Làm việc từ xa liệu có “nuốt chửng” văn hóa doanh nghiệp?
Doanh nghiệp muốn thành công trong kỷ nguyên mới phụ thuộc vào sự đổi mới, dám thử nghiệm các công thức mới để xây dựng, duy trì nền văn hóa vững mạnh.
Chuyển sang nền văn hóa ưu tiên từ xa
Trước đây, cách bài trí không gian hay tương tác trực tiếp tại văn phòng làm việc là những biểu hiện rõ nhất của văn hóa doanh nghiệp. Từ cách mọi người cư xử, ăn mặc đến những yếu tố vật lý như ghế sofa, khu vực chơi bóng bàn… Tuy nhiên trước bối cảnh thay đổi môi trường làm việc đột ngột, nhiều lãnh đạo còn cảm thấy “dè dặt” khi nhắc đến văn hóa bởi cuộc khủng hoảng đã làm thay đổi một phần nào, khiến nền văn hóa xây dựng bấy lâu nay không còn theo dự định. Việc mất đi không gian chung, thiếu những tương tác trực tiếp làm “loãng” vô số biểu hiện văn hóa.
Trước thử thách đó, doanh nghiệp cần truyền đi những tín hiệu mới mạnh mẽ hơn, tạo ra nhiều điểm chạm tích cực, thường xuyên kết nối với nhân viên. Một số tập đoàn lớn đã chú trọng vào việc thiết lập lại các quy trình, nền văn hóa phù hợp, nhanh chóng thích nghi dần với phép thử hiện nay.
Chẳng hạn như Ravi Kumar – Chủ tịch của Infosys chia sẻ văn hóa của Infosys vừa lấy khách hàng làm trung tâm, đồng thời vừa xây một cộng đồng gắn bó như một gia đình cho nhân viên. Khi đại dịch mới xuất hiện, Infosys đã chi trả một khoản lớn cho việc thuê các chuyến bay để đưa nhân viên và gia đình của họ đang bị mắc kẹt về nước. Doanh nghiệp cũng thông báo sẽ đảm bảo việc làm cho họ, không cắt giảm lực lượng lao động. Điều này nói lên cho dù có rào cản về khoảng cách địa lý, Infosys vẫn duy trì nền văn hóa mạnh mẽ nhờ việc quan tâm đến phúc lợi của nhân viên và người nhà của họ.
Tại IBM, văn hóa hòa nhập và đề cao tinh thần chủ động của tập đoàn được thể hiện qua bản “cam kết hỗ trợ làm việc từ xa“. Bản cam kết này chỉ rõ cách nhân viên hỗ trợ nhau trong việc cân bằng công việc và cuộc sống trong giai đoạn khủng hoảng – thời điểm nhạy cảm về nhu cầu dành cho gia đình và duy trì kết nối xã hội. Arvind Krishna, CEO của Tập đoàn đã chia sẻ bản cam kết này lên LinkedIn để truyền thông cho các giá trị của doanh nghiệp.
Hay như tại Slack, trước đại dịch, nhân viên mới gia nhập sẽ được đưa đến tham quan trụ sở chính tại San Francisco ngay cả khi họ không làm việc tại Mỹ. Tuy nhiên, kể từ khi chuyển sang làm việc từ xa, Slack đã thay đổi quy trình hội nhập, chuyển các thủ tục giấy tờ, chương trình đào tạo trực tiếp sang nền tảng trực tuyến, nhấn mạnh về giá trị và chuẩn mực văn hóa trong các buổi tọa đàm với lãnh đạo, đồng nghiệp.
Lãnh đạo “cầm cờ” văn hóa
Trong thời điểm nhạy cảm này, lãnh đạo không thể “ngồi yên” mà cần tận dụng làm việc từ xa để tái thiết nền văn hóa mới sâu sắc hơn. Họ phải là người đánh giá, quyết định nền văn hóa mong muốn và “truyền lửa” cho nhân viên.
Nickle LaMoreaux, Giám đốc Nhân sự tại IBM đã mô tả việc chuyển sang làm việc tại nhà khiến mọi người “giống con người hơn một chút”. Tức là gặp gỡ các đồng nghiệp khi làm việc ở nhà giống như được mời sang nhà nhau chơi. Mọi người hiểu thêm về đồng nghiệp, về mặt khác trong cuộc sống, chẳng hạn như cách họ sinh hoạt, màu của bức tường, các thành viên trong gia đình và vật nuôi của họ… Mặc dù đây không phải là sự can thiệp có chủ đích của IBM, nhưng LaMoreaux muốn tiếp tục duy trì văn hóa đó lâu dài, ngay cả khi trở lại văn phòng.
Slack coi đây là cơ hội để những nhà lãnh đạo, điều hành dễ tiếp cận hơn với nhân viên, chuyển đổi sang nền văn hóa coi trọng cá nhân. Các cuộc họp giao ban được tổ chức thường xuyên kéo dài hàng giờ đồng hồ giờ đã rút ngắn chỉ còn 2 tuần/lần, tối đa 20 phút. Lãnh đạo cũng xuất hiện với hình ảnh gần gũi hơn, luôn đặt câu hỏi “hãy hỏi tôi bất cứ điều gì”, thậm chí có lúc đứa con trèo lên người ngồi. Cấp trên thể hiện tinh thần cởi mở, đồng cảm trong nội bộ sẽ khiến nhân viên biểu lộ những đặc tính đó với khách hàng.
Xu thế mô hình Hybrid
Lợi ích từ mô hình Hybrid đã mở ra cánh cửa mới giúp doanh nghiệp thu hút nhân sự, giảm chi phí mặt bằng và đảm bảo việc vận hành hiệu quả hơn. Một số doanh nghiệp lớn không còn lấy văn hoá tại nơi làm việc là trung tâm, chuyển sang cho phép nhân viên tùy chọn nơi làm việc tại nhà một phần hoặc toàn thời gian, trong đó có Deutsche Bank, Infosys, Nationwide Insurance, Nielsen, Siemens, Starbucks, Twitter.
Một trong những rủi ro lớn nhất từ mô hình hybrid là không tạo nhận thức tương đồng về văn hóa doanh nghiệp. Điều này đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp sẽ phải tiếp tục thúc đẩy sự hòa nhập, linh hoạt đảm bảo truyền thông thông suốt và tập trung củng cố văn hóa cho nhóm nhân viên làm việc từ xa. Chẳng hạn như có thể cập nhật công việc qua video thay cho những cuộc họp giao ban trực tiếp.
Kết hợp giữa môi trường thực và không gian ảo sẽ tạo sự gắn kết đồng bộ, hiệu quả, đồng thời giữ được nét văn hóa vốn có, những tương tác giữa con người. Ngay cả những công ty cho phép làm từ xa hoàn toàn như GitLab hay Automattic vẫn tổ chức các cuộc họp trực tiếp để duy trì sự mối quan hệ nội bộ, giúp nhân viên mới hòa nhập hơn.
Trước thời kỳ mới đầy thử thách hiện nay, việc sớm thử nghiệm văn hóa ưu tiên làm việc từ xa, song song với gìn giữ văn hóa tại nơi làm việc sẽ giúp tổ chức xây dựng nền văn hóa bền vững. Dám chấp nhận thất bại trên hành trình này là điều cần thiết để doanh nghiệp sớm tìm ra con đường phía trước.
Trong đại dịch Covid 19, sự tái thiết của một “bình thường mới” với chiến lược kinh doanh chuyển dịch, phương thức làm việc khác biệt, kỳ vọng của nhân viên thay đổi, tất cả sẽ tạo nên một phép thử mạnh mẽ đối với văn hoá hiện tại của doanh nghiệp.
Để giúp các nhà lãnh đạo, quản lý nhận thức một cách sâu sắc về thời điểm khủng hoảng và cách thức vượt qua những thử thách đó, Blue C đã phối hợp cùng MVV Academy tổ chức hội thảo trực tuyến “Văn hóa doanh nghiệp trong đại dịch”.
THÔNG TIN CHI TIẾT
– Thời gian: 14:00-15:00, thứ Năm, ngày 29/07/2021
– Hình thức: Online qua Zoom – Không thu phí
– Link đăng ký: tại đây
Vân Anh
(Theo HBR)