3 nhân tố quan trọng khi thiết kế hành trình trải nghiệm nhân viên
Những trải nghiệm tích cực sẽ tạo nên bầu không khí làm việc tích cực, từ đó, thúc đẩy năng suất, cải thiện tỉ lệ thôi việc của nhân viên. Tuy nhiên, tương tự trong việc “nuôi dưỡng” văn hóa, việc tìm ra các nhân tố tác động đến trải nghiệm nhân viên còn nhiều khó khăn.
Josh Bersin, chuyên gia hàng đầu về trải nghiệm nhân viên đã xác định 3 nhân tố quan trọng trong thiết kế hành trình trải nghiệm nhân viên, bao gồm:
Năng suất
Các doanh nghiệp đều muốn mọi nhân viên của mình hoàn thành công việc với hiệu suất cao nhất, tuy nhiên để làm thế nào thực hiện được điều đó lại là bài toán khó.
Năng suất lao động của một cá nhân ở đây không phải là việc người đó chỉ “chăm chăm” vào những nhiệm vụ của tổ chức, những công việc được giao, mà còn được hiểu là việc họ biết cách tận dụng những tài năng, kỹ năng của bản thân để tự khám phá niềm vui trong công việc, thử thách những điều mới. Điều đó đồng nghĩa những nhân viên như vậy sẽ có nhu cầu về các điều kiện làm việc linh hoạt.
Để tận dụng tối đa năng lực, nâng cao hiệu suất của nhân viên, tổ chức cần khéo léo “lắp ghép”, điều chỉnh sao cho kỹ năng của nhân viên phù hợp các nhiệm vụ, chiến lược của doanh nghiệp. Đây thực sự là việc không hề dễ bởi năng lực của con người là thứ khó nhận biết và không cố định. Các nhu cầu của tổ chức là luôn thay đổi và kỹ năng của nhân viên buộc phải “chạy theo” để kịp thời đáp ứng.
Vậy nên việc “siết chặt” mối liên kết giữa nhân viên và các nhiệm vụ của tổ chức là một quá trình diễn ra liên tục, cần quản lý, theo sát chặt chẽ. Con đường này sẽ không thể thành công nếu không có quy trình, chiến lược bài bản.
Sự gắn kết
Khi phát triển các kế hoạch nhằm kết nối kỹ năng của nhân viên với các nhiệm vụ, nhân viên dần bắt đầu hiểu được những giá trị mà họ mang lại, sau đó trở thành người nắm quyền làm chủ công việc và vị thế của mình.
Nhân viên cảm thấy gắn kết nhất đặc biệt là khi có sự kết nối mang tính cá nhân, có cảm xúc với một điều gì đó. Vậy nên, việc nhân viên được “tỏa sáng”, thể hiện tài năng của bản thân là chìa khóa cốt lõi tác động tích cực đến cách nhân viên nhìn nhận về môi trường làm việc.
Khi có cái nhìn tích cực tại nơi làm việc, nhân viên sẽ nhận ra những nỗ lực của đồng nghiệp và bản thân. Từ đó tự thúc đẩy để cố gắng hơn, cải thiện bản thân để cùng hướng đến mục tiêu chung của doanh nghiệp.
Niềm vui
Đối với nhiều người, được tự do cống hiến, làm những công việc mình thích là một ước mơ. Tuy nhiên, với sự tăng mạnh của lực lượng lao động hiện nay, đặc biệt là thế hệ millennials, họ luôn đặt kỳ vọng cao hơn thế, đó là được tận hưởng công việc của mình.
Một khi được cấp trên ghi nhận, coi trọng, đánh giá nỗ lực, nhân viên sẽ dễ dàng làm chủ công việc, đột phá ra những khác biệt, sáng kiến mới. Từ đó có thêm nhận thức về giá trị của bản thân, giảm căng thẳng và nâng cao sự hài lòng, niềm yêu thích trong công việc.
Vân Anh
(Theo Learnlight)