Những ưu tiên nào cho truyền thông nội bộ năm 2022?

Những ưu tiên nào cho truyền thông nội bộ năm 2022?

Bằng việc dự đoán các xu hướng truyền thông nội bộ trong năm tới, doanh nghiệp sẽ xây dựng kế hoạch hiệu quả hơn, thông điệp được truyền tải mạnh mẽ, phủ rộng đến từng cá nhân.

Tập trung trải nghiệm nhân viên

Bước sang năm 2022, truyền thông nội bộ trở thành “trợ thủ” đắc lực cho trải nghiệm nhân viên, nhằm mang đến những thay đổi tích cực tại các thời điểm quan trọng. Thiết kế trải nghiệm tích cực không chỉ đơn thuần là một xu hướng của truyền thông nội bộ mà là mục tiêu lớn doanh nghiệp cần hướng đến.

Khi truyền thông nội bộ hiệu quả, nhân viên hiểu được điều công ty hướng tới và vai trò của họ trong hành trình đó. Từ đó, họ sẽ hòa nhập hơn, cảm thấy thêm phần gắn bó với tổ chức. Việc trao đổi thông tin thông suốt sẽ tạo cảm giác thoải mái hơn trong công việc,  khiến nhân viên cảm thấy được trân trọng và duy trì hoạt động trơn tru, do đó sẽ củng cố trải nghiệm tổng thể của nhân viên. 

Đọc thêm: Tất cả những gì cần biết về trải nghiệm nhân viên

Thông điệp truyền thông xuyên suốt, minh bạch sẽ duy trì mức độ gắn kết của nhân viên với công việc, tổ chức, từ đó cải thiện trải nghiệm tổng thể.

Nâng cao thông điệp của lãnh đạo

Lãnh đạo ngày càng ưu tiên truyền thông nội bộ và tham gia tích cực vào các hoạt động nội bộ. Đặc biệt sau cơn khủng hoảng toàn cầu, việc lãnh đạo chia sẻ về mục tiêu, những thay đổi của tổ chức là cách để trấn an nội bộ, “làm dịu” những lo lắng cá nhân. Lãnh đạo giao tiếp cởi mở không chỉ đảm bảo tính xác thực, minh bạch mà còn đóng vai trò là hình mẫu để thúc đẩy truyền thông hiệu quả giữa cấp trên với cấp dưới.

Tuy nhiên rào cản lớn nhất với người làm truyền thông nội bộ là thuyết phục các CEO “xuất hiện” trước công chúng bởi họ có thể không sắp xếp được thời gian hoặc tính cách không phù hợp. Có lãnh đạo luôn là tâm điểm chú ý của nhân viên nhưng có những người không cảm thấy thoải mái ngay cả khi quay video phỏng vấn. 

Để biến người lái tàu trở thành nguồn tin đáng tin cậy, người làm truyền thông nội bộ cần chuẩn bị kỹ càng từ chủ đề, nội dung chia sẻ sao cho phù hợp với chiến lược của doanh nghiệp cũng như tính cách của người lãnh đạo. Đồng thời, đưa các phần Q&A của nhân viên sẽ giúp tăng hình ảnh của người đứng đầu và kết nối đội ngũ bền chặt hơn.

Tiếng nói của lãnh đạo thúc đẩy động lực lớn cho nhân viên cho dù tổ chức có đang trong khó khăn.

Truyền thông hàng ngang

Truyền thông hàng ngang tập trung vào việc trao đổi thông tin và giao tiếp giữa cá nhân, bộ phận, phòng ban hoặc các đơn vị ngang hàng trong hệ thống phân cấp của tổ chức. 

Truyền thông hàng ngang sẽ giúp giảm thiểu hiểu lầm giữa các bộ phận làm việc trong cùng một dự án, từ đó tăng hiệu quả và năng suất chung. Việc phối hợp truyền tải, chia sẻ kiến thức chéo sẽ giúp tận dụng tối đa nguồn lực nội bộ và giảm bớt khối lượng công việc của người quản lý. Khi nhân viên được chia sẻ những kỹ năng của bản thân, họ sẽ có thêm niềm tự hào, động lực trong công việc.

Để khuyến khích hợp tác hàng ngang, doanh nghiệp có thể đưa ra các hoạt động khen thưởng cho tinh thần đồng đội, khuyến khích chia sẻ và đặt mục tiêu cho nhóm. Ngoài ra, các trò chơi và hoạt động gắn kết có thể giúp thúc đẩy văn hóa công ty, tăng cường tình cảm đoàn kết nội bộ.

Các hình thức đào tạo chéo sẽ giúp doanh nghiệp tối ưu nguồn lực nội bộ.

Ưu tiên trên thiết bị di động

Trong tương lai, các tổ chức hướng đến một môi trường làm việc linh hoạt, ở bất cứ đâu, bất cứ thời gian nào. Đặc biệt thế hệ Gen Z và Millennials chú trọng những trải nghiệm riêng tư với một thế giới hạn chế email và ưu tiên hơn những tin nhắn nhanh, ngắn gọn, dễ dàng truy cập. Do đó, truyền thông nội bộ cần hướng đến ưu tiên trên thiết bị di động để đảm bảo hiệu quả tối ưu. 

Doanh nghiệp có thể dễ dàng chia sẻ thông tin quan trọng và kết nối nhân viên. Đồng thời ứng dụng nội bộ có thể là kênh tích hợp lưu trữ các tài liệu nội bộ mà không lo lắng quá nhiều đến yếu tố bảo mật. Tính cá nhân hóa cũng là một ưu điểm nổi trội của kênh truyền thông này. 

App nội bộ được dự đoán sẽ trở thành kênh truyền thông nội bộ phổ biến nhờ tính tiện ích nó mang lại.

Chia sẻ nội dung theo yêu cầu

Nếu như trước kia các buổi tọa đàm, hội thảo hay đào tạo được thiết kế theo kế hoạch của tổ chức thì xu thế mới hướng đến lắng nghe nhu cầu của nhân viên. Hình thức này được lan rộng kể từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện khiến phương thức làm việc, kỹ năng trước kia thay đổi. Nhân viên mong muốn được học hỏi các kỹ năng mới, linh hoạt hơn trong bối cảnh môi trường liên tục thay đổi thay vì hướng đến sự cố định theo từng ngành nghề, vị trí. 

Hơn nữa, thời điểm chia sẻ cũng ảnh hưởng đến mức độ tiếp nhận thông tin của nhân viên. Các chương trình phát sóng trực tuyến và có phát lại sẽ dần thay thế cho việc phát sóng trực tiếp để đảm bảo mọi người sắp xếp lịch trình của mình và những người không tham dự có thể xem lại.

Các doanh nghiệp sẽ định hướng các chương trình học tập, buổi chia sẻ dựa trên các năng lực, kỹ năng cần thiết cho sự phát triển của tổ chức, ngành nghề và chính bản thân nhân viên.

Vân Anh

(Tổng hợp)

Đọc thêm: 

12 hoạt động “phá băng” khi làm việc tại nhà

Những bí quyết của Tiktok bạn có thể áp dụng với kênh truyền thông nội bộ

Xây dựng chiến lược truyền thông nội bộ

Bài Viết Liên Quan