Sứ mệnh là “tấm lá chắn” giúp DHL vượt qua khủng hoảng
Ngành logistics đang nằm trong tâm bão khi đại dịch bùng phát. Các nước thắt chặt các biện pháp kiểm soát biên giới, còn trong nước thì tăng cường giãn cách xã hội. Nhưng nhờ gắn sứ mệnh vào hoạt động kinh doanh, DHL Express vẫn đạt tốc độ tăng trưởng cao trong giai đoạn này.
Các phản ứng tức thì
Đẩy nhanh tốc độ ra quyết định
John Pearson, CEO DHL Express chia sẻ rằng trước đây ông vẫn luôn theo nguyên tắc một quyết định nhanh là một quyết định tồi và không nên đưa ra trong thời gian áp lực, gấp rút. Nhưng tình huống hiện tại đã làm thay đổi quan điểm đó. Thay vì trao đổi, làm việc trong một nhóm, giờ việc thay đổi quy trình trong “chớp mắt” được ưu tiên hơn cả.
Giao tiếp rõ ràng
Vấn đề giao tiếp cũng trở nên quan trọng hơn. Phía quản lý, lãnh đạo của DHL đã phải điều chỉnh, chuyển ngữ thông điệp tới nhân viên ở 220 quốc gia. Thông tin được truyền tải một cách nhanh chóng, minh bạch. Mọi nỗ lực vừa nhằm đảm bảo tránh xa khỏi dịch bệnh vừa tránh tình trạng cắt giảm quy mô.
Thúc đẩy tiến bộ công nghệ
Lộ trình phát triển công nghệ trong 4 năm được “vắt kiệt” chỉ còn 4 tháng. Trước đây, các phòng ban như IT hay HR chỉ có chức năng hỗ trợ. Nhưng trong giai đoạn dịch bệnh, DHL đã phải chuyển 9000 chiếc laptop đến nhà cho nhân viên. Tất cả đều trở thành nhân viên tuyến đầu, luôn duy trì kết nối với khách hàng, không chỉ còn giữ vai trò hỗ trợ.
Đảm bảo tính linh hoạt
Trong những thời điểm đầu đại dịch, DHL Express tập trung vận chuyển vật tư y tế và đồ bảo hộ từ các nước khác sang Trung Quốc. Vài tuần sau đó, tình thế đã thay đổi, nhu cầu vận chuyển từ Trung Quốc ra thế giới tăng cao hơn, DHL cũng linh hoạt ứng biến theo nhu cầu đó. Nhờ DHL, các doanh nghiệp, thương hiệu vẫn tồn tại được cho dù họ phải đột ngột đóng cửa, chuyển sang kinh doanh trực tuyến.
Người đứng đầu của DHL Express cũng bày tỏ rằng thật khó khăn nếu như các gói hàng không được vận chuyển, từ các món đồ cá nhân như sách, dụng cụ thể thao đến vaccine, vật tư y tế hay phụ tùng phương tiện vận chuyển. Khách hàng cần họ lúc này hơn bao giờ hết và sứ mệnh “Kết nối mọi người, cải thiện cuộc sống” càng thể hiện rõ trong bối cảnh khủng hoảng.
Chiến lược dài hạn: Đưa sự phục hồi gắn với văn hóa doanh nghiệp
Đầu tư vào văn hóa
Nhờ việc trau dồi kỹ năng nhân viên và đầu tư vào văn hóa linh hoạt đã cho phép nhân viên của DHL nhanh chóng giải quyết những thách thức mới khi chúng diễn ra. Ví dụ như đầu năm 2010, DHL Express đầu tư 100 triệu euro cho chương trình “Chứng nhận chuyên gia quốc tế”, kết hợp đào tạo và xây dựng văn hóa. Sau đó, hoạt động này đã phát triển thành một sáng kiến toàn tập đoàn với hơn 370.000 nhân viên. Việc trao quyền cho những người có kỹ năng để giải quyết các vấn đề giúp nhân viên DHL nhanh nhạy nắm bắt nhu cầu cấp thiết của xã hội.
Việc đầu tư vào văn hóa, làm rõ mục đích trong nhiều năm liên tục đã được “đền đáp”. Trong những ngày “đen tối” này, DHL không chỉ có 10 người trong ban điều hành ủng hộ mà nhận được sự nỗ lực, đóng góp của cả tập thể với hơn 110.000 người.
Biến niềm tự hào thành động lực
Sự tăng trưởng và duy trì chuỗi cung ứng hoạt động giúp nhân viên nhận thấy phần nào tác động của họ. Niềm tự hào ấy được phản ánh rõ nét qua Khảo sát nhân viên hàng năm khi mức độ tương tác tăng từ 77% vào năm 2019 lên 82% vào năm 2020.
Lợi ích của việc duy trì các kết nối toàn cầu thậm chí còn trở nên hữu hình hơn trước. Sự phát triển của vaccine chính là một ví dụ điển hình của toàn cầu hóa. Khi sản xuất vaccine gia tăng, đồng nghĩa với việc phân phối vaccine toàn cầu được đẩy mạnh và phụ thuộc chủ yếu vào dịch vụ logistics. Đến thời điểm hiện tại, DHL Express đã phân phối hơn 200 triệu liều cho 120 quốc gia.
Việc phân phối vaccine không chỉ bởi đó là điều cần thiết cho khách hàng, cho công dân trên thế giới mà còn nhằm tạo động lực cho nhân viên. Họ cảm thấy như một phần tạo nên những giá trị cho cộng đồng, gia đình của họ thể hiện niềm tự hào về điều đó. Họ thấy vui mừng khi những chiếc máy bay vẫn cất cánh, phân phối đến các khu vực.
Nhân viên là công dân tích cực
DHL Express không chỉ muốn mục đích gắn với cuộc sống công việc mà nhân viên còn được khuyến khích trở thành các công dân đóng góp tích cực cho nơi họ sinh sống. Do đó, công ty đã tổ chức các chuỗi hoạt động “Go” bao gồm GoTrade – hỗ trợ giao dịch xuyên biên giới, GoTeach – đào tạo các kỹ năng mới cho nhóm trẻ, GoHelp – chuẩn bị cho những thách thức hậu cần trong thiên tai, GoGreen – đảm bảo thành công kinh doanh gắn với bảo vệ môi trường. Ngoài ra, doanh nghiệp này triển khai chương trình DHL’s Got Heart – các cá nhân tự đưa ra sáng kiến và kêu gọi ủng hộ, tài trợ. Việc DHL thành công thu hút, kết nối nhân viên với địa phương sẽ tạo nên khuôn mẫu cho các tổ chức khác, cộng đồng rộng lớn hơn.
Vân Anh
(Theo World Economic Forum)