn.

Nguyên nhân gây căng thẳng trong đại dịch

Nhận thức về sự an toàn và nguy cơ lây nhiễm

Nếu chỉ nghe các tin tức về dịch bệnh tại khu vực khác, dường như mọi người sẽ không cảm thấy lo lắng nhiều. Nhưng ngay khi xuất hiện ca tử vong đầu tiên tại khu vực họ sinh sống và dần số ca mắc mới gia tăng mỗi ngày, tâm lý của họ sẽ thay đổi. Lúc này họ sẽ thấy lo sợ về sức khỏe của bản thân và của người thân xung quanh. Thậm chí nỗi sợ hãi ấy khi lan rộng còn có thể khiến virus lây lan nhanh hơn, cụ thể do một số trường hợp cố ý trốn khỏi khu cách ly hay giấu người mắc bệnh trong nhà.

Thông tin sai lệch

Đại dịch bùng phát sẽ kéo theo tình trạng “quá tải” thông tin. Mọi người cảm thấy choáng ngợp bởi mức độ lây lan của dịch bệnh cũng như mật độ dày đặc của các tin tức trên các phương tiện truyền thông. Điều này khiến họ tăng thêm mức độ nhận thức về sự nghiêm trọng, cảm thấy lo lắng hơn, ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần. 

Với sự phổ biến của mạng xã hội hiện nay, nhiều người thường lựa chọn nó để cập nhật các tin tức về dịch bệnh. Tuy nhiên, đây không phải là một kênh chính thống, đáng tin cậy để cập nhật tình hình đại dịch. Sự “bùng nổ” tin giả, thông tin sai gây nên những nỗi sợ vô căn cứ, khiến họ nghĩ đến những trường hợp tồi tệ nhất. Thậm chí, những thông tin sai lệch lan nhanh hơn virus gây bệnh. 

Hiện tượng “tin giả” thậm chí lan nhanh hơn virus gây bệnh.

Giãn cách xã hội và cách ly

Những biện pháp như cách ly riêng người mắc bệnh và những người tiếp xúc hay giãn cách xã hội toàn thành phố được thiết lập là vì lợi ích chung của cộng đồng. Tuy nhiên, yếu tố này cũng khiến gây nên những gánh nặng tâm lý, gánh nặng tài chính đến họ. Các biểu hiện chính trong giai đoạn này thường là buồn chán, cô đơn và dễ tức giận.  

Sự kỳ thị của xã hội

Nhiều người thường có định kiến với các cá nhân mắc Covid-19, với các trường hợp phải đi cách ly hay những người đã tiếp xúc với người cách ly. Các thông tin chi tiết quá mức về lịch trình, khai thác thái quá đời tư của người bệnh với những từ ngữ dẫn dắt cảm xúc tiêu cực cho người đọc, biến họ trở thành “tội đồ”. Chính sự kỳ thị này không chỉ ảnh hưởng đến họ mà còn đến cả với những người thân của họ.

Soi xét, đánh giá những người có liên quan đến dịch Covid-19 sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý của họ.

Tài chính và công việc bị ảnh hưởng

Đại dịch Covid-19 dẫn đến sự gián đoạn kinh doanh của nhiều doanh nghiệp. Nhiều nơi phải đóng cửa, rút ngắn thời gian làm việc để giảm thiểu mức độ lây lan của dịch bệnh. Điều này khiến nhiều công ty buộc phải sa thải nhân viên, giảm giờ làm của lực lượng lao động. Vấn đề tài chính, thất nghiệp trở thành mối lo của nhiều người. Ngoài ra, trong giai đoạn công việc bị ảnh hưởng như vậy, người lao động sẽ quan tâm đến bảo hiểm hay việc đền bù hợp đồng.

 

Các tác nhân từ doanh nghiệp ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của nhân viên

Nghề nghiệp

Tùy theo môi trường làm việc và công việc, mức độ ảnh hưởng của đại dịch đến từng người khác nhau, vậy nên tác động của dịch bệnh đến sức khỏe tâm thần của từng nhân viên là khác biệt. Những người tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, với virus như y tá, bác sĩ sẽ sẽ chịu ảnh hưởng tâm lý lớn, nhất là khi bệnh nhân tại khu vực của họ hay những người đồng nghiệp tử vong do dịch bệnh.

Những người trong lĩnh vực y tế vừa phải vững vàng “chiến đấu” với đại dịch. vừa phải đấu tranh với tinh thần của bản thân.

An toàn, vệ sinh lao động

Các doanh nghiệp cần có trách nhiệm bảo vệ nhân viên và giảm thiểu tối đa nguy cơ lây nhiễm ảnh hưởng đến nơi làm việc. Các quy định, chính sách, biện pháp phòng ngừa an toàn từ tổ chức chẳng hạn như đeo khẩu trang, ngồi cách nhau 2m, bộ tài liệu hướng dẫn,… sẽ giúp tránh lây lan trong nội bộ. Ngoài ra, tổ chức cũng cần tuân theo những chỉ dẫn của chính phủ, bộ y tế hay cơ sở y tế tại địa phương. Điều này sẽ khiến họ cảm nhận được sự hỗ trợ của tổ chức, từ đó giúp gây dựng lòng tin, giảm tình trạng stress tại nơi làm việc.

Làm việc từ xa

Làm việc từ xa là giải pháp tốt nhất để vừa duy trì hoạt động công ty, vừa đảm bảo sức khỏe và mức độ an toàn của nhân viên trong thời kỳ đại dịch. Tuy nhiên, nó cũng tạo nên những tác động tiêu cực đến sức khỏe tinh thần của nhân viên. Nguyên nhân chủ yếu là do tăng sự cô lập xã hội, rời ra không gian làm việc, xa đồng nghiệp. Làm việc từ xa có thể khiến nhân viên phải làm việc nhiều giờ hơn vì ranh giới giữa cuộc sống riêng tư và nghề nghiệp không rõ ràng. Cũng theo khảo sát của FlexJobs, 37% nhân viên cho biết họ làm việc nhiều hơn kể từ khi đại dịch bắt đầu. 

Hơn nữa, mức độ căng thẳng khi ở nhà có thể tăng lên đối với những bậc làm cha làm mẹ. Các trường học đóng cửa, họ buộc phải vừa chăm sóc con cái, vừa đảm bảo hoàn thành công việc. 

Thay đổi môi trường làm việc có thể làm tăng mức độ stress của nhân viên.

 

Doanh nghiệp cần làm gì để cải thiện sức khỏe tinh thần cho nhân viên?

Truyền thông minh bạch

Một kế hoạch truyền thông minh bạch không chỉ cung cấp những thông tin rõ ràng về dịch Covid-19 mà còn cả những hoạt động, chính sách trong nội bộ tổ chức hoặc những quyết định liên quan đến vấn đề kinh doanh. Khi nắm được những thông tin rõ ràng về công ty, đội ngũ nhân sự sẽ cảm thấy yên tâm hơn trước mọi quyết định, hành động của lãnh đạo. 

Truyền thông ở đây còn được hiểu đơn giản là việc những người quản lý phải duy trì giao tiếp với cấp dưới. Báo cáo của FlexJobs cho thấy chỉ 21% người có thể trò chuyện cởi mở với bộ phận nhân sự, cấp trên về các giải pháp cho tình trạng kiệt sức của họ. Hơn một nửa (56%) nói rằng các nhà lãnh đạo không khuyến khích các cuộc trò chuyện về vấn đề này. Thực tế, việc hỏi thăm và lắng nghe những chia sẻ của nhân viên về những khó khăn trong công việc và sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ khi cần thiết sẽ giúp cải thiện sức khỏe tinh thần cho nhân viên đáng kể.

Xóa bỏ tâm lý kỳ thị

Việc cập nhật các thông tin về dịch Covid-19 chính xác, kịp thời hay tổ chức các buổi đào tạo sẽ giúp loại bỏ sự miệt thị trong tổ chức. Ngoài ra, các doanh nghiệp cần phát triển các chính sách ngăn chặn suy nghĩ, tư tưởng sai lệch, chống phân biệt đối xử với những người đã hết cách ly hoặc có liên quan đến vùng dịch. Đây sẽ là những công cụ hữu ích để bảo vệ nhân viên, nâng cao sức khỏe và hạnh phúc tại nơi làm việc.

WHO khuyến nghị sử dụng các thuật ngữ như “những người có COVID-19” hoặc “đang phục hồi sau COVID-19.” Tránh gọi họ là “một trường hợp COVID-19”, “một nạn nhân COVID-19”, “một người mắc COVID-19” hoặc “một gia đình COVID-19”. Việc gán các cụm từ không phù hợp có thể làm gia tăng thêm các vấn đề về phân biệt đối xử.

Doanh nghiệp cần khắt khe cảnh cáo những trường hợp tỏ thái độ miệt thị trong nội bộ.

Đào tạo

Đào tạo là một trong những cách thức hiệu quả chống lại vấn đề sức khỏe tâm thần, nâng cao trải nghiệm nhân viên. Đào tạo giúp nhân viên nâng cao nhận thức về các hành động cần thiết trong giai đoạn này để ngăn chặn sự lây lan. Doanh nghiệp có thể hướng dẫn cho nhân viên từ các thông tin chung về Covid-19, tính cấp thiết của cách ly, đảm bảo giãn cách đến những kiến thức nhằm cải thiện sức khỏe tinh thần.

Ngoài ra, đối tượng cán bộ quản lý cũng cần có những buổi đào tạo riêng để đảm bảo kiểm soát những thay đổi trong tổ chức, tránh tạo thêm áp lực cho nhân viên. Chẳng hạn như cách để quản lý nhân viên khi làm việc từ xa hiệu quả, thúc đẩy tinh thần làm việc, khuyến khích nhân sự.

Tại công ty Rio Tinto, các lãnh đạo và nhân viên được đào tạo về sức khỏe tinh thần để nhận ra “các mối nguy tâm lý xã hội” để họ có thể kịp thời phát hiện vấn đề và loại bỏ nó trước khi nó phát triển. Đồng thời, công ty cũng tận dụng chính nguồn lực đã được đào tạo đó trở thành các đại sứ nội bộ, hỗ trợ đồng nghiệp. Bởi những người gặp vấn đề thường lựa chọn liên hệ với bạn bè và đồng nghiệp hơn là sử dụng các chương trình hỗ trợ chính thức.

Điều chỉnh chính sách

Để ngăn chặn những ảnh hưởng tiêu cực của việc thay đổi môi trường làm việc đến sức khỏe tinh thần của nhân viên trong giai đoạn dịch, các tổ chức cần phát triển chiến lược phù hợp để hỗ trợ họ. Từ việc khuyến khích những hành động đơn giản như duy trì trao đổi với đồng nghiệp, quản lý về tiến độ công việc, những kỳ vọng của bản thân và cả những khó khăn thường ngày. Hay cho phép nhân viên điều chỉnh, sắp xếp thời gian làm việc linh hoạt, có thể ưu tiên những vấn đề cá nhân nếu cần. Ngoài ra, việc cung cấp các thiết bị công nghệ sẽ tạo điều kiện thuận lợi để họ nhanh chóng hoàn thành công việc, tăng mức độ tương tác với đồng nghiệp, quản lý, giảm tình trạng stress. Kickstand Communications cho phép nhân viên rời khỏi bàn làm việc 3 giờ mỗi tuần để nạp pin cho bản thân.

Khuyến khích nhân viên rời khỏi bàn làm việc, nghỉ ngơi một chút để nạp lại năng lượng cho bản thân.

Bài Viết Liên Quan