Những sai lầm phổ biến khi xây dựng văn hóa doanh nghiệp
Mới đây trong buổi talkshow “Những ngộ nhận và sai lầm khi xây dựng văn hóa doanh nghiệp” do Blue C phối hợp cùng Mekong Capital và F88, ông Lê Quang Vũ – CEO Blue C đã có những chia sẻ về những lưu ý khi triển khai văn hóa doanh nghiệp. Ông nhấn mạnh, có khoảng hơn 40 sai lầm khi xây dựng văn hóa doanh nghiệp, dựa trên những nghiên cứu, quan sát của ông.
Là đơn vị tư vấn văn hóa doanh nghiệp (VHDN) cho nhiều tập đoàn, công ty tại Việt Nam, Blue C sử dụng quy trình 4S, bao gồm Shape – Standardize – Socialize – Sustain để triển khai chiến lược phát triển văn hóa. Trong buổi talkshow, ông Vũ đã đưa ra những phân tích dựa trên quy trình 4S này để đánh giá những sai lầm các doanh nghiệp thường gặp phải.
Shape – Định hình
Định hình là bước đầu tiên khi doanh nghiệp bắt đầu triển khai xây dựng văn hóa.
CEO Blue C cho biết sai lầm dễ nhận thấy nhất là một số doanh nghiệp hay bắt chước. Các doanh nghiệp tham khảo thấy các tổ chức lớn bên ngoài làm hay, thú vị sẽ bắt chước, áp dụng trở lại vào của mình.
Thứ hai là làm VHDN mà không bắt đầu từ ước mơ của chính những người bên trong tổ chức, bằng tầm nhìn họ mong muốn, lý do tồn tại của họ. Các tổ chức đó thường làm vì chạy theo “mốt”, thấy mọi người làm thì làm theo hoặc do cấp trên chỉ định làm mà không thực chất muốn làm điều đó.
Một sai lầm khác dễ mắc phải khi làm VHDN là không tập trung vào những “rễ cây”, là bản chất, sứ mệnh, tầm nhìn, giá trị cốt lõi mà sa đà vào hoạt động bề nổi, chỉ nhìn vào “lá cây”.
Ông Vũ chia sẻ thêm trong giai đoạn định hình, nhiều doanh nghiệp muốn quá nhiều thứ, nơi khác có điều hay cũng muốn lắp vào. Hay có những sự thật ngầm định, dù biết chúng có tồn tại nhưng không thừa nhận nó.
Một số người bảo thủ với văn hóa cũ cũng là một sai lầm khác khi định đình VHDN. “Họ đã thành công trong thời gian dài với văn hóa đó nên nghĩ rằng có thể thành công mãi và không dám chấp nhận sự thay đổi. Đến khi cần định hình, tái tạo lại văn hóa thì họ sợ sẽ bị thất bại nên không làm”, CEO Blue C nói.
Standardize – Chuẩn hóa
Giai đoạn chuẩn hóa là đưa mọi người hiểu ngôn ngữ chung, những hành vi được và không được chấp nhận tại tổ chức, hiểu chung về các định nghĩa.
Sai lầm đầu tiên ông Lê Quang Vũ nhắc đến là văn hóa doanh nghiệp không được văn bản hóa. “Nếu văn hóa doanh nghiệp chỉ là những thứ nghĩ trong đầu mà không văn bản hóa, chính thống hóa thì sẽ bị tam sao thất bản. Bởi không phải ai lúc nào cũng có thể ngồi nhắc cho người khác nguyên văn. Và ngay cả cuốn sổ tay văn hóa, nhiều doanh nghiệp cũng không làm đúng.”
Thứ hai là không áp dụng văn hóa doanh nghiệp vào quy trình nhân sự. Bởi chuẩn hóa bao gồm cả tuyển dụng, hội nhập, đánh giá, khen thưởng, kỷ luật theo văn hóa không chỉ dựa trên hiệu suất của nhân viên đó. Khi tuyển dụng, có tham chiếu văn hóa, giá trị mà doanh nghiệp đề cao với giá trị của cá nhân người đó không? Khi hội nhập có chuẩn hóa cho mọi người hiểu ở đây văn hóa là gì không? Hoặc khi xâm phạm văn hóa thì doanh nghiệp có chế tài, hình phạt nào không hay bỏ qua và dần tạo thành tiền lệ xấu?
Từ góc độ của ông Vũ, chuẩn hóa văn hóa doanh nghiệp không chỉ về quy trình mà cả về nhận thức, tức là phải đào tạo về văn hóa doanh nghiệp hoặc chuẩn hóa về thực thi. Vì nhiều công ty chỉ phó mặc việc xây dựng VHDN cho một người hay một bộ phận trong khi giám đốc, lãnh đạo không tham gia.
Socialize – Phổ cập
Sau khi chuẩn hóa, doanh nghiệp cần đảm bảo mọi người cùng biết, bao gồm cả khách hàng, đối tác, nhà cung cấp, hệ sinh thái của doanh nghiệp cùng chia sẻ giá trị đó để văn hóa phát triển bền vững.
Một trong những sai lầm rất hay gặp trong bước phổ cập là “đầu voi đuôi chuột”. Ban đầu các doanh nghiệp làm một cách hào hứng, rùm beng nhưng sau rút bớt dần. Hoặc không lường sức mình dẫn đến việc ôm đồm, làm quá nhiều thứ mà không lường được khả năng tiếp nhận của đối tượng khiến nhân viên oải.
Ông Vũ cho biết điểm cộng cho các bạn trẻ khi làm văn hóa doanh nghiệp là có nhiều ý tưởng, nội dung sáng tạo nhưng với các doanh nghiệp lớn sẽ có phần cứng nhắc, nội dung nghèo nàn, một chiều cũng khiến việc phổ cập yếu kém.
Nhiều hoạt động, sự kiện bản chất không phải văn hóa doanh nghiệp nhưng có thể biến thành cơ hội để phổ cập VHDN. Tuy nhiên, một số công ty lãng phí cơ hội đó, không gắn VHDN vào các hoạt động nhỏ hàng ngày không biết gắn với sứ mệnh lớn cũng là một sai lầm khi làm socialise.
Sustain – Duy trì
Xây dựng văn hóa doanh nghiệp không phải làm trong một thời gian là kết thúc mà cần phải được bồi đắp, duy trì liên tục.
“Người làm truyền thông văn hóa doanh nghiệp thì nhiều nhưng làm văn hóa doanh nghiệp thì ít”, ông Vũ nhận định. Nhiều doanh nghiệp truyền thông rất hay nhưng làm VHDN bao gồm cả những giải pháp để áp dụng văn hoá vào cách tuyển chọn, đánh giá con người, đôi khi là những điều rất khô khan, không phải lúc nào cũng là những thứ vui vẻ, thú vị.
Thứ hai, VHDN không chỉ là một mảng tách biệt mà còn có thể phối hợp với các lĩnh vực liên quan khác như thương hiệu tuyển dụng, trải nghiệm nhân viên, biến nhân viên thành đại sứ thương hiệu, CSR… Không tạo sự liên kết những nhiệm vụ này với nhau sẽ gây lãng phí, không giúp duy trì văn hóa doanh nghiệp thống nhất.
Ngoài ra, doanh nghiệp không có ý thức trong việc bồi đắp, tạo ra những “lá cây” mới, các tạo tác VHDN mới cho tổ chức cũng là sai lầm lớn trong việc duy trì văn hóa. Không chỉ nói câu chuyện của ngày hôm nay mà cần phải bồi đắp, lưu trữ chúng để những thành viên mới trong tương lai khi gia nhập đều hiểu về lịch sử, con người cũ.
Trong buổi talkshow, bà Nguyễn Thị Minh Giang – Tổng Giám đốc Nhân tài và Văn hóa tại Mekong Capital và ông Phùng Anh Tuấn – CEO F88 cũng đưa ra những chia sẻ, case study thực tế từ kinh nghiệm thực chiến trong nhiều năm, giúp doanh nghiệp gỡ rối trên hành trình xây dựng văn hóa doanh nghiệp.
Xem lại talkshow NHỮNG NGỘ NHẬN VÀ SAI LẦM KHI XÂY DỰNG VĂN HÓA DOANH NGHIỆP tại đây: