Doanh nghiệp làm thế nào để tìm mục đích công việc cho nhân viên?

Doanh nghiệp làm thế nào để tìm mục đích công việc cho nhân viên?

Hàng loạt xáo trộn do dịch Covid-19 gây ra đã “đánh tiếng” những nhà lãnh đạo, các doanh nghiệp phải xem xét lại các ưu tiên của nhân viên. Quan tâm, đáp ứng mong muốn mục đích, hạnh phúc của nhân viên sẽ tạo bệ phóng để xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa nhân viên – doanh nghiệp.

Mục đích của nhân viên: Liệu bạn đã hiểu đúng?

Mục đích sống của con người có thể được hiểu là ý nghĩa của những điều quan trọng trong cuộc sống của họ, thường mang tính lâu dài, bao quát. Một người sống có mục đích, có ước mơ sẽ biết phấn đấu, nỗ lực để tiến gần hơn đến điều đó. 

Một báo cáo vào năm 2020 của McKinsey cho thấy mặc dù doanh nghiệp và lãnh đạo có thể ảnh hưởng lớn đến mục đích cá nhân của nhân viên, nhưng họ chỉ có quyền kiểm soát một số khía cạnh nhất định. Do đó để tối ưu hiệu suất, tạo động lực, niềm vui mỗi khi đi làm cho nhân viên, doanh nghiệp cần thực sự lắng nghe, tôn trọng họ. 

Mối quan hệ giữa mục đích cá nhân và mục đích công việc được thể hiện qua ba vòng tròn đồng tâm dưới đây.

Mối quan hệ giữa mục đích sống và mục đích trong công việc.

Kích thước của vòng tròn thứ hai tỉ lệ với mục đích công việc mà nhân viên có thể nhận được cũng như những mong muốn từ công việc của họ. Vòng tròn càng to khi công việc càng có ý nghĩa đối với người đó và ngược lại. Mỗi người có thể nghĩ về mục đích theo một cách khác nhau, tùy thuộc vào loại công việc đang làm cũng như vai trò, vị trí đang nắm giữ trong xã hội. Nếu như một người đến với công việc chỉ vì nhu cầu tiền bạc thì công việc đó đối với họ chỉ là công cụ kiếm tiền. Còn nếu họ nhìn nhận công việc mang một ý nghĩa lớn lao khác, tâm thế khi đi làm cũng hoàn toàn khác biệt, chẳng hạn như câu chuyện người lao công của NASA với sứ mệnh đưa con người lên mặt trăng. Doanh nghiệp cần coi vòng tròn trung gian này là mục tiêu nhắm đến, phải hiểu rõ, đáp ứng và thậm chí cần mở rộng vòng tròn đó.

Vòng tròn trong cùng (mục đích từ tổ chức) thể hiện các yếu tố gây ảnh hưởng từ phía tổ chức. Đây là khía cạnh duy nhất mà doanh nghiệp có thể kiểm soát. Có thể bằng cách thiết lập mục đích lớn của tổ chức hướng đến đến xã hội, tạo cơ hội cho nhân viên làm điều có ý nghĩa. Hoặc cũng có thể tạo ảnh hưởng bằng cách cải thiện “sức khỏe” của tổ chức, nuôi dưỡng văn hóa doanh nghiệp, thúc đẩy sự hòa nhập, nâng cao trải nghiệm nhân viên.

Nhà lãnh đạo phải làm sao mở rộng vòng tròn nhỏ đó tiến tới vòng tròn mục đích công việc của nhân viên. Khoảng cách càng nhỏ, nhân viên càng hiểu hơn vai trò của họ, hiểu hơn điều quan trọng đối với tổ chức, từ đó sẽ ra quyết định và hành động theo sự dẫn dắt phù hợp, hướng đến bức tranh lớn

Giúp nhân viên khám phá ý nghĩa công việc bằng cách nào?

Xuất phát từ mục đích của tổ chức

Khi mục đích cá nhân gắn kết với mục đích tổ chức, hiệu suất công việc cải thiện gấp 3 lần.

Dường như nghe có vẻ vô lý khi đầu tiên cần tập trung vào mục đích tổ chức nếu muốn hỗ trợ mục đích sống của nhân viên. Thực tế, đây là phần tổ chức dễ dàng kiểm soát nhất. Doanh nghiệp có đang thể hiện vai trò của mình trong xã hội không? Những nhà lãnh đạo có coi mục đích tổ chức là “kim chỉ nam” cho mọi quyết định không? Nếu mục đích tổ chức chỉ là những tấm poster trên tường hay là những lời nói suông, không có hành động cụ thể thì có thể gây phản tác dụng, lãng phí thời gian của mọi người. 

Đo lường, theo dõi cam kết của lãnh đạo, nhân viên là một cách giúp tổ chức luôn bám sát mục đích. Đo lường thường xuyên sẽ giúp những người đứng đầu sớm phát hiện các vấn đề và nhanh chóng thực hiện hành động phù hợp. Thậm chí, một số nơi đưa mục đích là một trong những tiêu chí đánh giá hiệu suất của đội ngũ lãnh đạo.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp có thể thường xuyên nhắc nhở cho nhân viên về vai trò, trách nhiệm của tổ chức đối với xã hội. Câu chuyện chân thực về những điều doanh nghiệp đã làm được sẽ giúp gắn kết nhân viên với bức tranh lớn, thúc đẩy niềm tự hào về tổ chức, công việc. Khảo sát của McKinsey cũng chỉ ra rằng nhân viên hào hứng làm việc hơn gấp 5 lần tại các công ty chú trọng đến truyền thông về trách nhiệm xã hội.

Lãnh đạo là hình ảnh phản chiếu

 

Người lãnh đạo khám phá giúp nhân viên tìm thấy ý nghĩa trong công việc bằng cách tìm tòi, đặt câu hỏi và kéo mọi người vào những ý tưởng dành cho tương lai.

Một khi nhân viên nhận thấy mục đích công việc được phản chiếu rõ ràng từ cấp trên, họ có thể bắt đầu dõi theo thật sát, hành động tương tự. Những buổi trò chuyện, trao đổi với lãnh đạo là một cách hiệu quả để giúp mọi người hiểu được vai trò của mình. Tuy nhiên, chỉ dừng lại ở đó là chưa đủ. Mục đích của nhân viên phải được phản ánh hàng ngày. Những người cấp trên cần chia sẻ, cùng đồng hành với nhân viên của mình và thậm chí sẵn sàng từ bỏ một số quyền lợi cá nhân để làm gương cho họ.

Điều này được thể hiện chẳng hạn như qua cách lãnh đạo thể hiện sự đồng cảm, cách họ giữ tư duy tích cực trước mọi việc hay qua cách nhân viên cảm thấy thoải mái khi chia sẻ những điều “khó nói” với cấp trên. Không điều gì mang tính cá nhân hơn mục đích sống của một người. Nếu như không phá bỏ rào cản khoảng cách với nhân viên, tổ chức sẽ không thể kết nối được mục đích công việc của họ.

Đưa ý nghĩa vào công việc hàng ngày

Những hành động nhỏ hàng ngày cũng sẽ giúp tiến gần hơn đến ước mơ.

Nhiều doanh nghiệp nhầm tưởng mục đích là những điều lớn lao mà nhân viên phải ra ngoài cộng đồng, làm những công việc to lớn, tác động đến nhiều người. Vì vậy họ cho thêm những ngày nghỉ để nhân viên tham gia các hoạt động bên ngoài. 

Mặc dù điều này vẫn sẽ có lợi cho tổ chức nhưng không phải là giải pháp tốt nhất. Thực chất, doanh nghiệp cần tạo cơ hội để nhân viên nhận ra ý nghĩa từ những công việc thường ngày. Từ đó, họ sẽ hoàn thành tốt hơn vai trò của mình trong tổ chức và mang lại lợi ích cho công ty.

Ví dụ như công ty bảo hiểm Bắc Mỹ USAA đã triển khai chương trình định hướng cho nhân viên mới kéo dài trong 4 ngày. Rất nhiều tọa đàm, hội thảo được mở ra nhằm khuyến khích nhân viên đặt câu hỏi chia sẻ ý kiến về cách họ thực hiện mục đích. Chính cách làm này đã truyền động lực nhân viên cố gắng hơn, đưa ra nhiều ý tưởng đổi mới hơn. Kết quả là theo thống kê năm 2018, mỗi năm công ty nhận được hơn 10.000 ý tưởng, góp ý nhằm cải thiện trải nghiệm của khách hàng. Khoảng 900 đóng góp đã được trao bằng sáng chế, trong đó có 35 ý tưởng đến từ nhóm nhân viên bảo vệ.

Các buổi trò chuyện mở, các phiên họp nhóm thoạt nghe qua có vẻ không hấp dẫn bằng việc nghỉ phép để tham gia các hoạt động ý nghĩa. Nhưng đây là cách hiệu quả để nhân viên nhận thấy ý nghĩa từ những việc làm thường ngày. Tạo không gian để biến những hành động nhỏ nhặt trở nên có ý nghĩa sẽ mang lại những trải nghiệm công việc tốt nhất, xây dựng môi trường làm việc cởi mở cho tất cả mọi người.

Xây dựng nền văn hóa đồng nhất các giá trị, hành động sẽ thúc đẩy sự phát triển, truyền cảm hứng cho nhân viên, giúp sợi dây gắn kết giữa tổ chức và nhân viên trở nên bền chặt. Để xây dựng văn hóa này trong tổ chức, doanh nghiệp cần có một lộ trình và những bước triển khai cụ thể. Bạn mong muốn được nói chuyện với chuyên gia của chúng tôi? Hãy liên hệ với Blue C để được tư vấn nuôi dưỡng, cải thiện và phát triển văn hóa doanh nghiệp, đáp ứng các mục tiêu chiến lược của tổ chức nhé!

Vân Anh

(Theo McKinsey)

Bài Viết Liên Quan