Thông điệp lãnh đạo: Nói gì với nhân viên trong thời điểm khó khăn?
Trong một thế giới mà dường như mọi thứ đang chao đảo, thì niềm tin là món tài sản có giá trị nhất. Thông điệp lãnh đạo có thể xoa dịu nỗi lo lắng, bất an của nhân viên và xoá tan sự nghi ngờ, củng cố niềm tin mà nhân viên dành cho tổ chức.
Giá trị của thông điệp lãnh đạo trong khủng hoảng
Lãnh đạo không chỉ là người đại diện thương hiệu doanh nghiệp trước nhà đầu tư, chính quyền, khách hàng và đối tác mà còn là người truyền cảm hứng, tạo động lực cho nhân viên. Tiếng nói của lãnh đạo sẽ tạo dựng niềm tin và thiện cảm của công chúng với doanh nghiệp thông qua thương hiệu cá nhân, đồng thời tạo thiện cảm từ nhân viên, giúp họ hiểu hơn về “con thuyền” họ đang đồng hành cùng tổ chức.
Trong giai đoạn khủng hoảng, thông điệp lãnh đạo góp phần tạo sự gắn kết trong nội bộ. Thông điệp từ lãnh đạo giúp nhân viên giải đáp các câu hỏi: Doanh nghiệp đang làm gì? Vì sao lại làm như vậy? Điều này tạo điều kiện để ổn định tâm lý của nhân viên khi họ đang đối diện với nhiều xáo trộn trong cuộc sống và công việc, đồng thời hạn chế những bức xúc có thể phát sinh nếu bị sa thải.
Với doanh nghiệp, thông điệp lãnh đạo có thể trở thành phát ngôn uy tín, chính xác, nhanh chóng nhất tới đối tác, khách hàng. Thông điệp đúng đắn, kịp thời còn có thể vực dậy một tổ chức khi doanh nghiệp tránh được nguy cơ nhân viên nghi ngờ, mất niềm tin vào lãnh đạo. Với đội ngũ nhân sự trong nội bộ, thông điệp lãnh đạo là công cụ để CEO “gieo trồng” hy vọng, động lực cho nhân viên với công việc, tổ chức.
Theo báo cáo New Times, New Leaders của PR360 vào tháng 4/2019, khi khảo sát 1000 nhân viên, 82% trong số đó cho rằng truyền thông từ lãnh đạo thường xuyên và toàn diện là rất quan trọng. Với chính các nhà lãnh đạo, thông điệp lãnh đạo sẽ góp phần xây dựng thương hiệu cá nhân của họ – điều vốn nhiều CEO có thể bỏ qua khi chỉ tập trung phát triển thương hiệu tổ chức.
Bí quyết để có thông điệp lãnh đạo hiệu quả
Trước những “điều kỳ diệu” thông điệp lãnh đạo đem lại, câu hỏi đặt ra là làm thế nào để các nhà lãnh đạo truyền tải thông điệp hiệu quả, đặc biệt trong thời điểm nhân viên đặt nhiều kỳ vọng vào cách doanh nghiệp giải quyết bài toán truyền thông trong khủng hoảng.
Dưới đây là một số bí quyết cho các nhà lãnh đạo khi đưa ra “tiếng nói” tới nhân viên cũng như các bên liên quan:
- Đừng bỏ qua kênh video
Nhiều nhà lãnh đạo thời điểm này đã chọn video là hình thức để gửi gắm thông điệp Covid-19 của doanh nghiệp. Arne Sorenson – Chủ tịch kiêm CEO của Marriott gần đây đã đăng tải đoạn video dài hơn 5 phút của mình lên trang Twitter của công ty. Hans Vestberg, CEO của Verizon Communications cũng chọn cách thức này. Video vừa là cách tiếp cận hiệu quả, dễ chiếm cảm xúc của người xem, vừa dễ dàng lan tỏa, không chỉ trong nội bộ mà còn với các bên liên quan như khách hàng, đối tác, cộng đồng… Trong bối cảnh làm việc từ xa là xu thế phổ biến, những gì bạn cần chỉ đơn giản là một chiếc điện thoại, một kịch bản rõ ràng, một không gian trang trọng, yên tĩnh là đã có thể có một video đầy cảm hứng.
- Cần tiếng nói của người cao nhất
Thông điệp lãnh đạo không nên được gửi bởi bất kỳ thành viên nào khác trong ban điều hành. Nó cần phải là tiếng nói của người có vị trí cao nhất mà thường là các CEO. Với vai trò là người đại diện của cả doanh nghiệp, CEO được nhân viên mong đợi sẽ là người đầu tiên đưa ra các thông tin thay đổi về chính sách, các quyết định liên quan đến nhân sự, phương thức làm việc. BP, McDonald’s, Walmart, Delta Air Lines hay Salesforce đều đưa ra thông điệp lãnh đạo từ chính các CEO của mình.
- Cảm xúc phải chân thực nhất
Một phần làm cho video của CEO Marriott thành công chính là nhờ phần thể hiện cảm xúc của Sorenson khi ông thông báo về việc phải sa thải các thành viên có đóng góp cho công ty. Cảm xúc đó không khô khan hay giả tạo. Điều “chạm” vào cảm xúc người xem chính là nhờ những chia sẻ chân thực, chính xác và đầy cảm thông của Sorenson đối với tình hình chung của xã hội cũng như của doanh nghiệp và nhân viên.
- Không quên thừa nhận thực tế
Thực tế lúc này thường là những điều khó chấp nhận, nhưng không vì vậy mà có thể bỏ qua. Truyền thông lãnh đạo hay truyền thông nội bộ đều cần đảm bảo tính minh bạch, bởi vậy, nhìn thẳng và thực tế và không ngại thừa nhận những khó khăn là cách để giữ niềm tin nhân viên tốt nhất.
- Kể các câu chuyện tích cực
Những câu chuyện tích cực có sức mạnh đối với tổ chức, cũng như cho khách hàng, nhân viên có thêm năng lượng, sự lạc quan và hy vọng. Bức thư gửi cho các khách hàng và partners – nhân viên của Starbucks do đích thân CEO Kevin Johnson gửi là một trong số đó. Bức thư này dẫn dắt người đọc qua những câu chuyện khác nhau về nhân viên Starbucks từ nhiều nơi trên thế giới. Từ việc tất cả nhân viên tại Mỹ, Canada thức dậy từ sớm để chuẩn bị khi cửa hàng chỉ mở bán cho các khách hàng lái xe dừng mua mang đi, cho đến việc một quản lý cửa hàng cảm nhận thế nào khi vẫn có thể tiếp tục kinh doanh và phục vụ cộng đồng. Câu chuyện góp phần trấn an nhân viên và như một liều thuốc động viên mọi người cùng kiên cường, tin tưởng và gắn kết để vượt qua giai đoạn khó khăn này.
- Đặt hy vọng vào thông điệp
Dù đưa ra thông điệp gì, điều nhân viên mong muốn được lắng nghe nhất là những dấu hiệu tích cực, những bối cảnh tươi sáng hơn trong tương lai. Trong bức thư của CEO Marriott, ông đã chỉ ra sự phục hồi của Trung Quốc – nơi bắt đầu có dấu hiệu “sống lại” sau chuỗi ngày khủng hoảng trầm trọng và cũng hy vọng vào một ngày không xa, Marriott sẽ có kịch bản tương tự. Dù tương lai có thể sẽ đạt được như kỳ vọng trong thông điệp hoặc không, nhưng ít nhất, thông điệp đó đã tạo động lực để nhân viên luôn cố gắng, phấn đấu vì một mục tiêu chung.
Có thể nói, ổn định tâm lý nhân viên bằng những thông điệp ý nghĩa, thiết thực là một trong những ưu tiên hàng đầu của lãnh đạo và doanh nghiệp trong thời điểm này. Đó đồng thời cũng là một trong số những lợi ích được kỳ vọng từ giải pháp Stay Strong do Blue C cung cấp mang lại. Stay Strong sẽ giúp doanh nghiệp ứng phó với khủng hoảng Covid-19 và giải quyết các vấn đề của tổ chức thông qua các chương trình tư vấn, huấn luyện đội ngũ quản lý và chuyên trách TTNB. Cùng tìm hiểu chi tiết hơn về giải pháp này tại đây.
Kim Oanh