Cách Gravity Payments giải quyết khủng hoảng không cần sa thải nhân viên

Cách Gravity Payments giải quyết khủng hoảng không cần sa thải nhân viên

Trong khủng hoảng, doanh nghiệp phải đứng trước việc cắt giảm nhiều thứ. Nếu không cẩn thận, doanh nghiệp có thể cắt nhầm “mạch máu” khiến mọi cơ quan “tê liệt”. Với Gravity Payments, việc cắt giảm nhân sự cũng vậy. Trước những lựa chọn khó khăn, CEO hãng này đã đưa ra quyết định chưa từng có trước đây.

Tình thế khó khăn của Gravity Payments

Dan Price – CEO của Gravity Payments từng được biết đến là một lãnh đạo quan tâm đến việc đảm bảo quyền lợi của nhân viên. Năm 2015, ông từng quyết định tự cắt giảm lương từ 1 triệu USD/năm xuống còn 70.000 USD/năm để mỗi nhân viên của ông đảm bảo có được mức lương cơ bản. 

Dan Price nổi tiếng với việc chiều nhân viên của mình.

Với cuộc khủng hoảng do Covid-19 lần này, Gravity Payments đang đứng trước tình hình nguy hiểm. Tính đến cuối tháng 03/2020, doanh thu của công ty thanh toán thẻ tín dụng cho hơn 13.000 doanh nghiệp của Mỹ này đã giảm 55% so với tháng trước. Ở thời điểm hiện tại, Dan Price cho biết công ty sẽ có thể phải tạm dừng hoạt động trong vòng 4 đến 6 tháng.

40 giờ họp liên tục với nhân viên: Quyết định chưa từng có

Trước những thách thức đó, Price phải đối diện với một bài toán hóc búa: nếu không sa thải 20% nhân sự, Gravity Payments có thể sẽ phá sản. 

Dan Price đã cân nhắc để tránh phải chọn một trong hai phương án này. Ông đã đưa ra một quyết định được cho là sáng suốt để vừa không phải sa thải bất kỳ ai, vừa đảm bảo tài chính của công ty. Quyết định đó chính là lắng nghe nhân viên.

Quyết định khác người của Dan Price: lắng nghe nhân viên.

Vào ngày 19/3, Price đã triệu tập toàn công ty tham gia một cuộc họp chung để cho nhân viên biết tình trạng của tổ chức hiện tại cũng như kêu gọi các ý kiến sáng tạo về phương hướng tiếp theo trong vài tháng tới. Ông và Giám đốc Vận hành Tammi Kroll cũng lên lịch cho các cuộc họp với các nhóm nhân viên, kéo dài trong 40 giờ để lắng nghe và ghi nhận các ý tưởng cụ thể. 

Một số bài học quan trọng đã được đúc rút từ những cuộc họp này. Ban đầu, các nhân viên đồng ý rằng họ muốn tránh tăng phí cho khách hàng của Gravity, điều mà Price cho rằng đã khiến doanh nghiệp chịu tổn thất từ ​​40% – 80% doanh thu. Sau đó, mọi người cũng sẵn sàng đóng góp tài chính của bản thân với điều kiện doanh nghiệp duy trì hoạt động kinh doanh và giữ họ ở lại. 

Tuy nhiên, một số nhân viên đã nêu ra những vấn đề của mình. Có người cho rằng họ đang chịu gánh nặng tài chính lớn vì những lí do khách quan như người thân trong gia đình mới nghỉ việc, một số vừa sinh con hoặc mua nhà. Nhiều người thậm chí còn khó khăn hơn cả nếu chỉ cắt giảm 10% thu nhập của họ. Một số khác tạm ổn định hơn khi tích lũy một khoản tiết kiệm có thể giúp họ duy trì cuộc sống trong vài tháng.

Đội ngũ lãnh đạo Gravity quyết định tiến hành một chiến lược độc đáo để giải quyết bài toán trên. Theo đó, mỗi nhân viên được đưa một tờ biểu mẫu khảo sát chia sẻ riêng tư về khoản mà họ sẵn sàng đóng góp từ quỹ lương của mình cho công ty. “Chúng tôi không muốn làm việc này công khai vì nó có thể khiến những người không đủ khả năng chi trả vẫn phải chịu một khoản cắt giảm lớn chỉ để không xấu hổ khi người khác nhìn vào” – Dan Price chia sẻ.

Mỗi nhân viên bí mật ghi ra một khoản tiền họ có thể trích từ lương của mình để đóng góp cho tổ chức.

Kết quả cho thấy, nhiều nhân viên đã sẵn sàng cắt giảm nửa lương thậm chí nguyên lương để giúp công ty tiết kiệm một khoản chi phí. Ai nhận nhiều đóng góp nhiều, ai nhận ít đóng góp ít. Dan Price và Tammi Kroll không bắt buộc bất kỳ ai. Họ thậm chí còn quy định không ai nên đóng góp quá 50% thu nhập. Các thành viên trong đội ngũ quản lý cũng không ngoại lệ. Những khoản cắt giảm tự nguyện này đã góp phần giảm 20% tổng chi phí trả lương cho nhân viên, điều mà Price cho rằng sẽ giúp công ty duy trì hoạt động từ 9 đến 12 tháng tới.  

Bài học khi đối diện với khủng hoảng

Thành công ban đầu trên của Gravity trong công cuộc ngăn ngừa khủng hoảng cho thấy tầm quan trọng của việc lãnh đạo cần đưa ra những quyết định sáng tạo, kịp thời và quan trọng hơn, hướng đến nhân viên. Với doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, nhiều bài học cần thiết doanh nghiệp có thể vận dụng khi quản trị khủng hoảng. Theo đó:

  • Khi gặp khó khăn, hãy tìm mọi cách tối ưu cho nhân viên trước khi nghĩ đến việc sa thải. Còn người là còn tất cả. 
  • Cần minh bạch về tình hình tài chính của công ty với nhân viên. Chỉ khi có sự trao đổi cởi mở, thẳng thắn, nhân viên của bạn mới hiểu tình huống bạn đang đương đầu khó khăn đến đâu và họ có thể góp sức lực của mình như thế nào.
  • Lãnh đạo không chỉ nên truyền mệnh lệnh một chiều mà phải lắng nghe ý kiến của nhân viên. Nếu như Dan Price không dành 40 giờ để họp với nhân viên, ông đã không thể hiểu hoàn cảnh của từng người để đưa ra cách giải quyết đúng đắn, phù hợp cho mọi đối tượng.
  • Trong khó khăn, hãy tìm đến nhân viên để cùng giải quyết. Nhân viên là tài sản hiện hữu, sẵn có và hiệu quả nhất của doanh nghiệp khi đương đầu với thử thách, bởi vậy, đừng bỏ quên họ nếu bạn đang tìm hướng giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp.

Qua bài học của Gravity, có thể nói, nhân viên đã và đang đóng vai trò không thể thiếu đối với sự thành – bại của doanh nghiệp. Gắn kết nhân viên trong giai đoạn khủng hoảng do vậy cần trở thành ưu tiên số một. Giải pháp Stay Strong do Blue C cung cấp sẽ là “cánh tay nối dài” cho lãnh đạo và doanh nghiệp gắn kết nhân viên trong giai đoạn khó khăn, cũng như cung cấp các bộ công cụ doanh nghiệp có thể dùng ngay để hỗ trợ hoạt động truyền thông nội bộ. Nếu bạn muốn tìm người đồng hành trong hành trình “vượt bão”, hãy tìm hiểu về Stay Strong tại đây và đừng ngại ngần liên hệ với Blue C nhé. 

Kim Oanh

Bài Viết Liên Quan