Bài học nguồn vốn con người nhìn từ hành động của doanh nghiệp
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, các doanh nghiệp tại Việt Nam và thế giới đang có những hành động kịp thời, nhanh chóng để đảm bảo sự an toàn cho nhân viên. Nhìn từ các câu chuyện này này, bài học có thể rút ra để gắn kết và tận dụng nhân viên – nguồn vốn quý giá nhất của tổ chức?
1. Đảm bảo nhân viên cập nhật tin tức kịp thời
Khi truyền thông tới nhân viên, doanh nghiệp cần đồng cảm và trấn an họ rằng sự an toàn của họ là mối quan tâm hàng đầu của bạn. Cách tốt nhất đó là thường xuyên cập nhật những tin tức chính thống và tích cực về dịch bệnh để tăng khả năng nhận thức và giúp nhân viên có phương án dự phòng hợp lý.
Vietnam Airlines là một đơn vị điển hình. Trang tin nội bộ Spirit đã lập một chuyên mục “Coronavirus” gồm các tin tức liên quan đến đại dịch, từ cập nhật tình hình sức khỏe của cán bộ nhân viên mỗi ngày, những câu chuyện thực tế của đội ngũ phi công, tiếp viên trong những ngày chiến đấu với đại dịch trên mỗi chuyến bay cho đến những chia sẻ về cách nhân viên có thể tự bảo vệ sức khỏe bản thân và những người xung quanh.
Các bài viết nhận được sự quan tâm, đón đọc lớn của độc giả cả trong và ngoài tổ chức. “Cảm ơn Vietnam Airlines đã cập nhập và phổ biến tình trạng về dịch! Thông tin thật hữu ích” – một độc giả chia sẻ.
2. Sức khỏe nhân viên là quan trọng nhất
Nhân viên là tài sản số một của công ty, vì vậy, bạn nên chắc chắn rằng họ biết rằng bạn đang đặt sự an toàn của họ lên hàng đầu bằng cách có những hành động nhanh chóng, nghiêm túc, thậm chí có thể phải trì hoãn, thay đổi phương thức làm việc nếu cần.
Google cho biết họ sẽ đóng cửa các văn phòng của mình theo hướng dẫn của chính phủ và nói với các nhân viên ở Trung Quốc hoặc những người có gia đình ngay lập tức trở về từ Trung Quốc để làm việc tại nhà trong hai tuần.
CEO Apple – Tim Cook cũng tuyên bố sẽ hạn chế việc đi lại của nhân viên đến Trung Quốc ngoại trừ trong các “trường hợp kinh doanh quan trọng”.”Chúng tôi đang thực hiện các biện pháp phòng ngừa bổ sung và thường xuyên làm sạch sâu các cửa hàng của chúng tôi cũng như tiến hành kiểm tra nhiệt độ cho nhân viên,” Tim Cook nói.
Cả Ericsson và LG đều tuyên bố họ sẽ không tham dự Hội nghị Thế giới Di động tại Barcelona trong tháng Hai này dù đây là triển lãm thương mại quan trọng nhất đối với ngành viễn thông. “Sức khỏe và sự an toàn của nhân viên, khách hàng và các bên liên quan khác là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi. Thật đáng tiếc, dù chúng tôi mong muốn được trình diễn những cải tiến mới nhất tại sự kiện nhưng chúng tôi tin rằng, việc không tham gia là một một quyết định thể hiện trách nhiệm tốt nhất của mình”, Börje Ekholm – Chủ tịch, CEO của Ericsson chia sẻ.
3. Tìm kiếm hỗ trợ từ chính nhân viên
Trong giai đoạn khó khăn, bên cạnh việc đảm bảo sự ổn định và an toàn cho nhân viên, doanh nghiệp cũng có thể tận dụng họ bằng cách kêu gọi sự hỗ trợ, đóng góp của họ cho tổ chức. Nếu có cách tiếp cận đúng đắn, những hoạt động này sẽ giúp nhân viên thấy việc mình làm có ý nghĩa cho doanh nghiệp và họ có thể sẵn sàng đoàn kết, đồng hành cùng tổ chức trước mọi hoàn cảnh.
Cathay Pacific Airlines đã cho thấy mình là một doanh nghiệp biết tận dụng nguồn vốn con người hiệu quả.
Vừa qua, Cathay Pacific Airlines đã khuyến khích 27.000 nhân viên của mình thay phiên nhau nghỉ ba tuần không lương do hãng vận tải Hồng Kông này đang phải vật lộn với doanh thu sụt giảm trước sự bùng phát của dịch bệnh. “Tôi kêu gọi các bạn cùng giúp sức. Tình hình hiện vô cùng nghiêm trọng”, Augustus Tang Kin-wing, CEO Cathay Pacific Airlines, nói trong video thông báo gửi đến các nhân viên hãng. Đây là lần thứ ba trong lịch sử hoạt động Cathay Pacific sử dụng chiến lược cho nhân viên nghỉ luân phiên không lương với quy mô lớn. Lần đầu khi đại dịch SARS bùng phát vào năm 2003, kế tiếp là giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009. Sau cùng, chính nhân viên của Cathay Pacific Airlines đã góp sức không nhỏ để giúp hãng bay đứng vững và duy trì hoạt động trước những cuộc khủng hoảng lớn.
Kim Oanh
(Tổng hợp)