Doanh nghiệp nên làm gì để xây dựng môi trường làm việc đa dạng và hòa nhập?
Để việc đón nhận mọi đối tượng vào đội ngũ nhân sự của mình không chỉ tồn tại trên lý thuyết, doanh nghiệp cần xây dựng những chính sách, hoạt động thực tế phù hợp với nhân viên và giúp họ bớt mặc cảm vì “màu sắc” của riêng mình.
Tuyển dụng “mở”
Tuyển dụng “mở” là khi doanh nghiệp thực hiện khâu “săn ứng viên” với việc đặt ra càng ít tiêu chí càng tốt. Do đặc thù từng vị trí tuyển dụng mà nhiều doanh nghiệp đưa ra nhiều “gạch đầu dòng” mà ứng viên có thể sẽ thấy bối rối và lưỡng lự khi mình không đáp ứng một trong số những tiêu chí đó. Để việc tuyển dụng không trở thành hàng rào đầu tiên khi ứng viên biết tới tổ chức, doanh nghiệp nên:
Chuyển đổi tất cả các mô tả công việc sang ngôn ngữ trung lập về giới tính: Hãy kiểm tra xem trong mô tả công việc gửi ứng viên bạn có đang dùng cách gọi thiên vị cho giới tính nào không. “Bạn” sẽ là cách gọi hợp lý trong trường hợp này.
Để ứng viên biết cam kết của doanh nghiệp về một nơi làm việc đa dạng và hòa nhập: Nếu đây là một giá trị cốt lõi của doanh nghiệp bạn, đừng ngại ngần “khoe” với ứng viên trong mô tả công việc nhé!
Tiến hành sàng lọc hồ sơ “mù”: Điều này nghĩa là bạn sẽ chỉ nên đánh giá ứng viên dựa trên kinh nghiệm, kiến thức của họ thay vì có những kết luận do định kiến về quê quán, dân tộc, giới tính, ngoại hình…
Đừng nói với ứng viên “không phù hợp văn hóa” là lý do từ chối họ: Một cuộc trao đổi thẳng thắn, cởi mở về lý do thật mà bạn không lựa chọn họ sẽ giúp bạn ghi điểm hơn trong mắt ứng viên là việc đưa ra một câu trả lời “Bạn không phù hợp với văn hóa công ty chúng tôi”.
Tạo không gian trải nghiệm “không của riêng ai”
Những trải nghiệm đầu tiên của nhân viên về tổ chức có thể để lại ấn tượng sâu đậm và tác động đến cảm xúc, hành vi và lựa chọn của họ. Nếu bạn muốn nhân viên luôn tin tưởng và sẵn sàng giới thiệu về công ty cho người quen của họ, hãy chú ý những thay đổi nhỏ về môi trường vật lý và cảm xúc như sau:
Xây phòng vệ sinh linh hoạt cho mọi giới tính: Những nhân viên thuộc cộng đồng LGBT có thể sẽ thấy khó xử khi lựa chọn một nơi để giải quyết “chuyện riêng tư” của mình. Một khu vệ sinh “không của riêng ai” sẽ giúp họ thoải mái hơn.
Chu đáo từ những vật dụng “tế nhị” nhất: Chị em phụ nữ khi đến thời kỳ “đèn đỏ” sẽ thường gặp phải những tình huống oái ăm vì quên mang theo những đồ dùng “cứu cánh” khi ở văn phòng. Hãy hỗ trợ họ bằng cách cung cấp các vật dụng cần thiết tại các phòng vệ sinh và đừng quên dành một phần ngân sách nhỏ cho hoạt động này nhé!
Phòng riêng cho các bà mẹ sau sinh: Nếu doanh nghiệp bạn có không gian, đừng ngại mở một phòng riêng cho các nữ nhân viên đang trong thời kỳ hậu sản để họ dễ thao tác những hoạt động riêng tư của mình. Một phòng có hệ thống khóa đủ riêng tư, cửa sổ với hệ thống thông gió thích hợp, tủ lạnh để tích trữ sữa hay giường để nằm nghỉ sẽ là gợi ý để họ không phải “xấu hổ” hoặc bối rối trong sinh hoạt tại công ty.
Ban hành chính sách và cách thức truyền thông phù hợp
Một việc quan trọng khi xây dựng văn hóa đa dạng và hòa nhập đó là doanh nghiệp cần có một chính sách phù hợp để mọi thành viên cùng tuân theo cũng như có cách thức truyền thông linh hoạt. Dưới đây là một số lưu ý cho doanh nghiệp:
Thay đổi danh xưng khi gửi email: Nếu bạn chưa rõ độ tuổi, giới tính của người nhận, hãy đừng để những lần “vạ miệng” của bạn khiến họ khó chịu bằng cách thay đổi danh xưng. Các nhà lãnh đạo cũng có thể cân nhắc để ban hành Bộ quy tắc ứng xử trong tổ chức để việc trao đổi thông tin không trở thành nguyên nhân dẫn đến những sự hiểu lầm không đáng có.
Linh hoạt trong việc cho nhân viên nghỉ: Nếu nhân viên của bạn mong muốn được nghỉ vào những ngày lễ đặc biệt của đất nước họ hoặc tín ngưỡng họ đang tin tưởng, hãy chấp nhận những sự khác biệt đó.
Không phải ai cũng uống được rượu: Vậy nên, trong những hoạt động liên hoan hoặc tổng kết cuối năm, hãy chuẩn bị nhiều loại đồ uống đa dạng hơn để tất cả mọi người đều vui trong cuộc chơi chung. Những nhà tổ chức sự kiện cũng cần cân nhắc việc linh hoạt này trong việc ăn uống hoặc trang phục trong các sự kiện này.
Kim Oanh
(Tổng hợp)