9 chìa khóa để trở thành một tổ chức của tương lai (Phần 1)

9 chìa khóa để trở thành một tổ chức của tương lai (Phần 1)

Theo nghiên cứu của McKinsey dựa trên 30 công ty hàng đầu, một tổ chức sẵn sàng cho tương lai cần có chung ba đặc điểm: họ biết mình là ai và đại diện cho cái gì; họ hoạt động với sự cố định về tốc độ và sự đơn giản; và họ phát triển bằng cách mở rộng khả năng học hỏi, đổi mới và tìm kiếm những ý tưởng. Bằng cách nắm lấy những nguyên tắc cơ bản này thông qua 9 “chìa khóa”, các công ty sẽ cải thiện khả năng phát triển của họ trong giai đoạn bình thường mới.

CHÚNG TA LÀ AI: TĂNG CƯỜNG BẢN SẮC

Mọi người luôn khao khát được thuộc về, trở thành một phần của điều gì đó lớn hơn chính họ. Các công ty chỉ tập trung vào lợi nhuận sẽ đánh mất chỗ đứng của mình cho tổ chức tạo ra bản sắc mạnh mẽ, đáp ứng nhu cầu của nhân viên về một công việc có ý nghĩa, liên kết với xã hội.

Để thực hiện điều này đòi hỏi tổ chức cần hiểu rõ mục đích của mình, biết cách tạo ra giá trị, lý do họ là duy nhất và tạo ra nền văn hóa mạnh mẽ để thu hút, giữ chân người tài.

1. Hướng đến mục đích

Các tổ chức có hiệu suất cao đều biết rằng mục đích là yếu tố không thể thiếu tạo nên sự khác biệt. Nhận thức rõ ràng về mục đích của công ty như một lời khẳng định về bản sắc của tổ chức, từ lịch sử, cảm xúc, xã hội, thực tiễn.

Một doanh nghiệp của tương lai sẽ nhận ra mục đích là “nam châm” thu hút nhân lực, giữ chân và thúc đẩy mọi người phát triển. Đầu tư ESG (môi trường, xã hội, quản trị) chỉ là một cách để đưa mục đích tạo thành giá trị hữu hình. Thực tế doanh nghiệp có thể thu hẹp khoảng cách sứ mệnh của tổ chức với ý nghĩa công việc của nhân viên qua cả những hành động, quyết định hàng ngày.

Mục đích sẽ là “kim chỉ nam” để đưa doanh nghiệp vượt qua chặng đường “mịt mù”.

2. Biến giá trị vô hình thành hữu hình

Đa phần các công ty đều có chiến lược cụ thể về cách họ tạo ra giá trị, tuy nhiên không phải tất cả đều chỉ ra chính xác cách họ đạt được điều đó. Một doanh nghiệp hướng đến tương lai sẽ cần chia nhỏ tham vọng, mục tiêu lớn thành các yếu tố con, hữu hình như bộ phận phụ trách, khu vực, dòng sản phẩm, các khả năng có thể xảy đến. Bản kế hoạch càng mô tả chi tiết, các giá trị tạo ra càng sáng tỏ. Doanh nghiệp sẽ dễ nhận thấy điều gì tạo nên sự khác biệt của họ với những nơi khác hay điều gì thúc đẩy thành công trong tương lai.

Hãy xem cách Apple vận hành để tạo ra trải nghiệm người dùng tốt nhất. Nỗi ám ảnh về khách hàng của Apple thể hiện ngay cả trên cách đóng gói sản phẩm. Công ty có một nhóm chuyên nghiên cứu đóng gói nhằm đảm bảo mang đến trải nghiệm mở hộp đầy cảm xúc.

Sức mạnh của một kế hoạch có giá trị rõ ràng không chỉ giúp công ty đạt được các ưu tiên chiến lược ngày nay tốt hơn mà còn giúp tổ chức có tầm nhìn xa hơn về cách chuyển nguồn lực khi các ưu tiên thay đổi.

Một doanh nghiệp hướng đến tương lai sẽ cần chia nhỏ tham vọng, mục tiêu lớn thành các yếu tố con, hữu hình.

3. Sử dụng văn hóa làm “nước sốt bí mật”

Ngoài làm rõ câu hỏi “why” (mục đích) và “what” (vạch kế hoạch chi tiết), để phát triển mạnh mẽ trong thời kỳ bình thường mới, doanh nghiệp cần phân biệt “how” – văn hóa của họ với tổ chức khác. Một nền văn hóa mạnh mẽ là khi ngay cả nhà lãnh đạo luôn tuân theo bộ chuẩn hành vi của tổ chức hay công ty có phương pháp làm việc nổi trội, mới mẻ.

Chẳng hạn như Amazon nổi tiếng với quy tắc “hai chiếc bánh pizza” – giới hạn mỗi nhóm làm việc trong 6 -10 người. Quy tắc này nhấn mạnh sự tin tưởng vào khả năng vận hành độc lập và nhanh chóng của nhóm nhỏ trong tổ chức. Đồng thời cũng hỗ trợ văn hóa họp tại Amazon: giữ quy mô nhỏ, không sử dụng PowerPoint và bắt đầu bằng sự im lặng để người tham gia có thời gian đọc lại bản word trước khi họp. 

Bí quyết để làm nên “nước sốt bí mật” ấy chính là các hành vi cụ thể, dễ dàng quan sát, tuân thủ ở mọi cấp. Các nguyên tắc và cách thức làm việc ấy sẽ tạo ra một tổ chức gắn kết và bền vững, trở thành nét đặc trưng mà không doanh nghiệp nào sao chép được.

Văn hóa không thể chỉ tồn tại trong những khẩu hiệu được vẽ trên tường hoặc trong những dòng chữ ký email mà còn là những quy tắc ngầm định, cách thức làm việc của tổ chức.

Đọc thêm

Phần 2: Cách chúng ta hoạt động

Phần 3: Cách chúng ta phát triển

Vân Anh 

(Lược dịch theo McKinsey)

Bài Viết Liên Quan