Tạo động lực cho nhân viên nhờ những hành động ý nghĩa
Trong thời điểm dịch bùng phát, những hoạt động ý nghĩa của doanh nghiệp thường được mọi người nhìn nhận như hoạt động trách nhiệm xã hội. Mặt khác, đối với nội bộ, đây còn được coi như hoạt động xây dựng lòng tự hào và tạo động lực cho đội ngũ nhân viên trong thời điểm khó khăn.
Từ bầu trời tới mặt đất
Vietnam Airlines và Sun Group là hai doanh nghiệp chủ lực của quốc gia với nhiều sản phẩm – dịch vụ góp phần cải thiện chất lượng đời sống của người dân. Tại thời điểm dịch Covid-19 tái bùng phát, hai “ông lớn” đã để lại những dấu ấn khó quên cả trên bầu trời và dưới mặt đất. Với Vietnam Airlines, đó là hành trình đặc biệt chuyên chở 219 lao động từ Guinea Xích Đạo hồi hương, trong đó hơn một nửa số công dân được xác định dương tính với Sars-CoV-2. Còn với Sun Group, đó là việc trở thành đơn vị tài trợ và thi công Bệnh viện Dã chiến Đà Nẵng, góp phần giảm thiểu áp lực cho đội ngũ y tế trong việc đáp ứng nhu cầu cứu chữa, chăm sóc một lượng lớn những ca nhiễm bệnh của thành phố.
Hai hoạt động đầy tính nhân văn trên của Vietnam Airlines và Sun Group không chỉ có ý nghĩa với cộng đồng mà còn tạo ảnh hưởng tích cực đến đội ngũ nhân viên. Chính những giá trị to lớn mà các doanh nghiệp đem lại đã giúp nhân viên cảm nhận rõ ràng và thêm tự hào với sứ mệnh của tổ chức. Nhờ đó họ có thêm động lực để tiếp tục gắn bó, cống hiến hết mình dẫu cho còn muôn vàn khó khăn trước mắt mà họ đang đối mặt.
Có thể thấy rõ sự tự hào này trong những câu chuyện được kể bởi chính những con người đang sát cánh cùng Vietnam Airlines. Đó là sự tự hào có thể thấy rõ của một tiếp viên trưởng đã chủ động đăng kí với ban lãnh đạo Đoàn Tiếp viên để có thể được thực hiện hành trình này và phục vụ tại khu vực hành khách nhiễm virus. Đó còn là niềm vinh dự của một tiếp viên khi có thể thay mặt cho hàng nghìn đồng nghiệp của Đoàn Tiếp viên được chăm sóc những hành khách đặc biệt. Đó là sự ngưỡng mộ mà một nhân viên vệ sinh dành cho đồng nghiệp đang ngày đêm công tác vì sự an toàn của hành khách, dũng cảm quên mình lao vào các điểm nóng giải cứu đồng bào. Họ dù là ai, làm tại vị trí nào thì đều có chung một nhận thức về vai trò của chính mình trong bức tranh lớn của tổ chức.
Còn với đội ngũ cán bộ nhân viên của Sun Group, họ cũng có những chia sẻ đầy cảm xúc với nhiệm vụ đặc biệt của tổ chức. Một kỹ sư trực tiếp tham gia vào quá trình thực hiện dự án nhận xét đây là một “công trình chứa đựng niềm tin tưởng và mong ngóng của lãnh đạo, người dân Đà Nẵng trong lúc thành phố đang nước sôi lửa bỏng”. Việc Sun Group đóng góp một công trình ý nghĩa cho thành phố cũng như đất nước khiến anh và hàng nghìn cán bộ nhân viên của Sun Group thêm phần tự hào. Những cá nhân tham gia quá trình thi công đều ý thức rằng công trình họ tạo ra sẽ không chỉ chất lượng mà còn phải nhanh chóng được hoàn thành. Với một tâm niệm nhân văn, họ đều mong muốn dù đây là một dự án đặc biệt trong cuộc đời nhưng hy vọng sẽ không bao giờ được đưa vào sử dụng.
Sự quan trọng của một công việc có ý nghĩa
Qua những câu chuyện trên, doanh nghiệp có thể thấy rõ các hoạt động trách nhiệm xã hội có vai trò quan trọng đối với việc khích lệ lòng tự hào cũng như “tiếp lửa” động lực cho nhân viên, đặc biệt trong thời điểm khó khăn. Một khi tạo ra những giá trị ý nghĩa cho cộng đồng, doanh nghiệp sẽ nhận được sự ủng hộ, tin yêu từ đội ngũ nhân viên – những người luôn mong muốn được gắn bó lâu dài với một tổ chức có sứ mệnh, mục đích rõ ràng.
Để giúp nhân viên tìm thấy ý nghĩa trong công việc của mình làm, doanh nghiệp có thể “bỏ túi” những lưu ý sau:
Thứ nhất, hãy khuyến khích nhân viên hỗ trợ khách hàng họ làm việc mỗi ngày. Bất kể khách hàng là ai, một sự tập trung lớn hơn dành cho họ là cách không chỉ giúp đỡ họ trong cuộc sống hoặc công việc mà còn giúp nhân viên tìm thấy nhiều ý nghĩa hơn trong chính những gì họ đang làm.
Thứ hai, đừng quên liên tục nhắc nhở nhân viên về mục tiêu chung của tổ chức. Bạn còn nhớ câu chuyện người lao công của NASA và sứ mệnh đưa con người lên mặt trăng chứ? Nếu được truyền thông đầy đủ và thường xuyên về mục đích lớn của doanh nghiệp, nhân viên sẽ biết được rằng mỗi một công việc họ làm đều mang lại ý nghĩa và những điều tốt đẹp đến cộng đồng.
Cuối cùng, hãy để mọi người cả nội bộ và bên ngoài biết được những hành động ý nghĩa doanh nghiệp đang làm. Có thể thấy, không thể phủ nhận vai trò của công tác truyền thông nội bộ và truyền thông ra bên ngoài đối với sự thành công của những chiến dịch ý nghĩa trên. Nhờ có những câu chuyện của những nhân vật “người thật việc thật” được khai thác, công chúng và nhân viên đã có cái nhìn chân thực và toàn diện về những đóng góp mà doanh nghiệp đang đem lại cho xã hội. Điều này tạo nên một “chất xúc tác” để những hành động thiết thực tới từ chính nhân viên và các doanh nghiệp khác được nhân rộng, góp phần đem lại những giá trị vô giá cho xã hội.
Kim Oanh