Ưu tiên của truyền thông nội bộ trong giai đoạn hậu đại dịch

Ưu tiên của truyền thông nội bộ trong giai đoạn hậu đại dịch

Truyền thông nội bộ nên tập trung vào đâu để đưa doanh nghiệp vượt khủng hoảng sau đại dịch? Dưới đây là ba ưu tiên cần tính đến để nâng cao sức mạnh nội lực của doanh nghiệp. 

1. Gắn kết với bức tranh lớn: Sứ mệnh, tầm nhìn và giá trị cốt lõi 

Các chiến lược của doanh nghiệp trong thời điểm này cần có sự liên kết với tầm nhìn, sứ mệnh và các giá trị cốt lõi. Đây là thời điểm hoàn hảo để nhắc nhở nhân viên về tầm nhìn, sứ mệnh và các giá trị cốt lõi của doanh nghiệp. Làm rõ với nhân viên về cách mỗi cá nhân có thể đóng góp cho chiến lược chung và khuyến khích họ lan tỏa thông điệp tích cực về các giá trị cốt lõi đó thông qua những câu chuyện chân thực từ chính họ. 

Giai đoạn hậu khủng hoảng cần là thời gian để tập trung vào bức tranh lớn.

Ngoài ra, cần truyền đạt rõ ràng, công khai và thường xuyên về những thay đổi mà công ty đã thực hiện để đối phó với đại dịch và những kế hoạch, dự án mà doanh nghiệp sẽ triển khai trong tương lai. Những mong muốn, kì vọng của bạn vào nhân viên cũng cần được truyền đạt khéo léo và xuyên suốt. 

2. Tìm cách kết nối lại các thành viên

Với những người trở lại làm việc sau thời gian ở nhà, họ sẽ rất muốn gặp trực tiếp đồng nghiệp. Nhiệm vụ của truyền thông nội bộ là tìm cách mang mọi người lại gần nhau nhất có thể bằng cách thường xuyên tạo ra các hoạt động giao lưu. Những cuộc họp, những buổi thảo luận ý tưởng, những giờ giải lao, chương trình giao lưu định kỳ, minigame đố vui trong các buổi sinh hoạt chung… có thể sẽ giúp thu hẹp khoảng cách sau thời gian dài không giao tiếp trực tiếp cho nhân viên của bạn. Tuy nhiên, việc tương tác này vẫn cần phải tuân thủ đúng quy định về khoảng cách, quy mô để đảm bảo an toàn cho đội ngũ nhân viên. 

Các hoạt động gắn kết cần được tiếp tục duy trì.

Tiếp tục sử dụng các kênh truyền thông nội bộ như portal, radio hay ứng dụng di động cũng như mạng xã hội để truyền tải các hoạt động này đến nhân viên vẫn làm việc tại nhà và những người không thể tham dự. Đảm bảo ghi lại âm thanh và video để lưu trữ, làm tư liệu cho những lần sau.

3. Rút ngắn khoảng cách lãnh đạo – nhân viên

Sự hiện diện của lãnh đạo trong thời gian này đóng vai trò khích lệ, tạo nên sự an tâm cho nhân viên hơn bao giờ hết. Người làm truyền thông nội bộ nên tạo cơ hội để lãnh đạo tham gia vào công tác truyền thông, truyền cảm hứng cho nhân viên và thể hiện sự quan tâm, động viên thông qua các bài viết trên blog, video ngắn và thông điệp qua email. 

Thông điệp từ lãnh đạo cần giữ sự xuyên suốt và thống nhất.

Trong ít nhất vài tháng đầu sau đại dịch, các nhà lãnh đạo nên tương tác với nhân viên thường xuyên hơn bình thường bằng cách sử dụng một kênh truyền thông cố định và giữ sự nhất quán trong tất cả các thông điệp. Bên cạnh đó, cũng cần cung cấp một kênh phản hồi riêng, nơi nhân viên có thể chia sẻ suy nghĩ và mối quan tâm của họ với lãnh đạo. 

Thảo Trang

Bài Viết Liên Quan