Khám phá sức mạnh từ những “đại sứ thương hiệu” trong tổ chức
Bạn không thể bỏ ra chi phí lớn để thuê tới 100 KOLs nổi tiếng quảng bá thương hiệu trong chiến dịch truyền thông mạng xã hội. Song bạn hoàn toàn có thể đào tạo 100 nhân viên trở thành “đại sứ thương hiệu” cho doanh nghiệp mình với chi phí chỉ bằng với giá thuê một nhân vật nổi tiếng mà hiệu ứng lan tỏa lại rất rộng rãi. Hãy khám phá sức mạnh từ chính đội ngũ “đại sứ thương hiệu” ở ngay bên trong tổ chức.
Khi nhân viên trong vai “đại sứ thương hiệu”
“Đại sứ thương hiệu” là cái tên chung để chỉ những người đóng vai trò quan trọng trong các chiến dịch quảng bá và khuếch trương tên tuổi của doanh nghiệp. Họ có thể là người nổi tiếng, người hiểu biết về ngành về sản phẩm, dịch vụ của thương hiệu, đại diện hình ảnh thương hiệu trên các kênh truyền thông khác nhau. Họ chi phối cảm xúc và hành động của công chúng với thương hiệu của doanh nghiệp đó.
Nếu như trước đây, các “đại sứ thương hiệu” thường bó hẹp là các ca sĩ, diễn viên, người mẫu nổi tiếng hay các KOLs đang thu hút hàng triệu lượt theo dõi trên mạng xã hội thì ngày nay, các doanh nghiệp đã sử dụng luôn nguồn lực bên trong tổ chức và biến chính nhân viên trở thành “đại sứ thương hiệu” của tổ chức mình.
Theo ông Lê Quang Vũ, CEO Blue C, việc biến nhân viên trở thành những “đại sứ thương hiệu” của doanh nghiệp trở thành xu hướng trong bối cảnh công nghệ bùng nổ. Khách hàng ngày nay chủ yếu tiêu dùng nội dung trên mạng xã hội, khách hàng đòi hỏi thông tin chính xác, đáng tin cậy và nhanh chóng nên nhân viên sẽ là “kênh tiếp thị” mới. Với công nghệ mới, mỗi nhân viên trở thành một kênh truyền thông và tác động đến doanh nghiệp. Dù là làm việc trong bộ phận nào thì họ vẫn luôn tự hào với sản phẩm của công ty mình, họ sẽ chia sẻ với mọi người để mỗi khách hàng của doanh nghiệp hoàn toàn có thể trở thành một người ủng hộ cho doanh nghiệp.
Chân dung của một “đại sứ thương hiệu” trong tổ chức là một người có uy tín cao trong tổ chức, các ý kiến và quan điểm của họ được tôn trọng và ủng hộ dù ở bên trong môi trường công sở hay ở bên ngoài. Họ có khả năng giao tiếp tốt, họ có một mạng lưới kết nối rộng rãi ngoài xã hội. Doanh nghiệp bạn không thể bỏ ra chi phí lớn để thuê tới 100 KOLs nổi tiếng quảng bá thương hiệu trong chiến dịch truyền thông mạng xã hội. Song doanh nghiệp bạn hoàn toàn có thể đào tạo 100 nhân viên trở thành “đại sứ thương hiệu” với chi phí chỉ bằng với giá thuê một nhân vật nổi tiếng mà hiệu ứng lan tỏa lại rất rộng rãi và an toàn.
“Đại sứ thương hiệu” giúp gì cho tổ chức?
- Tiếp thị hiệu quả hơn:
Theo số liệu từ MSL Group, thông điệp của thương hiệu tăng đến 561% khi được chia sẻ bởi nhân viên thay vì qua tài khoản của doanh nghiệp. Độ tương tác từ những cá nhân này trên mạng xã hội thường cao hơn gấp 8 lần so với độ tương tác từ các doanh nghiệp. Các nội dung bài viết trên mạng xã hội của cá nhân thường có độ tương tác cao gấp 25 lần so với thông tin từ doanh nghiệp.
Điển hình như Dell sở hữu 10.000 nhân viên được đào tạo về Social Employee và trung bình các bài viết từ tài khoản nhân viên Dell được chia sẻ gấp 6 lần so với nội dung chia sẻ từ chính tài khoản của Dell. Hay như sự kiện Datafirst launch 2016 ở New York (Mỹ) đã đạt số lượng đăng ký ấn tượng nhờ vào chính việc các IBMers đồng loạt chia sẻ về sự kiện trên mạng xã hội.
- Xây dựng thương hiệu chi phí hợp lý hơn:
Thay vì mất nhiều tiền cho các chiến dịch quảng cáo TVC, báo chí hay khoản chi phí không nhỏ cho các KOLs nổi tiếng, việc sử dụng chính nhân viên trên nền tảng mạng xã hội có sẵn chắc chắn sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm được một khoản lớn.
Thêm vào đó, ngày nay khách hàng chủ yếu tiêu dùng nội dung trên mạng xã hội, họ không còn thích những quảng cáo mang tính “tô vẽ” mà họ đòi hỏi thông tin chính xác, đáng tin cậy và nhanh chóng. Vì vậy, thông qua chính nhân viên, doanh nghiệp sẽ quảng bá thương hiệu một cách tự nhiên và hiệu quả hơn.
- Tăng gắn kết nội bộ:
Theo số liệu thống kê từ LinkedIn, nhờ có các chiến dịch truyền thông mạng xã hội thông qua chính nhân viên, 27% lạc quan hơn về tương lai doanh nghiệp, 20% được truyền cảm hứng hơn, 20% mong muốn gắn bó với công ty hơn.
Deloitte đã xây dựng trang @liveatdeloitte với concept “Cuộc sống ở Deloitte thế nào” và chính nhân viên là người chia sẻ về văn hóa tuyệt vời nơi làm việc của họ đã tạo ấn tượng tuyệt vời cho cả khách hàng, đối tác cũng như nội bộ doanh nghiệp.
- Tuyển dụng hiệu quả hơn:
Một con số thống kê cho thấy chỉ có 7% tỉ lệ tuyển dụng biết đến qua giới thiệu từ các “đại sứ thương hiệu” trong tổ chức nhưng cơ hội tìm được nhân sự phù hợp đạt đến 40%. Ứng viên được giới thiệu gắn bó lâu hơn, 46% làm việc sau một năm và 45% tiếp tục ở lại sau hai năm.
L’Oreal là một ví dụ điển hình về việc thành công khi dùng mạng lưới 15.000 nhân viên trên LinkedIn để tìm kiếm thành công 90 nhân sự chất lượng cao chỉ trong năm tháng, tiết kiệm đến 20.000 bảng chi phí tuyển dụng.
- Phòng ngừa rủi ro:
Rõ ràng, việc sử dụng chính nhân viên là “đại sứ cho thương hiệu” sẽ an toàn hơn nhiều so với việc sử dụng người bên ngoài tổ chức. Uy tín thương hiệu sẽ không vì những “scandal” bất ngờ từ các nhân vật nổi tiếng mà bị ảnh hưởng.
Làm thế nào phát huy tốt vai trò của “đại sứ thương hiệu” trong tổ chức?
- Rõ ràng về mục tiêu và quyền lợi:
Hãy cung cấp cho những cá nhân này những thông tin rõ ràng về mục tiêu khi họ là “một đại sứ thương hiệu” cho tổ chức và những quyền lợi đi kèm. Khi hiểu rõ ràng, chính các nhân viên sẽ cảm thấy được tôn trọng, được đóng góp sức lực cho thành công của tổ chức cũng như được hưởng những quyền lợi xứng đáng.
- Đào tạo về kỹ năng viết và quy tắc cụ thể:
Nếu với các đại sứ thương hiệu là người nổi tiếng, bạn phải cung cấp cho họ những thông tin cụ thể về sản phẩm, thương hiệu cùng những hợp đồng, quy tắc cụ thể, tránh các trường hợp vi phạm thì với nhân viên cũng vậy. Họ cũng cần được đào tạo để hiểu đúng và đủ về sản phẩm, dịch vụ cũng như thương hiệu của doanh nghiệp. Họ phải có nguồn tin chính thống để khai thác nội dung cho các chiến dịch quảng bá. Từ đó, họ sẽ đưa ra các bài viết, các hướng tiếp cận phù hợp và đúng thông điệp chiến dịch. Bên cạnh đó, họ cũng cần nắm được những quy tắc cơ bản về những điều nên và không nên khi nói về sản phẩm, nói về thương hiệu của doanh nghiệp mình.
- Lắng nghe phản hồi:
Không ai khác, chính những “đại sứ thương hiệu” trong tổ chức là những người giúp doanh nghiệp hiểu hơn khách hàng. Chính từ các góc độ khai thác nội dung khác nhau, doanh nghiệp sẽ biết được khách hàng đang muốn gì, đang nghĩ gì và cần gì. Việc lắng nghe phản hồi từ nhóm “đại sứ thương hiệu” sẽ giúp doanh nghiệp đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng và trở nên tốt đẹp hơn với khách hàng.
Mai Trinh