Vì sao nên duy trì tư duy tích cực tại nơi làm việc?
Tư duy của một người sẽ ảnh hưởng đến thái độ sống, sức khỏe cũng như tinh thần của họ. Trước sự bùng phát trở lại của đại dịch Covid-19 hiện nay, việc doanh nghiệp duy trì tư duy tích cực tại nơi làm việc cho nhân viên là điều hoàn toàn cần thiết.
Tư duy tích cực – hiểu thế nào cho đúng?
Tư duy tích cực được hiểu là khi một cá nhân đứng trước những khó khăn, thách thức họ sẽ đối diện chúng bằng thái độ quyết tâm thay vì buông bỏ, chán nản. Họ mạnh mẽ tiến về phía trước và sẵn sàng tìm đến hỗ trợ của người khác ngay khi cần để hoàn thành được công việc. Những người này có niềm tin rằng chính khả năng của bản thân họ và những người xung quanh sẽ cùng chinh phục, vượt qua mọi trở ngại.
Nhân viên tư duy tích cực thường lan tỏa những niềm vui, hạnh phúc đến đồng nghiệp qua cả lời nói cũng như hành động. Họ luôn mỉm cười, động viên những người xung quanh, sẵn sàng nhận mọi nhiệm vụ, công việc khó. Những người tư duy tích cực sẵn sàng đồng hành, tìm ra giải pháp cùng doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn thay vì chỉ than thở, bàn lùi, mất ý chí.
Tư duy tích cực giải quyết vấn đề gì trong tổ chức?
Tư duy tích cực đem lại lợi ích lớn đối với cách nhân viên đánh giá công việc của mình cũng như cách đồng nghiệp, khách hàng nhìn nhận con người họ. Một số vấn đề được giải quyết khi nhân viên trong doanh nghiệp duy trì thái độ tích cực có thể kể đến như:
Giảm bớt căng thẳng trong công việc: Nếu chỉ coi các thách thức trong công việc là chuyện nhỏ thay vì quá chú tâm vào vấn đề hay tác nhân gây ra nó thì nhân viên sẽ cảm thấy thoải mái hơn và dễ dàng kiểm soát chúng. Việc luôn giữ tinh thần sảng khoái, không lo âu sẽ giúp nhân viên giải quyết công việc thuận lợi hơn, đặc biệt với những công việc có nhiều thách thức.
Tăng năng suất: Tư duy tích cực kích thích não bộ hoạt động với công suất tối đa, nhờ đó nhân viên có thêm năng lượng để duy trì sự tỉnh táo, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Việc tăng năng suất giúp họ cải thiện được khả năng tập trung, suy nghĩ các vấn đề thấu đáo hơn và công việc dễ dàng được giải quyết.
Cải thiện khả năng giải quyết vấn đề: Một nhân viên tư duy tích cực thường có cái nhìn tổng quan, đa chiều. Đây là một kỹ năng cần thiết cho dù họ làm ở bất cứ lĩnh vực nào, từ bộ phận chăm sóc khách hàng khi luôn gặp phải những khách hàng khó tính đến những kỹ sư công nghệ luôn “đau đầu” trong việc nghiên cứu tạo ra sản phẩm mới.
Hỗ trợ trau dồi năng lực: Tư duy tích cực giúp nhân viên luôn giữ tinh thần cầu tiến, không ngừng học hỏi kỹ năng, kiến thức mới. Một người tư duy tích cực cũng không ngại đối mặt với thử thách mới vì họ cảm thấy tự tin hơn nhờ những kỹ năng mới sẽ học được.
Bình tĩnh đưa ra quyết định: Suy nghĩ tiêu cực sẽ gây ra các rào cản khiến việc đưa ra quyết định của nhân viên trở nên khó khăn hơn. Thay vào đó, nếu luôn duy trì thái độ tích cực, họ sẽ cảm thấy tự tin, bình tĩnh đưa ra các quyết định sáng suốt và tin rằng mọi vấn đề sau cùng đều được giải quyết ổn thỏa.
Củng cố các mối quan hệ: Mọi người luôn bị thu hút bởi những người mang năng lượng tích cực hơn người bi quan. Khi nhân viên có mối quan hệ tốt với những người đồng nghiệp xung quanh, việc phối hợp nhóm trở nên dễ dàng hơn, từ đó có thêm nhiều người ủng hộ và sẵn sàng giúp đỡ.
Hỗ trợ giải quyết xung đột: Nhân viên suy nghĩ tích cực coi lời nhận xét, phản hồi hay mâu thuẫn là những điều quý giá để hoàn thiện bản thân. Những góp ý từ đồng nghiệp hay cấp trên giúp họ đánh giá được điểm mạnh, yếu của mình. Ngoài ra, trong một doanh nghiệp, không phải tất cả mọi người đều có quan điểm giống nhau, vậy nên việc biết cách lắng nghe và học hỏi từ những ý kiến trái chiều đó sẽ giúp cả đôi bên cùng phát triển.
Tăng thái độ lạc quan: Một thái độ tích cực không có nghĩa là đảm bảo mọi thứ sẽ luôn đi theo ý của mình, nhưng giữ thái độ đó sẽ giúp nhân viên vượt qua những trở ngại trong công việc và tiếp tục tiến về phía trước với tinh thần quyết tâm lớn.
Mẹo để duy trì tư duy tích cực cho nhân viên trong doanh nghiệp
Tổ chức các hoạt động cải thiện tâm trạng: Tâm trạng sảng khoái, thoải mái cùng với một cơ thể khỏe mạnh là cách đơn giản nhất để nhân viên xây dựng tư duy tích cực. Doanh nghiệp cần khuyến khích các hoạt động nhằm thay đổi suy nghĩ, cải thiện tâm trạng của nhân viên tốt hơn. Có thể tổ chức các hoạt động giải tỏa căng thẳng trên nền tảng số như các lớp thiền, yoga hay lập các câu lạc bộ, nhóm nhỏ có chung sở thích với nhau trong công ty như bóng bàn, chạy bộ… Hay trong những ngày cận Tết sắp tới, doanh nghiệp có thể gửi những phong bao lì xì điện tử chứa đựng tình cảm, lời chúc đến nhân viên và gia đình của họ.
Gắn kết về mặt tinh thần: Môi trường xung quanh là một trong những yếu tố chính tác động đến suy nghĩ của mọi người vì cảm xúc thường có tính lây lan nhanh. Vì vậy, để xây dựng một không gian làm việc tích cực, người làm truyền thông nội bộ có thể tổ chức các hoạt động kết nối những người có suy nghĩ tiêu cực với người lạc quan, tích cực. Dành một chút thời gian để chia sẻ, trò chuyện trong buổi teambuilding trực tuyến sẽ tạo điều kiện để những người có tư duy tiêu cực nói ra vấn đề, khó khăn của mình và người lạc quan có thể sẽ đưa ra các lời khuyên hữu ích, mang lại thêm niềm tin.
Tổ chức các hoạt động vì cộng đồng: Các hoạt động mang tính xã hội không chỉ giúp cải thiện tâm trạng, thể chất cho nhân viên mà còn cho họ những cái nhìn thực tế, những tấm gương vươn lên trong khó khăn. Họ sẽ thấy được giá trị tích cực mình đã tạo ra cho cộng đồng, cảm nhận cuộc sống tốt đẹp hơn. Họ được giao lưu, học hỏi nhiều điều mới từ những con người có hoàn cảnh khác nhau, cảm thấy bớt căng thẳng trong công việc. Một số gợi ý từ Blue C để doanh nghiệp áp dụng trong thời điểm này, có thể kể đến như: gói bánh chưng tặng cho đội ngũ y, bác sĩ đang chiến đấu với Covid-19, xây dựng tủ sách cho các khu cách ly hay quyên góp tiền để mua khẩu trang, nước rửa tay gửi đến các khu vực tâm dịch để lan tỏa sự tích cực, giảm thiểu tối đa sự lây nhiễm trong cộng đồng.
Vân Anh
(Theo Indeed)