Cách quan tâm đến nhân viên mùa dịch lý giải vì sao Google trở thành nơi làm việc đáng mơ ước

Cách quan tâm đến nhân viên mùa dịch lý giải vì sao Google trở thành nơi làm việc đáng mơ ước

Liên tục cập nhật các chương trình, hoạt động hỗ trợ nhân viên đã giúp Google phát huy sức mạnh nội lực, thành công vượt qua các khó khăn trong đại dịch, mang về lợi nhuận lớn.

Quan tâm đến sức khỏe tinh thần của nhân viên

Google hiểu rằng rất ít người có thể hoàn toàn tập trung 100% vào công việc trong 8 tiếng liên tục. Do đó, công ty khuyến khích nhân viên chỉ cần tập trung vào một khoảng thời gian ngắn nhưng hiệu quả nhất. Thời gian còn lại có thể dành cho các hoạt động thư giãn như xem phim, chơi game, đọc sách, ngủ,… Đây là lý do văn phòng làm việc của Google được thiết kế nhiều không gian nghỉ, tạo cảm giác thoải mái như ở nhà như có những khu vực đặt đệm để nhân viên nằm nghỉ, có phòng tập gym, phòng mát-xa riêng biệt hay cả khu vực “không làm việc” để tiếp đón bạn bè hoặc đối tác. Tất cả điều này nhằm giảm thiểu căng thẳng, tạo tâm lý thoải mái, nâng cao trải nghiệm cho nhân viên.

Do đó khi chuyển sang làm việc từ xa, một trong những mối lo lắng lớn nhất của lãnh đạo Google là nhân viên thiếu những tiện ích, cơ sở vật chất như tại công ty. Nhân viên phải tự nấu ăn ở nhà do nhà hàng đóng cửa, không được phục vụ đồ ăn sẵn như trên văn phòng. Hay không có phòng mát-xa riêng, các phòng gym cũng tạm ngừng hoạt động. 

Để giải quyết vấn đề này, Google khuyến khích nhân viên nghỉ phép, bổ sung thêm ngày nghỉ và cung cấp một số khoản hỗ trợ ngân sách để họ để họ có thể sắp xếp không gian làm việc tại nhà hay đi mát xa cân bằng lại tinh thần. Trong khoảng thời gian nghỉ phép, nhân viên có thể phân bổ lại công việc, ưu tiên của cá nhân, chẳng hạn như sắp xếp để con học ở nhà thuận tiện hay bố trí lại không gian để có chỗ ngồi làm việc. Ngoài ra, Google có chế độ đặc quyền dành cho người chăm sóc (những nhân viên cần chăm sóc con nhỏ, cha mẹ hay người thân bị bệnh) sẽ có thêm ngày nghỉ phép ngoài những ngày nghỉ lễ Tết, ngày tham gia bonding hay ngày nghỉ dành cho cha mẹ có con nhỏ dưới 7 tuổi.

Văn phòng Google được thiết kế như một “ngôi nhà” tạo cảm giác thoải mái cho nhân viên.

Hơn nữa, nhiều doanh nghiệp chỉ để ý đến việc nhân viên có tập trung, dành trọn tâm sức vào công việc hay không mà quên mất rằng để duy trì sự sáng tạo, họ cần cân bằng được thời gian nghỉ ngơi. Căng thẳng, lo âu chỉ khiến “tắc nghẽn” trí sáng tạo, những ý tưởng mới. Hiểu được thực trạng đó, Google đã phát triển một số chương trình cải thiện sức khỏe tinh thần cho nhân viên. Đồng thời, họ cũng mời các chuyên gia tâm lý hàng đầu để nói chuyện cùng với nhân sự, giải tỏa căng thẳng cho họ.

Bên cạnh khuyến khích nhân viên nghỉ nhiều hơn, Google còn tổ chức các hoạt động nâng cao kỹ năng ngoài công việc để nâng cao trải nghiệm cho nhân viên. Những buổi nấu ăn chung, cùng làm bánh, nướng bánh sẽ thay cho các buổi họp nhóm chia sẻ về công việc kinh doanh quen thuộc hàng ngày. Hoặc có những buổi cùng gấp hình origami với con nhỏ để biến không khí khi làm việc tại nhà nhẹ nhàng hơn, không quá nghiêm trọng.

Các nhân viên Google tại Ấn Độ cùng nhau đón lễ hội ánh sáng Diwali trực tuyến.

Duy trì lực lượng lao động khi làm việc từ xa

Thiết lập hệ thống đánh giá hiệu suất minh bạch

Là một công ty đa quốc gia, vốn dĩ làm việc từ xa không còn là điều xa lạ với nhiều nhân viên của Google. Các nhóm làm việc ở nhiều châu lục, tại nhiều múi giờ khác nhau và phải di chuyển tương đối nhiều. Để kiểm soát số lượng nhân sự lớn như vậy, Google đã thiết lập hệ thống đánh giá minh bạch dựa trên tiến độ công việc của nhân viên. Hệ thống cho phép quản lý và nhân viên đều có thể truy cập từ hai phía.

Duy trì giao tiếp giữa lãnh đạo và nhân viên

Vai trò của lãnh đạo, quản lý Google khi làm việc từ xa không hề giảm. Duy trì giao tiếp giữa lãnh đạo và nhân viên sẽ giúp cấp trên hiểu được môi trường, cuộc sống hay những ưu tiên, khó khăn của nhân viên. Từ đó điều chỉnh lại mục tiêu, dự án để mọi người giải quyết vấn đề cá nhân trước. Khi việc riêng dàn xếp ổn thỏa, họ có thể an tâm, đồng lòng tập trung hoàn toàn vào công việc, có những trải nghiệm tốt nhất.

Ngay cả khi không làm chung trong một không gian, quản lý vẫn cần thường xuyên trao đổi với nhân viên để kịp thời hỗ trợ giải quyết khó khăn của họ.

Kết nối các bộ phận

Trước thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, các bộ phận, phòng ban ở Google có thể có dự án riêng. Tuy nhiên, khi đại dịch xuất hiện, các nhóm sẽ cùng họp chung với nhau, thống nhất lại bộ phận nào nên ưu tiên để hỗ trợ tốt nhất cho người dùng. Thay vì triển khai nhiều kế hoạch riêng lẻ, mọi người sẽ lựa chọn một vài dự án tiêu biểu, khả thi nhất, chỉ khoảng 3-5 dự án trong vòng 6 tháng đến 1 năm. Với niềm tin rằng dự án này quan trọng với cộng đồng, người dùng của họ, nhân viên sẽ cảm thấy thoải mái, tinh thần làm việc phấn chấn hơn.

Linh hoạt thay đổi dự án

Trong giai đoạn dịch bệnh, nhu cầu sử dụng các nền tảng trực tuyến của người dùng ngày càng tăng. Điều này đòi hỏi nhân viên phải cung cấp các nhiều giải pháp, cập nhật tiện ích mới phù hợp với tình hình hiện tại. Vậy nên Google không quá cứng nhắc, khắt khe yêu cầu nhân viên phải hoàn thành trọn vẹn dự án đang triển khai. Họ có thể linh động “bắt tay” sang kế hoạch mới, tạm gác lại nhiệm vụ dang dở nếu nó đáp ứng nhu cầu, lựa chọn của khách hàng, người dùng hiện tại.

Hỗ trợ nhân viên có con nhỏ

Những tình huống trớ trêu của nhân viên có con nhỏ khi làm việc từ xa đều trở nên quá quen thuộc như đứa trẻ xông vào giữa cuộc họp hay bỗng la hét. Tại Google, để nhân viên không cảm thấy bối rối, mất tự tin trong những trường hợp này, các thành viên khác trong nhóm đã chào hỏi bé, hỏi thăm, trò chuyện đôi ba câu. Mục tiêu cuối cùng là xây dựng văn hóa hướng đến sự đồng cảm trong toàn tổ chức, từ đó gia tăng hiệu suất công việc cho nhân viên. Google đã gợi ý một số giải pháp hỗ trợ nhân viên khi có con nhỏ. Thứ nhất, trước khi họp, hãy sắp xếp thời gian biểu chi tiết và để con hoạt động bên phòng khác. Đảm bảo đứa trẻ ngồi yên trong thời gian đó, không chạy sang phòng cha mẹ khi đang họp. Hiện nay có rất nhiều khóa học online như lớp mỹ thuật, STEM… để cha mẹ lựa chọn. Thứ hai, nhân viên có thể phân chia thời gian với vợ/chồng của họ, thay phiên nhau trông coi nếu đứa trẻ còn quá bé.

Bật camera khi họp trực tuyến

Khi làm việc từ xa, nhiều người thường lơ là, không quan tâm đến vẻ bề ngoài. Họ sẽ mặc luôn những bộ quần áo ở nhà thường ngày, không chú ý chải chuốt đầu tóc. Những người này sợ đồng nghiệp đánh giá, nhìn thấy những hình ảnh chân thực đó nên sẽ tắt camera mỗi khi tham gia họp “ảo”. 

Tuy nhiên, Google có một quy tắc là tất cả nhân viên đều phải bật camera khi tham gia họp trực tuyến. Điều này vừa thể hiện sự tôn trọng khi thành viên khác nói, vừa chứng minh được sự chuyên nghiệp của bản thân trong cuộc họp. Trong trường hợp bất khả kháng, Googler cần nêu ra lý do chính đáng và phải thông báo trước.

Bật camera khi tham gia họp trực tuyến là cách Googler thể hiện sự tôn trọng với đồng nghiệp.

Vân Anh

(Tổng hợp)

Bài Viết Liên Quan