5 câu hỏi chứng tỏ trí tuệ cảm xúc của người lãnh đạo

5 câu hỏi chứng tỏ trí tuệ cảm xúc của người lãnh đạo

Khi đặt 5 câu hỏi dưới đây, nhà lãnh đạo sẽ thể hiện được sức mạnh của trí tuệ cảm xúc, truyền cảm hứng cho nhân viên, thúc đẩy hiệu suất chung cho doanh nghiệp, tạo môi trường làm việc thân thiện

Bạn có ý tưởng hay đề xuất nào để cải thiện quy trình hiện tại của công ty không?

Mọi nhân viên đều có những suy nghĩ, ý tưởng riêng của họ. Tuy nhiên, không phải ai cũng tự tin nói lên ý kiến một cách thoải mái. Do đó, một câu hỏi mở từ phía người lãnh đạo sẽ là động lực khiến nhân viên cảm thấy tự tin hơn, tích cực đưa ra những sáng kiến phát triển cho công ty. Nếu như ý tưởng đó không khả thi, cấp trên cần từ tốn giải thích cho họ để họ cảm nhận được phản hồi đó vẫn được coi trọng.

Nhân viên có thể đang “ấp ủ” những sáng kiến mới lạ hỗ trợ phát triển tổ chức.

Có cần tôi giúp đỡ gì không?

Hình ảnh một người lãnh đạo thường gắn với sự quyết đoán, nghiêm nghị, hành động nhanh chóng. Tuy nhiên, đôi khi “phá bỏ” hình tượng đó, quan tâm hơn đến nhân viên sẽ giúp họ dễ dàng mở lời khi cần sự giúp đỡ.

Câu hỏi “Có cần tôi giúp đỡ gì không?” tưởng chừng đơn giản nhưng sẽ giúp “thu hẹp” khoảng cách giữa lãnh đạo và nhân viên của họ. Nó vừa thể hiện sự quan tâm từ quản lý đến thành công của nhân viên, sẵn sàng hỗ trợ để họ hoàn thành mục tiêu vừa tạo nguồn động lực lớn để tiếp tục cống hiến cho công ty. 

Lãnh đạo có thể “phá bỏ” khoảng cách với nhân viên nhờ những câu hỏi thăm, trò chuyện gần gũi.

Bạn có “thắng lợi” nào trong tuần vừa qua không?

Một số nhà lãnh đạo chỉ tập trung “khoe khoang” thành tích của bản thân mà quên việc tạo khích lệ cho nhân viên. “Tuần này bạn có chiến thắng nào không” sẽ “bật đèn xanh” cho nhân viên “khoe mẽ” về bản thân một chút, về những công việc họ đã làm được trong tuần. Vài câu trò chuyện qua lại đơn giản như vậy sẽ khiến nhân tự tin hơn vào bản thân, khơi dậy năng lượng từ bên trong để tiếp tục hoàn thành tốt các công việc.

Thường xuyên đặt câu hỏi này đều đặn sẽ giúp cấp trên nắm bắt được nhịp làm việc của nhân viên hàng ngày, từ đó có thể triển khai một số hoạt động cải thiện hiệu suất công ty, tìm kiếm những nhân viên tiềm năng và khen thưởng để khích lệ họ.

Hãy để nhân viên “khoe khoang” một chút về thành tích của bản thân.

Nhiệm vụ nào trong công việc hiện tại khiến bạn thích thú nhất?

Không điều gì thúc đẩy động lực làm việc bằng chính niềm đam mê của người đó. Một khoản lương hậu hĩnh hay một kỳ nghỉ dài sẽ không thể tạo nguồn động lực làm việc lâu dài và giữ chân họ nếu họ không có đam mê với công việc đang làm. 

Đa phần một vị trí công việc sẽ gồm nhiều nhiệm vụ, đầu việc nhỏ. Do đó, nhân viên có thể sẽ yêu thích một vài khía cạnh, góc độ trong công việc. Một nhà lãnh đạo tốt, nhạy bén là một người biết cách khai thác, tìm ra khía cạnh công việc mà nhân viên yêu thích. Sau đó, người cấp trên có thể phân bổ, giao công việc, dự án phù hợp với đam mê, sở thích của họ kích thích động lực làm việc, nâng cao hiệu suất cho doanh nghiệp.

Giúp nhân viên “khai phá” đam mê sẽ khích lệ tinh thần làm việc của họ.

Bạn sẽ là ai trong 10 năm tới?

Câu hỏi “Bạn là ai trong 10 năm tới” (hay 5 năm, thậm chí 20 năm…) sẽ nói lên cách người quản lý quan tâm đến mục tiêu, nguyện vọng của nhân viên. Tất cả các thành viên trong doanh nghiệp, từ người bảo vệ, lao công đến những giám đốc điều hành đều có ước mơ về một tương lai họ luôn hướng đến. Những ước mơ này là “tiếng chuông” đánh thức họ bước ra khỏi giường vào mỗi sáng và đẩy họ đi xa hơn.

Người quản lý trong mắt nhân viên có thể là một người cùng đồng hành với ước mơ đó hoặc phá vỡ mục tiêu này. Vì vậy, để nhân viên duy trì động lực làm việc, lãnh đạo phải thể hiện luôn đứng về phía họ, sẵn sàng giúp đỡ họ đạt mục tiêu, thành công như mong đợi. 

Quan tâm đến mục tiêu của nhân viên và hỗ trợ họ sẽ giúp giữ chân nhân sự.

Vân Anh

(Theo HPPY)

Bài Viết Liên Quan