5 câu hỏi tiết lộ “sức khỏe” văn hóa doanh nghiệp
Thay vì đặt câu hỏi chung chung “Bạn thích điều gì khi làm việc ở đây?”, hãy kiểm tra “sức khỏe” của văn hóa doanh nghiệp bằng 5 câu hỏi “Có bao giờ…” mà Blue C gợi ý bạn như dưới đây.
1. Có bao giờ nhân viên có thời gian thoải mái để hoàn thành công việc không?
Nhân viên làm việc năng suất, sáng tạo nhất khi có một lượng lớn thời gian không bị gián đoạn. Hãy hỏi nhân viên của bạn về lần gần đây nhất họ có lượng thời gian thoải mái, không bị công việc khác xen vào (lý tưởng là khoảng 4 tiếng) là khi nào? Nếu họ đáp lại rằng “Thực ra ngày nào tôi cũng chìm trong các cuộc họp, những tin nhắn được gửi liên tục trên group nội bộ và cả chuỗi email luôn chờ tôi để giải quyết” hay “Thực ra thì tôi không chắc mình đã có từng đó thời gian chỉ để hoàn thành công việc”, bạn cần chấp nhận một sự thật rằng văn hóa công ty bạn đang chưa coi trọng việc tạo ra một môi trường bảo toàn quỹ thời gian của nhân viên để họ thể hiện 100% năng lực cho công việc.
2. Có bao giờ mọi người trong công ty tranh cãi, thảo luận với nhau không?
Một công ty có văn hóa lành mạnh là khi công ty đó khuyến khích những cuộc tranh luận nội bộ sôi nổi. Khi đó, nhân viên không ngại nói lên những ý kiến có thể gây bất đồng, họ quan tâm và cân nhắc các quan điểm của người khác. Một “văn hóa tử tế” nơi mọi người ngại vấp vào những xung đột, sợ việc mình đang qua mặt ai đó hay không chịu lắng nghe những ý kiến trái chiều mà chỉ khăng khăng với quan điểm của mình sẽ không phải là văn hóa tốt. Cần nhớ rằng, tranh cãi luôn là điều không tránh khỏi tại bất kỳ môi trường nào. Điều quan trọng là những tranh cãi đó được xử lý tốt bởi những con người thẳng thắn, trung thực, văn minh. Đó mới là khi doanh nghiệp bạn có văn hóa dân chủ và chính trực.
3. Có bao giờ CEO nói chuyện với một nhân viên không?
Câu hỏi này bạn có thể đặt ra cho CEO hoặc bất kỳ một nhân viên nào trong tổ chức. Có hay không việc CEO thường xuyên đóng kín cửa làm việc, chỉ xuất hiện trong những sự kiện lớn của công ty với vai trò người phát động chương trình hoặc các cuộc họp với quản lý, không bao giờ trò chuyện, giao lưu với đội ngũ cán bộ nhân viên? Hoặc không, liệu rằng có bao giờ bạn thấy CEO cũng ngồi cùng bàn với bạn trên canteen, chủ động bắt chuyện với nhân viên trong thang máy, hòa mình vào dòng người trong sự kiện chạy nội bộ, sẵn sàng tương tác trên email hoặc các trang mạng xã hội với nhân viên? Nếu bạn thấy những hình ảnh trên đâu đó đã xuất hiện trong doanh nghiệp bạn thì đó là khi lãnh đạo biết cách để tiếp cận nhân viên theo hướng cởi mở, hai chiều và thực sự mong muốn được lắng nghe những tiếng nói từ bên dưới.
4. Có bao giờ nhân viên cảm thấy tự hào về tổ chức không?
Câu hỏi này có thể khám phá những gì mọi người ở công ty thực sự coi trọng. Nhân viên có thể nói với bạn khoảnh khắc tự hào nhất của họ là đạt được mục tiêu bán hàng cá nhân và giành được giải thưởng trong công ty. Mặc dù đó không phải là một thành tựu quá to tát, nhưng nó cho thấy sự yêu thích đối với sự công nhận cá nhân từ nhân viên. Còn nếu câu trả lời khoảnh khắc đáng tự hào nhất của họ là khi công ty đạt được giải thưởng lớn trong ngành hoặc khi khách hàng có những nhận xét tích cực về công ty, đó là khi doanh nghiệp bạn đã xây dựng được một văn hóa tự hào mà tại đó, niềm vui của tổ chức cũng là niềm vui của nhân viên.
5. Có bao giờ nhân viên sẵn sàng hỗ trợ đồng nghiệp dù không thuộc thẩm quyền giải quyết không?
Nhân viên mong muốn được làm việc cho công ty có văn hóa mà mọi người trong các phòng ban và ngành dọc sẵn sàng ủng hộ lẫn nhau, cùng giải quyết vấn đề và không đặt nặng câu chuyện “công anh, công tôi”. Nếu nhân viên đã từng vượt quá giới hạn bản thân và sẵn sàng giúp đỡ đồng nghiệp dù việc đó không thuộc thẩm quyền giải quyết của họ, bạn có thể tự hào nói rằng công ty bạn có một văn hóa chia sẻ, đoàn kết và tích cực.
Kim Oanh