Đã đến lúc để tái thiết văn hóa doanh nghiệp

Đã đến lúc để tái thiết văn hóa doanh nghiệp

Trong bối cảnh dần thích nghi với trạng thái ‘bình thường mới’, nhiều doanh nghiệp mải chạy theo các chiến lược kinh doanh mà bỏ qua văn hóa tổ chức – yếu tố cốt lõi để tạo nên giá trị bền vững. Tuy nhiên, giai đoạn này là thời điểm thích hợp để xem xét lại các giá trị ưu tiên, tìm kiếm sự khác biệt trong nội tại theo cách vận hành mới.

Làm thế nào để tái thiết sứ mệnh, tầm nhìn và những giá trị cốt lõi?

Đội ngũ các nhà lãnh đạo của tổ chức là những người khởi xướng để hoạch định nên tầm nhìn, sứ mệnh và giá trị cốt lõi. Tuy nhiên, không thể bỏ qua vai trò của mỗi cá nhân trong lộ trình tái định hình văn hoá doanh nghiệp này. Hiện thực hoá các tuyên bố văn hoá doanh nghiệp cần có sự tham gia của cả tập thể.

Thông thường, nhóm lãnh đạo của tổ chức sẽ bắt đầu quá trình này bằng cách tự đặt một loạt câu hỏi:

  • Sứ mệnh: “Mục đích cốt lõi của việc phối hợp tập thể là gì? Tại sao chúng ta tồn tại và làm công việc hiện tại?” Đây sẽ là “ngôi sao Bắc Đẩu” để doanh nghiệp xây dựng văn hóa dựa vào đó, nói lên cách mỗi cá nhân tác động đến cộng đồng.
  • Tầm nhìn: “Chúng ta hy vọng cùng nhau đạt được điều gì?” Những mục tiêu đó phải vừa mang tính dài hạn, có tham vọng, vừa có thể hành động và đạt được thay vì chỉ “nổ ra”, khó tiếp cận. Đây là đích đến chung của tập thể, là thứ giúp doanh nghiệp biết họ có đang tiến lên hay không. 
  • Giá trị: “Những nguyên tắc cốt lõi nào sẽ định hướng cách chúng ta cùng làm việc và hành xử với khách hàng?” Bộ giá trị là tập hợp các quy tắc đạo đức mà tất cả nhân viên đồng thuận, tuân theo và có trách nhiệm thực hiện những hành vi đúng đắn.

Đặc biệt, doanh nghiệp cần tự nhìn nhận lại những thay đổi của họ trong vòng 2 năm qua. Điều này sẽ giúp khám phá ra các chuyển biến thú vị trong văn hóa và trọng tâm của tổ chức. Thứ gì đã lỗi thời, thứ gì cần bỏ lại? Cần đón nhận thứ gì mới?

Nội dung trả lời cho những câu hỏi phải đơn giản, dễ nhớ và được xác thực. Tuyên bố sứ mệnh, tầm nhìn phải là một câu đủ dễ nhớ để mọi người có thể nhắc lại. Đồng thời cần đảm bảo tính xác thực theo đúng thực tế của tổ chức và tạo được sự khác biệt so với những nơi khác. Bộ giá trị cốt lõi cũng phải là những cụm từ đơn giản, có ý nghĩa và dễ nhớ.

Và những nhà lãnh đạo sẽ cần đặt ngược các câu hỏi này cho đội ngũ nhân viên. Nghệ sĩ Michelangelo từng viết rằng: “Mỗi khối đá cẩm thạch đều ẩn chứa bên trong một tác phẩm nghệ thuật và nhiệm vụ của nhà điêu khắc phải khai phá ra nó”. Sứ mệnh, tầm nhìn và giá trị đều giống nhau, là những thứ đã tồn tại trong công việc, trong mỗi con người. Nhiệm vụ của tổ chức và lãnh đạo không phải là áp đặt những thứ đó mà phải cẩn thận đục đẽo, uốn nắn và trau chuốt.

Mẹo “lôi kéo” nhân viên tham gia

Truyền thông về dự án

Đừng quên truyền thông về quá trình tái thiết tầm nhìn, sứ mệnh, giá trị của tổ chức, đặc biệt nhấn mạnh những thay đổi trong 2 năm vừa qua. Chia sẻ rộng rãi về dự án, biến tầm nhìn, sứ mệnh trở nên cuốn hút hơn để mọi người tái kết nối với bức tranh lớn của tổ chức. Việc tái thiết lập văn hóa doanh nghiệp sẽ đặc biệt gắn kết hiệu quả giữa đội ngũ nhân viên làm việc từ xa hay làm kết hợp.

Chìa khóa để hành trình tái thiết văn hóa thành công là truyền thông xuyên suốt ngay từ khi khởi động.

Lắng nghe diện rộng

Trong hành trình thay đổi văn hóa, vai trò của quản lý, lãnh đạo rất quan trọng. Họ sẽ là người trực tiếp kết nối, truyền thông điệp cho nhân viên. Có thể áp dụng những phương pháp công nghệ như gửi thông điệp qua video lắng nghe góp ý qua những công cụ khảo sát trực tuyến. Tuy nhiên những kết nối trực tiếp, giữa người với người sẽ hiệu quả hơn cả. Những nhà lãnh đạo có thể thay phiên nhau tổ chức phỏng vấn nhóm (focus group) để kết nối các nhóm lớn. Trong quá trình này, doanh nghiệp cần khuyến khích văn hóa tiếp thu phản hồi bằng cách ghi nhận những ý kiến xuất sắc của nhân viên, tưởng thưởng cho phản hồi thú vị và cần nuôi dưỡng đội ngũ lãnh đạo thấu hiểu.

Truyền thông nhất quán

“Chìa khóa” để đưa tầm nhìn, sứ mệnh, giá trị mới đến nhân viên là truyền thông rộng rãi, nhất quán. Có nhiều hình thức khác nhau như dán lên tường, đưa vào quyển sổ tay văn hóa hay đưa lên các trang web công ty để khách hàng bên ngoài cũng nắm được hoặc gửi gắm qua các bài phát biểu, chia sẻ của lãnh đạo trong các sự kiện nội bộ. Doanh nghiệp cũng có thể sáng tạo qua những hình thức độc đáo khác như áo, cốc, móc chìa khóa… để ghi lại dấu mốc đặc biệt này. 

Ghi nhận những tấm gương

Con người học hỏi nhanh nhất thông qua các câu chuyện. Những câu chuyện thực tế về cách nhân viên đưa tầm nhìn, sứ mệnh, giá trị vào công việc hàng ngày là điều không thể thiếu. Phỏng vấn trực tiếp nhân viên hay khách hàng là cách nhanh nhất để tìm những câu chuyện nhân viên gắn với sứ mệnh của công ty và làm nổi bật từng bước đi nhỏ trên chặng đường hướng đến tầm nhìn mới. Đồng thời tạo ra các phần thưởng văn hóa để ghi nhận cho nỗ lực của các tấm gương thể hiện xuất sắc sẽ giúp lan tỏa văn hóa rộng rãi đến tập thể.

Ghi nhận những cá nhân thể hiện văn hóa xuất sắc sẽ giúp tập thể hiểu rõ hành vi chuẩn mực văn hóa.

Vân Anh

(Theo HBR)

————

Để hành trình tái thiết văn hóa thành công đòi hỏi những người thực thi, lãnh đạo, quản lý có nhận thức đúng đắn về khái niệm này. Buổi talkshow NHỮNG NGỘ NHẬN VÀ SAI LẦM KHI TRIỂN KHAI XÂY DỰNG VĂN HÓA DOANH NGHIỆP do Blue C và Mekong Capital, F88 đồng tổ chức sẽ mang đến cái nhìn tổng quan về văn hóa doanh nghiệp. Những bài học, chia sẻ thực tế từ các doanh nghiệp, chuyên gia sẽ giúp bạn lường trước những vấn đề dễ mắc phải để tránh lặp lại các sai lầm đó.

⏲ Thời gian: 16:15 – 17:45 | Thứ Năm, ngày 14.04.2022.
📌 Hình thức: Trực tuyến qua Zoom
https://us06web.zoom.us/j/81483098778

📌 Link đăng ký: tại đây

 

Bài đọc thêm

Vì sao chuyển đổi số nên bắt đầu từ văn hóa doanh nghiệp?

Văn hóa agile – Điểm khởi đầu cho hành trình chuyển đổi

Bài Viết Liên Quan