9 chìa khóa để trở thành một tổ chức của tương lai (Phần 3)

9 chìa khóa để trở thành một tổ chức của tương lai (Phần 3)

Theo nghiên cứu của McKinsey dựa trên 30 công ty hàng đầu, một tổ chức sẵn sàng cho tương lai cần có chung ba đặc điểm: họ biết mình là ai và đại diện cho cái gì; họ hoạt động với sự cố định về tốc độ và sự đơn giản; và họ phát triển bằng cách mở rộng khả năng học hỏi, đổi mới và tìm kiếm những ý tưởng. Bằng cách nắm lấy những nguyên tắc cơ bản này thông qua 9 “chìa khóa”, các công ty sẽ cải thiện khả năng phát triển của họ trong giai đoạn bình thường mới.

CÁCH CHÚNG TA PHÁT TRIỂN: XÂY DỰNG QUY MÔ

Các tổ chức không thể chỉ đưa ra quyết định cứng rắn về bản sắc hoặc thiết lập lại mô hình và sau đó tuyên bố chiến thắng. Khi kết nối và tự động hóa gia tăng và khi kỳ vọng của thế hệ trẻ thay đổi, doanh nghiệp phải chuẩn bị cho sự thích ứng mới, liên tục để có thể phát triển mà vẫn duy trì sự nhất quán. Điều này đòi hỏi có sự tương tác liên tục giữa các bên liên quan, công nghệ và nhân viên.

7. Xây dựng hệ sinh thái

Vào năm 2014, Tesla quyết định tạo mã nguồn mở các bằng sáng chế của mình để các công ty khác sử dụng tài sản trí tuệ đó. Lựa chọn này là bước khởi đầu cho Tesla xây dựng hệ sinh thái của mình. Tesla nhận ra họ không thể phát triển nếu không có các đối tác xây dựng các trạm sạc và cơ sở hạ tầng hỗ trợ cho xe điện. Bằng cách đặt mình vào trung tâm của hệ sinh thái đang phát triển của các đối tác, Tesla đã đặt nền móng cho sự phát triển bùng nổ của chính mình.

Trước đây, doanh nghiệp mong muốn đạt được thành tựu nhất định và kiểm soát chuỗi cung ứng. Nhưng những ranh giới truyền thống của tổ chức đang dần bị xóa bỏ. Ngày nay các tổ chức hợp tác tạo thành mạng lưới cùng nhau chia sẻ dữ liệu, kỹ năng để tạo ra giá trị lớn.

Tổ chức tương lai sẽ nhìn đối tác là phần mở rộng của chính họ. Những mối quan hệ này có ranh giới rõ ràng, mức độ tin tưởng cao và phụ thuộc lẫn nhau để chia sẻ giá trị, để mỗi đối tác tập trung vào những gì họ làm tốt nhất.

Chẳng hạn, năm 2018, Amazon ra mắt chương trình ”Đối tác giao hàng” (Amazon Delivery Service Partners) cho phép các cá nhân không có kinh nghiệm vẫn có thể kinh doanh với sự hỗ trợ từ Amazon. Chương trình mới được đánh giá là giải pháp nhằm giảm sự phụ thuộc của Amazon vào các bên trung gian giao hàng như FedEx, UPS, DHL, đồng thời mở rộng hệ sinh thái dịch vụ logistics của mình.

Mô hình hệ sinh thái doanh nghiệp đang nhanh chóng trở thành một “làn sóng” toàn cầu.

8. Xây dựng nền tảng công nghệ giàu dữ liệu

Các doanh nghiệp tương lai rất coi trọng dữ liệu. Dữ liệu không chỉ là báo cáo những điều đang xảy ra hay trả lời một câu hỏi kinh doanh mà dữ liệu chính là công việc kinh doanh.

Sự nổi lên mạnh mẽ của Netflix, từ một nhà cung cấp DVD chuyển thành một nền tảng sáng tạo nội dung, cung cấp dịch vụ phát trực tuyến toàn cầu chính là một điển hình khi biết cách tận dụng dữ liệu người dùng. Netflix sử dụng các thuật toán thông minh để đề xuất nội dung cho khách hàng.

Để tận dụng tối đa dữ liệu, các tổ chức hàng đầu phải giải quyết một loạt các nhiệm vụ phức tạp, từ phương pháp tiếp cận, quy trình, công nghệ đám mây, ngân sách. Nhưng một khi biết cách nắm bắt dữ liệu, các công ty này có thể tạo được sự bứt phá, phát triển các sản phẩm, dịch vụ mới.

Tận dụng dữ liệu giúp doanh nghiệp phân tích và dự đoán trước những rủi ro có thể xảy đến.

9. Tăng cường học tập trong tổ chức

Việc tận dụng cách tiếp cận dữ liệu mới đòi hỏi cần có kỹ năng công nghệ mới, thậm chí cả cách lãnh đạo mới. Do đó các công ty phải học tập đúng cách để thúc đẩy năng lực của nhân viên, trao quyền cho lực lượng lao động.

Một tổ chức của tương lai sẽ cần thúc đẩy tư duy học hỏi liên tục, khuyến khích, hỗ trợ mọi người thích nghi, đổi mới bản thân liên tục để đáp ứng nhu cầu thay đổi của thị trường. Tư duy phát triển, sự tò mò, dám thử nghiệm và thất bại sẽ là “chìa khóa” để nhân viên nhanh chóng thành công. 

Microsoft đã chuyển hướng từ một tổ chức “biết tất cả” sang tổ chức “học hỏi tất cả”, trở thành biểu tượng của một tổ chức học tập. Chính sách 20% thời gian của Google cũng là minh chứng cho thấy cách “ông lớn” khuyến khích nhân viên đổi mới bằng việc dành 20% thời gian làm việc để thực hiện sáng kiến, ý tưởng của riêng họ.

Ngoài ra, thay vì tạo ra các chương trình tập trung, công ty hướng tới tương lai sẽ cần xây dựng hành trình học tập có sự kết hợp giữa nội dung cốt lõi với cá nhân hóa và ở quy mô cần thiết.

Nhân viên trong tương lai mong chờ có lộ trình học tập rõ ràng, chuyên biệt.

Đọc thêm

Phần 1: Chúng ta là ai?

Phần 2: Cách chúng ta hoạt động

Vân Anh 

(Lược dịch theo McKinsey)

Bài Viết Liên Quan