Những nhầm tưởng phổ biến về văn hóa doanh nghiệp
Những nhầm tưởng về văn hoá doanh nghiệp, quá quan tâm đến bề nổi sẽ dẫn đến quá trình thực thi văn hóa thiếu hiệu quả, sai với mục tiêu ban đầu.
Nhầm tưởng 1: Thực thi văn hóa quá tập trung vào các hoạt động “ăn chơi nhảy múa”
Nhiều tổ chức thường nhầm tưởng rằng càng có nhiều sự kiện hoạt động nội bộ, nhân viên càng cảm thấy gắn kết, hiểu nhau hơn. Vì vậy, họ chỉ mải “tô màu” cho các hoạt động bề nổi mà không chú ý đến “chất” là phần cốt lõi ẩn bên trong. Tập trung vào hoạt động ngắn hạn trước mắt là cái bẫy bào mòn những mục tiêu dài hạn. Các hoạt động thiếu kết nối với những nền tảng, giá trị, triết lý theo chiều sâu sẽ gây lãng phí cho doanh nghiệp.
Nhầm tưởng 2: Xây dựng văn hóa cần ngân sách lớn
Chính vì chỉ tập trung vào những yếu tố bề nổi, các doanh nghiệp sẽ phải chi những khoản phí “khổng lồ” không cần thiết. Thực tế là để nhân viên thấm nhuần văn hóa của tổ chức, đồng thời giúp tối ưu chi phí cho doanh nghiệp, văn hóa có thể đưa vào quy trình nhân sự, các hoạt động thường ngày. Chẳng hạn như tuyển dụng nhân sự phù hợp với văn hoá, đánh giá và tưởng thưởng theo các giá trị cốt lõi, xây dựng các chương trình đào tạo nội bộ để duy trì văn hoá học tập và đặc biệt là cam kết của đội ngũ lãnh đạo, quản lý nhằm đưa văn hoá thực hành vào đời sống hàng ngày…
Nhầm tưởng 3: Xây dựng văn hóa chỉ là nhiệm vụ của những người thực thi văn hóa, truyền thông nội bộ
Nhận thức sai lầm phổ biến nhất là chỉ có bộ phận chuyên trách thiết lập, xây dựng văn hóa tại nơi làm việc. Thực tế, đây là nhiệm vụ của toàn tổ chức, đặc biệt là đội ngũ lãnh đạo, quản lý. Cấp trên là người đặt nền móng xây dựng văn hóa doanh nghiệp, là người đi đầu trong việc thực hiện các mục tiêu đề ra, người đầu tiên làm mẫu cho những hành vi mà họ muốn thấy ở nhân viên của mình. Nếu họ không hoàn toàn ủng hộ văn hóa doanh nghiệp bằng lời nói và hành động thì con đường đó sẽ khó thành hiện thực.
Ngoài ra, mỗi cá nhân, mỗi nhóm trong doanh nghiệp cần hiểu vai trò của mình trong hành trình này. Nhân viên phải là người đưa ra nguồn đầu vào về văn hóa mong muốn hoặc các ý tưởng cải thiện, đồng thời cần điều chỉnh hành vi phù hợp với nền văn hóa chung. Một khi nắm rõ và tham gia trực tiếp vào nhiệm vụ đó, mọi người sẽ cảm thấy hài lòng, tự hào hơn về nơi làm việc hiện tại.
Nhầm tưởng 4: Chỉ những doanh nghiệp lớn mới cần quan tâm đến văn hóa
Cho dù là một doanh nghiệp phát triển lâu năm với hàng chục ngàn nhân viên hay chỉ là một start-up nhỏ thì văn hóa đều có thể là vũ khí cạnh tranh không thể bỏ qua. Văn hóa doanh nghiệp là “bàn đạp” thúc đẩy tinh thần làm việc của mọi người, là “chất keo” kết nối cá nhân với mục tiêu, sứ mệnh của tổ chức. Đặc biệt với các công ty mới cần phải nhanh chóng thích ứng với thị trường, một nền văn hóa lành mạnh sẽ giúp duy trì sự hào hứng, khơi dậy sức mạnh để vượt qua mọi thử thách.
Nhầm tưởng 5: Có thể sao chép văn hóa của bất kỳ doanh nghiệp nào
Thực tế đã có nhiều chuyên gia hàng đầu trên thế giới nghiên cứu và đúc kết ra các loại mô hình văn hóa doanh nghiệp chính dựa trên thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh tại hàng trăm doanh nghiệp khác nhau. Tuy nhiên, các mô hình này chỉ mang tính chất tham khảo, doanh nghiệp không nên áp hoàn toàn theo mô hình mẫu. Bởi mỗi tổ chức đều có điểm mạnh, điểm yếu khác nhau.
Joe Wiggins, giám đốc PR của Glassdoor khu vực Châu Âu, từng chia sẻ: “Đừng hành động cho đến khi bạn biết mình đại diện cho điều gì. Đừng vì cám dỗ mà sao chép các công ty khác và cho rằng những gì hiệu quả ở nơi khác sẽ hiệu quả với bạn”. Có thể một kỳ nghỉ dài của công ty đối thủ chưa chắc khiến nhân viên của bạn thích thú bằng một chương trình đào tạo, phát triển phù hợp. Điều quan trọng nhất khi xây dựng văn hóa doanh nghiệp là phải nắm được đặc điểm hiện có để lựa chọn hình mẫu phù hợp với mục tiêu, định hướng của tổ chức. Hiểu rõ nội tại sẽ giúp doanh nghiệp tự trở thành phiên bản hoàn chỉnh nhất của chính mình mà không phải bản sao của bất cứ nơi nào khác.
Khóa học “Văn hóa doanh nghiệp” do Blue C kết hợp cùng MVV Academy thiết kế sẽ mang đến toàn bộ kiến thức tổng quan về văn hóa doanh nghiệp, giúp bạn hiểu được vai trò và tầm quan trọng của văn hóa doanh nghiệp đối với sự phát triển của tổ chức. Từ đó, có thể quan sát, đánh giá và tư duy một cách chiến lược về văn hóa doanh nghiệp của tổ chức mình, biết các cách thức để thực thi, áp dụng vào thực tiễn hiệu quả nhất.
Chi tiết khóa học: https://mvvuni.edu.vn/browse/course/van-hoa-doanh-nghiep-76
Với các doanh nghiệp có nhu cầu huấn luyện chuyên sâu cho học viên và tăng cường thời lượng thực hành, Blue C cũng có các chương trình huấn luyện phù hợp được thiết kế riêng cho doanh nghiệp, kết hợp giữa chương trình online có sẵn trên MVV Uni với các nội dung thực hành khác, nhằm tiết kiệm thời gian huấn luyện offline nhưng vẫn mang lại hiệu quả cao cho doanh nghiệp.