3 cách “ươm mầm” niềm tự hào thương hiệu

3 cách “ươm mầm” niềm tự hào thương hiệu

Nhân viên có hứng khởi trước mỗi sáng thứ 2 đầu tuần hay không? Doanh nghiệp của bạn có đưa họ những công việc mà họ cảm thấy tự hào chia sẻ hay không? Nếu không tự tin trả lời “có” thì những gợi ý sau sẽ giúp bạn “ươm mầm” niềm tự hào cho nhân viên, hướng đến xây dựng môi trường làm việc hạnh phúc.

Chú trọng sứ mệnh của doanh nghiệp

Deb Lavoy cho rằng điều đầu tiên để một nhân viên tự hào về doanh nghiệp của mình là cần có những hiểu biết cơ bản về hoạt động của công ty. Đó không đơn thuần là biết về những sản phẩm kinh doanh mà bao gồm cả mục đích, quy trình sản xuất và lợi ích mang lại. 

Gắn sứ mệnh với mục tiêu cụ thể

Phần lớn các doanh nghiệp đều có một bản tuyên ngôn sứ mệnh trên kênh nội bộ công ty. Tuy nhiên, không hẳn tất cả doanh nghiệp đều có cách xây dựng và thực hiện như nhau. Thực tế là tuyên ngôn sứ mệnh theo kiểu truyền thống thường không tác động đến niềm tự hào của nhân viên, mà đôi khi nó có thể gây biến theo chiều hướng xấu. Dạng đầu tiên có nội dung “Mục tiêu của chúng tôi là tối đa hóa giá trị của cổ đông” thường sẽ chỉ hướng đến bộ phận giám đốc chứ không phải đội ngũ nhân viên, ngay cả khi một trong số họ là cổ đông trong công ty. Thứ hai, tuyên bố sứ mệnh “Chúng tôi hướng đến mục tiêu trở thành nhà cung cấp hàng đầu” cũng “cũ mèm” và cổ lỗ không kém. Các mục tiêu về tài chính không thể đánh thức được động lực tự thân của những con người trong tổ chức, thậm chí ngay cả bộ phận cấp cao. Vì vậy, doanh nghiệp cần “bắt tay” vạch ra mục tiêu cụ thể và đảm bảo nó sẽ là độc nhất.

Vậy làm thế nào để xây dựng bản tuyên ngôn sứ mệnh hiệu quả? Hãy “truy lùng” nó. Tuyên bố đó phải nêu bật tác động tích cực đến từ thành quả của công việc hoặc một sản phẩm do nhân viên làm ra. Nike đã đưa ra sứ mệnh là: “Khơi nguồn cảm hứng và đổi mới cho mọi vận động viên. Nếu bạn sở hữu một cơ thể, bạn sẽ trở thành một vận động viên”. “Ông lớn” Google cũng không kém cạnh với sứ mệnh: “Tổ chức thông tin trên toàn thế giới và biến thông tin trở nên khả dụng trên toàn cầu” (thậm chí một số còn cho rằng họ đã làm được nhiều hơn thế). Tuy nhiên, điều thú vị là không thể tìm thấy bất cứ tuyên bố sứ mệnh nào ở các công cụ tìm kiếm khác, điều đó khiến chúng chỉ đơn giản là những công cụ tìm kiếm. 

Vào năm 2012, Yahoo cũng đưa ra sứ mệnh là “Tạo ra những trải nghiệm số mang đậm tính cá nhân”. Giờ đây, họ đã tinh chỉnh lại thành “Biến những thói quen thường nhật của thế giới trở nên đầy cảm hứng và thú vị”. Thực tế, hầu hết các doanh nghiệp sẽ thường xuyên củng cố lại tuyên ngôn sứ mệnh của mình. Như Nike thường thực hiện hành động đó sau mỗi vài tháng, mà không làm thay đổi các yếu tố cốt lõi.

Sứ mệnh của doanh nghiệp cần bám sát với các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể.

Gắn sứ mệnh với nhiệm vụ của nhân viên

Việc hoạt động của doanh nghiệp và tuyên bố sứ mệnh không đồng nhất với nhau sẽ không thể nào “qua mắt” nổi nhân viên, mà còn làm giảm sự tôn trọng của họ đối với đội ngũ lãnh đạo cũng như niềm tự hào khi là một thành viên của tổ chức. Đó sẽ là “liều thuốc độc” cho văn hóa doanh nghiệp.

Tuyên bố sứ mệnh phải là “tấm gương” phản chiếu chân thực về những chiến lược của doanh nghiệp. Các cá nhân trong tổ chức sẽ là người đón nhận thông tin đó đầu tiên, trước cả những vị khách hàng. 

IBM luôn đưa ra những hành động cụ thể để gắn kết nội bộ cùng theo đuổi sứ mệnh đề ra. Tuy nhiên, một vài IBM-er chia sẻ họ vừa tự hào nhưng cũng cảm thấy bối rối về việc gắn kết sứ mệnh với nhiệm vụ thực tế. Bởi trên con đường xây dựng sứ mệnh hoàn chỉnh, vẫn sẽ có một khoảng cách nhất định giữa khát vọng và hành động. Con đường đó tuy sẽ có lúc gặp khó khăn nhưng một khi thành công tạo nên tuyên bố sứ mệnh chuẩn chỉnh, đó sẽ là niềm tự hào lớn của nhân viên, để nhân viên “yêu” công ty hơn.

Đặt sứ mệnh lên hàng đầu

Một hướng đi rõ ràng nếu không được nhắc thường xuyên thì sẽ không tạo bất cứ tác động nào. Tần suất liên tục không có nghĩa là những tấm poster xuất hiện “dày đặc” trên tường mà phải phụ thuộc vào hành động của bộ máy lãnh đạo – những người sẽ thực thi hóa, áp dụng tuyên bố sứ mệnh trong việc ra quyết định hàng ngày. Từ việc đầu tư vào một sản phẩm hay phê duyệt tính năng mới đều nên gắn với tuyên bố sứ mệnh. Khi nội bộ doanh nghiệp luôn nghĩ đến sứ mệnh chung thì họ sẽ luôn đưa ra hành động sát mục tiêu nhất.

Hành động của tổ chức

Nhân viên sẽ càng tự hào hơn khi hiểu được những giá trị của tổ chức mang lại giúp thay đổi khách hàng như thế nào, cho dù đó là cả cuộc sống, hay một công việc hoặc thậm chí chỉ là một khoảnh khắc. Những câu chuyện đó của khách hàng không chỉ nhằm mục đích tiếp thị, hướng đến xây dựng “vẻ ngoài” cho tổ chức mà còn là những “món quà” dành tặng cho con người trong công ty nhằm duy trì sự tự hào của họ.

Thêm nữa, doanh nghiệp cũng cần “công khai” các hoạt động từ thiện, hỗ trợ vì cộng đồng với nhân viên và kể cả những nội dung xuất hiện trên báo đài. Bởi tất cả những hình ảnh “lung linh” đó sẽ nhắm trực tiếp đến đối tượng bên trong doanh nghiệp. Có được niềm tự hào và sự tôn trọng của họ là bước đầu tiên để đạt được sự tôn trọng của thị trường.

Nhân viên càng tự hào hơn khi “nhìn thấu” được các giá trị của hoạt động tổ chức.

Xuất phát từ mỗi cá nhân

Mọi nhân viên đều muốn biết rằng công việc của họ sẽ hỗ trợ như nào cho doanh nghiệp và khách hàng, đóng góp gì cho bức tranh lớn của doanh nghiệp. Họ cũng muốn hiểu cả những công việc của những người khác và ý nghĩa công việc đó. Đó là vì tính minh bạch trong truyền thông nội bộ. Nó sẽ thúc đẩy tinh thần đồng đội, gắn kết mạnh mẽ giữa các cá nhân.

Ngoài ra, các cá nhân đều cần có niềm tin rằng những công việc của họ sẽ thúc đẩy sứ mệnh chung. Họ không chỉ đơn giản là một bánh răng trong bánh xe doanh nghiệp mà còn đóng góp nhiều hơn cả thế. 

Khi mọi người hiểu nhiệm vụ cần hướng tới, tin tưởng vào nhiệm vụ và hiểu được phần của họ trong nhiệm vụ, họ tự hào về nhiệm vụ. Điều này cũng có tác động mạnh mẽ đến văn hóa công ty.

Sự minh bạch là một trong các yếu tố cốt lõi tạo nên niềm tự hào cho nhân viên.

Vân Anh

(Theo Jostle)

Bài Viết Liên Quan