Hoạt động CSR đem lại những lợi ích gì cho nội bộ doanh nghiệp?

Hoạt động CSR đem lại những lợi ích gì cho nội bộ doanh nghiệp?

Hoạt động trách nhiệm xã hội (CSR) vốn vẫn được biết là một công cụ truyền thông thương hiệu cho doanh nghiệp. Ở một khía cạnh khác, với nội bộ doanh nghiệp, các hoạt động CSR còn đem tới nhiều lợi ích trong việc gắn kết nhân viên và cải thiện mối quan hệ giữa những người trong tổ chức.

1. Xây dựng thế giới tốt đẹp bên trong nội bộ

Nếu nhân viên thấy rằng công ty của họ đang làm những điều tốt đẹp cho xã hội, họ sẽ lấy đó làm tấm gương để cùng làm điều đúng đắn. Các hoạt động CSR sẽ trở thành động lực để nhân viên giúp đỡ đồng nghiệp, bạn bè, gia đình xung quanh giống như cách mà doanh nghiệp đang hỗ trợ, đóng góp cho cộng đồng. Nhờ đó, mối quan hệ trong nội bộ sẽ được cải thiện và trở nên khăng khít hơn.

Nhờ có các hoạt động CSR, nhân viên sẽ tích cực lan tỏa và làm những việc tốt.

2. Gắn kết nhân viên với mục đích của tổ chức

Cách mà một tổ chức đối xử với cộng đồng phản ánh sứ mệnh, mục đích của tổ chức. Ngày nay, nhân viên mong muốn được làm việc trong môi trường có bản sắc riêng với mục đích rõ ràng. Do vậy, khi thấy doanh nghiệp mình đem lại những giá trị tốt đẹp cho xã hội, nhân viên cũng sẽ hài lòng hơn, gắn kết dài lâu và làm việc năng suất hơn. Nghiên cứu từ Gallup chỉ ra rằng một tổ chức với đội ngũ nhân sự gắn kết có thể đem lại lợi nhuận kinh doanh tốt hơn 21%.

3. Để nhân viên thêm tự hào

Các hoạt động CSR do doanh nghiệp triển khai sẽ thường hướng đến những đối tượng đặc biệt trong xã hội. Đó có thể là các đợt cứu trợ đồng bào lũ lụt, quyên góp quần áo cũ, sơn sửa sân chơi cho trẻ em vùng khó… Chính nhờ những hoạt động ý nghĩa này, nhân viên sẽ thêm phần tự hào với tổ chức bởi họ thấy rằng ngoài lương, phúc lợi, họ còn được cùng công ty đóng góp nhiều giá trị thiết thực cho xã hội.

4. Thu hút ứng viên trẻ tuổi, nhiệt huyết

Những bạn trẻ thuộc thế hệ Y, Z đang có xu hướng tham gia vào các tổ chức có nhiều đóng góp cho xã hội hơn. Theo Forbes, 88% ứng viên thuộc Gen Y mong muốn có thể đóng góp những giá trị tốt đẹp cho cộng đồng qua công việc của mình. Một khảo sát của Net Impact chỉ ra rằng 72% sinh viên sắp ra trường đánh giá những tổ chức thực sự tạo ra sự ảnh hưởng sẽ khiến họ hạnh phúc và muốn ứng tuyển. Do vậy, một doanh nghiệp với bề dày các hoạt động CSR chắc chắn sẽ là thỏi nam châm thu hút nhiều ứng viên trẻ và đầy nhiệt huyết này.

Hoạt động CSR sẽ giúp thu hút những ứng viên mong muốn làm việc cho tổ chức đem lại lợi ích cho xã hội.

5. Thúc đẩy sự sáng tạo trong công việc

Hoạt động CSR có thể khiến nhân viên sáng tạo hơn – thoạt nghe có vẻ không liên quan nhưng thực chất hai điều này có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Thông qua các hoạt động xã hội, nhân viên sẽ thấy mình được truyền năng lượng và thái độ tích cực khi đóng góp công sức của mình cho bức tranh lớn của tổ chức. Đó sẽ là động lực để họ tạo ra những ý tưởng mới mẻ, những sản phẩm, quy trình cải tiến và phương thức giải quyết vấn đề hiệu quả hơn.

Ngày nay, khi thế giới đang “nóng” lên bởi những vấn đề mang tính thời sự như thiên tai, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, bạo lực với phụ nữ, trẻ em hay kỳ thị giới tính…, việc doanh nghiệp chung tay và đóng góp tiếng nói thông qua các hoạt động CSR sẽ không chỉ xây dựng được hình ảnh một thương hiệu “thức thời” và đẹp trong mắt công chúng, mà quan trọng hơn cả là phát triển nội bộ theo hướng tích cực và có ích hơn cho xã hội.

Kim Oanh

(Tổng hợp)

Bài Viết Liên Quan