Niềm vui – “Liều thuốc tinh thần” cho doanh nghiệp

Niềm vui – “Liều thuốc tinh thần” cho doanh nghiệp

Trong thời đại phát triển công nghệ số, dường như nhiều tổ chức “bỏ quên” mong muốn cơ bản của nhân viên là một môi trường làm việc hứng khởi, vui vẻ. Sức mạnh của niềm vui thậm chí to lớn hơn cả những kết nối cá nhân, chia sẻ mục đích hay niềm tự hào về tổ chức.

Nếu công ty là một đội bóng?

Sức mạnh kết nối từ niềm vui dễ dàng nhận thấy trong các bộ môn thể thao. Khi một đội thể hiện phong độ tốt, tất cả các thành viên và toàn bộ khán đài cổ vũ sẽ cùng hò reo, sung sướng để nâng tinh thần của đội. Thành công khơi dậy niềm vui và niềm vui thúc đẩy thành công hơn nữa. 

Vậy còn trong doanh nghiệp? Trong bất kỳ môi trường làm việc, niềm vui có thể nảy sinh từ sự kết hợp của ba yếu tố là sự hòa hợp, những tác động và sự ghi nhận. 

Sự hòa hợp: Mỗi thành viên đều đóng vai trò nhất định làm nên chiến thắng của cả nhóm. Có người giỏi về chuyền bóng. Có người là cầu thủ ghi bàn xuất sắc. Hoặc có người sẽ “vào vai” khơi dậy “ngọn lửa” chiến đấu cho cả đội. Sức mạnh, kỹ năng đa dạng cộng hưởng tạo nên một “dream team” ăn ý, bao trùm là cảm giác thoải mái, vui sướng.

Tác động: Sự hòa hợp trong nhóm sẽ tạo ra những tác động tích cực, từ đó sẽ “nạp nêm” niềm vui trong mọi người cho dù đó là một trận đấu ấn tượng hay chỉ một khoảnh khắc “vàng”. Lúc này, sự tác động được hiểu là khi các thành viên được tận dụng thế mạnh của mình và nắm rõ vai trò của mình trong chiến thắng đó. Biểu hiện rõ nhất của niềm vui lúc này là việc các cầu thủ sẽ cùng khoác vai nhau thành một vòng tròn, hò reo sung sướng sau mỗi chiến thắng. 

Ghi nhận: Khi tất cả cùng ăn mừng bàn thắng thì đó cũng là biểu hiện của sự ghi nhận và  coi trọng những đóng góp. Việc này sẽ làm nên sức mạnh lớn, tạo thành vòng lặp niềm vui dẫn đến thành công và tiếp nối niềm vui.

Các nhà lãnh đạo có thể áp dụng mô hình này vào trong doanh nghiệp bằng cách thiết kế những trải nghiệm khơi dậy niềm vui, tận dụng nó làm “bàn đạp” để thắng lợi.

Niềm vui có thể nảy sinh từ sự kết hợp của ba yếu tố là sự hòa hợp, những tác động và sự ghi nhận.

Doanh nghiệp làm gì để gia tăng niềm vui trong công việc?

Công ty tư vấn quản lý toàn cầu A.T. Kearney đã thực hiện một cuộc khảo sát vào tháng 12 năm 2018 với hơn 500 nhân viên tại nhiều khu vực trên thế giới nhằm khám phá trải nghiệm nơi làm việc. Kết quả cho thấy những người tìm thấy niềm vui trong công việc có mức độ đồng tình cao về các nhận định đánh giá độ hòa hợp, tác động, ghi nhận tại nơi làm việc.

Kết quả khảo sát cho thấy thêm rằng niềm vui bắt nguồn từ việc tin vào một công việc có ý nghĩa. Những nhân viên tin rằng “công ty của họ đóng góp tích cực cho xã hội” và những người cảm thấy “cá nhân cam kết đạt được tầm nhìn và chiến lược của công ty” cảm nhận nhiều niềm vui nhất. 

Thiết lập chương trình: Doanh nghiệp cần biến việc tạo ra trải nghiệm vui vẻ trở thành mục tiêu của tổ chức. Phát triển bằng cách gắn những hoạt động, chương trình với sứ mệnh, tầm nhìn của công ty, đảm bảo nhân viên được lắng nghe, đánh giá và ghi nhận. Đồng thời, đầu tư vào sức khỏe tinh thần cho nhân viên là một chiến lược không thể bỏ qua.

Chia nhỏ từng giai đoạn: Đưa các hoạt động đó vào từng đơn vị, từng nhóm nhỏ, phá vỡ “khối silo” để các thành viên phối hợp chặt chẽ, tạo ra thành công lớn và không khí vui vẻ trong nội bộ.

Đưa yếu tố cảm xúc: Khuyến khích và đề cao những hành vi, hoạt động tác động tích cực đến xã hội của cá nhân và doanh nghiệp. Hãy lan tỏa niềm vui một cách chân thực nhất.

Khi nhân viên cảm thấy vui vẻ, họ sẽ có động lực làm việc tốt hơn, năng suất lao động cao hơn cũng như gắn bó với công ty lâu hơn.

Niềm vui có thể mang đến “sức công phá” lớn như công nghệ nếu tổ chức biết cách tận dụng nó. Cả hai đều có vai trò duy trì sự gắn kết giúp các tổ chức và giúp nhanh chóng thích ứng với những thách thức mới. Công nghệ cung cấp cơ sở hạ tầng cho sự kết nối, nhưng nền tảng phải là một nền văn hóa mang đến trải nghiệm vui vẻ

Vân Anh

(Theo HBR)

Bài Viết Liên Quan