Làm thế nào để tránh bẫy tin giả trong mùa dịch Covid-19 này?
Không chỉ với truyền thông đại chúng mà với truyền thông nội bộ trong mùa dịch Covid-19 này, những thông tin sai lệch, không kiểm chứng kiểu “nghe đồn” cũng khiến người làm truyền thông đau đầu vì gây ra tâm lý hoang mang, lo sợ trong nội bộ.
Trong các doanh nghiệp, các kênh giao tiếp nội bộ thường được sử dụng thoải mái do tính chất tự do, gần gũi của nó. Tuy nhiên, cũng do tính chất này, mà nhiều thông tin chưa được kiểm chứng, thậm chí tin giả, kiểu “em nghe nói”, “các mẹ ơi biết gì không” dễ dàng lan truyền trong nội bộ, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 đang căng thẳng hiện nay, khiến tâm lý cán bộ nhân viên bị ảnh hưởng, dẫn tới ảnh hưởng chung cho toàn doanh nghiệp.
Chúng ta xác định lại về đối tượng được bàn ở đây, “tin giả” (fake news) là tin chứa đựng sự kiện không có thật. Trong cơn bão thông tin tràn ngập như hiện nay, thì hầu hết các thông tin mới, lạ, có ảnh hưởng tới xã hội hay một nhóm người đều có khả năng chứa đựng yếu tố giả, do đó, là người tiêu thụ thông tin, chúng ta luôn cần cảnh giác kẻo bị cuốn vào vòng xoáy của tin giả.
Vì sao tin giả phát tán?
Nguyên nhân tin giả phát tán chính là vì… chúng ta cũng thích tin giả. Bởi vì tin giả chứa đựng nhiều yếu tố kích thích, thu hút người ta đọc, chia sẻ, bình luận hơn tin thật rất nhiều.
Điều này đến từ chính thói quen đọc tin của chúng ta hiện nay. Với sự phát triển của công nghệ thông tin, sự tiện dụng của smartphone, chúng ta ngày nay có tâm lý ngại đọc bài dài, ngại kiểm tra thông tin, thường dễ đọc những gì hiện ra trước mắt. Dần dần, thói quen đó khiến chúng ta mất dần tính trách nhiệm khi chia sẻ tin, ít khi nghĩ đến tâm lý tuân thủ pháp luật hoặc trách nhiệm đối với cộng đồng khi chia sẻ tin tức.
Một nguyên nhân khác là do một số tin giả được tạo ra do bàn tay dàn dựng rất khéo kéo, khiến người đọc rất dễ mắc bẫy.
Vậy người ta chế ra tin giả để làm gì? Nghiên cứu của các học giả cho thấy con người làm bất cứ điều gì cũng vì hai mục tiêu “danh” và “lợi”. Danh chính là danh tiếng (fame), là cảm giác sung sướng khi được trầm trồ có tin độc. Đó chính là biểu hiện của bậc cao nhất trong tháp nhu cầu mà Maslow đưa ra, là nhu cầu thể hiện bản thân của con người.
Còn về lợi, đó là những mục đích như tăng lượng theo dõi (follow), lượng đăng ký vào các kênh của họ, để cuối cùng, có người thì bán hàng online, có người thì gây dựng cộng đồng vì các mục đích tiếp theo của họ.
Ngoài ra, một số người lại chế ra tin giả chỉ cho vui, hoặc với mục đích trêu chọc người khác, thậm chí… chẳng vì lý do gì, chỉ là tiện tay hoặc chung quy vì họ không nghĩ đến hậu quả của tin giả.
Nguyên nhân sâu xa cũng là vì các chế tài pháp luật của chúng ta chưa nghiêm, cũng một phần do trình độ dân trí của ta còn thấp. Trước đây, rất nhiều trường hợp chia sẻ tin giả gây ảnh hưởng dư luận hoặc thiệt hại mà chưa bị xử lý, khiến tin giả vẫn có cơ hội phát tán. Rất may, từ khi dịch Covid-19 bùng phát, nhà nước đã xử lý mạnh tay các trường hợp chia sẻ tin giả, với mức phạt tuy chưa quá cao nhưng cũng rất nghiêm khắc, đồng thời tuyên truyền rộng rãi các vụ xử phạt. Nhờ đó, ý thức của cộng đồng được nâng cao rõ rệt.
Làm thế nào để kiểm tra tin giả?
Chúng ta bị tin giả “đánh lừa” vì đã quá dễ dãi trong việc tin vào tin tức trên mạng. Để tránh điều này, chúng ta cần nghiêm khắc hơn đối với bản thân và chuẩn bị cho mình một số công cụ để kiểm định tin tức sau đây.
Trước hết, phải xem xét là nguồn tin đó từ đâu lan ra. Rất nhiều người, đặc biệt là người già, bị đánh lừa bởi các nguồn tin “trông như thật” nhưng là giả từ tên miền, tiêu đề, nội dung, ảnh đến tên tác giả. Còn khi đã có một số kinh nghiệm, thì có khi chỉ cần lướt qua nguồn đưa tin, hay tên người đưa tin, đã có thể dự đoán được tin đó có bao nhiêu phần trăm là thật.
Nếu lọc được qua bước này, ta tiếp tục xem xét các yếu tố: Nguồn tin có khách quan, độc lập với thông tin hay không? Nguồn tin đó có đa chiều hay không, đã có bằng chứng, thẩm định chưa? Nguồn cung cấp tin đó có thẩm quyền hay không? Nếu có thì nguồn tin có đầy đủ tên tuổi, chức danh, địa chỉ hay nặc danh?
Và để kiểm chứng, nên tập cho mình thói quen tra cứu (search) các thông tin. Bất cứ phần thông tin nào nổi bật, hoặc quan trọng, hay bạn đang nghi ngờ, bạn nên cắt ra và đưa vào công cụ tìm kiếm như Google, và yên tâm đi, Google sẽ có những câu trả lời khiến bạn cảm thấy bất ngờ, ngoài dự kiến đấy!
Ngoài ra, nên tĩnh tâm để xem lại từng chi tiết: Từ thời gian, địa điểm, tên người, tên địa danh. Đặc biệt, nếu quan sát kỹ ảnh, video đi cùng thông tin, dò xét từng chi tiết trong bức ảnh hay đoạn video đó, sẽ cho chúng ta rất nhiều dữ kiện quan trọng để kết luận tin tức có chính xác hay không.
Cuối cùng, thẩm định bằng cách tham vấn chuyên gia, hoặc nhân vật liên quan chính là cách hữu hiệu nhất. Điều này đặc biệt quan trọng trong việc kiểm định các tin tức trong truyền thông nội bộ, vì nhân vật đều là người gần gũi đối với chúng ta. Do đó, đừng ngại, hãy hỏi thẳng họ, và trong nhiều trường hợp, các chuyên gia nội bộ sẽ có lời giải thích cặn kẽ về các khía cạnh của thông tin mà bạn không thể tìm được ở bên ngoài.
Cuối cùng, xin gửi đến các bạn bí quyết cuối cùng: Hãy luôn sử dụng tư duy phản biện và đừng tin vào bất cứ thông tin gì ngay lần đầu đọc nó. Tất nhiên không phải nói vậy là lúc nào cũng nuôi trong đầu tâm lý nghi ngờ, chỉ cần bạn tỉnh táo đặt ra cho mình một câu hỏi: Thế nhỡ tin này là giả thì sao?
Lê Tiên Long