Học Bác Hồ cách làm Truyền thông nội bộ

Từ cuộc trò chuyện với các anh nuôi, chị nuôi đến những lời Bác dạy trong công tác tuyên truyền, từ lời khen đúng người, rõ việc đến những hành động làm gương; Bác đã để lại nhiều bài học quý giá; mà mỗi người đều có thể soi chiếu vào công việc của mình, ngay cả trong công tác truyền thông nội bộ tại doanh nghiệp.
1. Gắn công việc thường ngày với mục tiêu lớn của tổ chức
Trong buổi trò chuyện thân tình với các anh nuôi, chị nuôi tại lớp học nghiệp vụ nấu ăn toàn miền Bắc năm 1961, Bác đã nói “Những người nấu ǎn và dọn ǎn có nhiệm vụ rất quan trọng”. Bác phân tích: Nhờ có các anh chị nuôi ở nhà máy nấu, dọn kịp thời, cơm lành canh ngọt; anh chị em công nhân ăn uống tốt mới làm việc tốt, máy móc phục vụ nông nghiệp được sản xuất nhiều hơn. Nông dân vì thế cũng làm việc hiệu quả hơn. Công nhân và nông dân sản xuất nhiều, nhanh, tốt, rẻ thì đời sống dân ta được nâng cao, chúng ta sẽ tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc đến chủ nghĩa xã hội, nước nhà sẽ sớm thống nhất. “Thế là vì làm tốt nhiệm vụ, mà những người nấu ǎn và dọn ǎn đã góp phần xứng đáng vào sự nghiệp chung”.
Bài học:
Chỉ trong vài câu ngắn gọn, Bác đã nâng công việc “nấu cơm, dọn cơm” của những con người bình dị lên một tầng cao hơn, đó là góp vào “sự nghiệp chung” của đất nước. Đối với TTNB tại doanh nghiệp cũng vậy, đừng chỉ dừng lại ở việc truyền đạt nhiệm vụ. Hãy giúp mỗi thành viên hiểu rõ vai trò của mình trong bức tranh tổng thể, thấy được giá trị đóng góp của mình vào sứ mệnh, mục tiêu lớn của tổ chức, dù ở bất kỳ vị trí nào – từ tuyến đầu kinh doanh đến hậu cần, hành chính. Khi nhân viên hiểu rằng công việc của họ không chỉ để hoàn thành KPI mà còn để cùng tổ chức tiến về phía trước; mỗi người sẽ nhận ra giá trị và ý nghĩa công việc, qua đó khơi dậy niềm tự hào, gắn bó với tổ chức hơn.
2. Ghi nhận, khen ngợi nhân viên ngay cả trong những hành động nhỏ
Sinh thời, Bác Hồ đã nhiều lần viết thư, làm thơ, gửi huy hiệu khen các tập thể, cá nhân có thành tích trong lao động sản xuất, chiến đấu và làm việc tốt Mỗi lần như thế, Bác đều yêu cầu kiểm tra, xác minh thành tích thật tỉ mỉ.
Bác cũng từng có bài viết “Việc nhỏ, ý nghĩa to” đăng trên Báo Nhân Dân, số 272, ra ngày 24/11/1945 với bút danh “C.B”. Trong bài viết, những tấm gương dung dị trong đời sống thường nhật, được Bác nhắc lại cũng bằng ngôn từ giản dị, gần gũi và nói rất rõ ràng, chi tiết hành động được khen, ví dụ: “Nhân viên phòng kế toán ở Ty Công chính Gia Lâm trước đây làm một bảng lương phải mất một tuần, nay chỉ mất một ngày”, “Anh Thủy thợ sơn, trước cạo một tấm biển mất một ngày, nay chỉ cần 2 giờ”, “Anh Tin, công nhân nhà ga, đã giúp cán bộ xét thấy 5 thùng xăng lậu thuế”, “Anh Thái Bá Lai, công nhân xe lửa Hải Dương, đã giúp cán bộ tìm ra hàng lậu thuế”…
Bài học:
Trong truyền thông nội bộ, việc ghi nhận đúng lúc, ngay cả những việc nhỏ chính là đòn bẩy tạo động lực cho nhân viên. Một phản hồi tích cực, cụ thể, đi kèm cơ hội phát triển sẽ giúp họ cảm nhận rõ giá trị bản thân trong tổ chức. Sự ghi nhận kịp thời không chỉ khiến người được khen cảm thấy vui vì được ghi nhận mà còn lan tỏa đến những người xung quanh. Những lời khen, bảng vàng, thư cảm ơn là cách tổ chức gửi đến nhân viên thông điệp “Tổ chức luôn nhìn thấy và ghi nhận những nỗ lực, đóng góp của bạn”.
3. Truyền thông phù hợp với từng nhóm đối tượng
Trong bài “Người tuyên truyền và cách tuyên truyền” đăng trên báo Sự thật số 79 (1947), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Tuyên truyền là đem một việc gì nói cho dân hiểu, dân nhớ, dân theo, dân làm. Nếu không đạt được mục đích đó, là tuyên truyền thất bại”. Muốn vậy, phải nắm vững đối tượng được tuyên truyền. Nếu người tuyên truyền không điều tra, không phân tích, không nghiên cứu, không hiểu biết quần chúng, chỉ gặp sao nói vậy, nhất định thất bại. Bác cũng lưu ý rằng, dân chúng không nhất luận như nhau. Đối với mỗi tầng lớp đối tượng, phải có phương thức tuyên truyền thích hợp và phải chú trọng ưu tiên cho lớp đối tượng có trình độ nhận thức, văn hóa thấp. Bởi vì đối tượng này hiểu được thì các đối tượng khác cũng nắm bắt dễ dàng.
Bài học:
Truyền thông nội bộ hiệu quả không phải là “nói được cái cần nói” mà là “nói đúng người, đúng cách, đúng lúc”. Trước khi bắt đầu bất cứ nội dung, thông tin nào, bạn cần hiểu rõ về nhóm nhân viên mà mình đang hướng đến, từ đặc thù công việc, độ tuổi, thói quen, sở thích và cả những mối quan tâm của họ… Bởi, bạn sẽ thất bại ngay từ khi bắt đầu nếu muốn truyền thông tới nhóm nhân viên tuyến đầu (VD: bán hàng, khảo sát thị trường…) vốn vô cùng bận rộn và thường xuyên phải đi ra ngoài, nhưng lại chọn một bài viết sâu, dài hàng nghìn từ, với nhiều từ ngữ học thuật. Đối tượng của bạn là ai sẽ quyết định hình thức, chủ đề, cách thức thể hiện và kênh phù hợp để tiếp cận họ.
4. Lắng nghe hai chiều
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao việc lắng nghe ý kiến của nhân dân, coi đó là nguyên tắc cốt lõi trong mọi hoạt động, kể cả trong sáng tạo nghệ thuật. Sau mỗi lần xem phim, bao giờ, Bác cũng hỏi các chiến sĩ bảo vệ, những người cùng xem… về những suy nghĩ, nhận xét của họ. Và dặn dò các nghệ sĩ: “Phải lắng nghe ý kiến của nhân dân, để làm cho hay, cho tốt”. Theo lời kể của NSND Nguyễn Đăng Bảy, sau buổi chiếu phim Nổi gió (1966), cả đoàn hồi hộp chờ ý kiến nhưng Bác không nói gì. Khi ông đánh bạo xin nhận xét, Bác vui vẻ bảo: Muốn biết phim có hay không, phải hỏi ý kiến của quần chúng xem phim, đừng hỏi riêng Bác.”
Bài học:
Truyền thông nội bộ không phải là độc thoại từ trên xuống, mà là cuộc đối thoại hai chiều – nơi nhân viên không chỉ được nghe mà còn được nói. Doanh nghiệp cần xây dựng kênh lắng nghe và môi trường thuận lợi để nhân viên có thể đưa ra các ý kiến, đóng góp, phản hồi, sáng kiến… Việc lắng nghe ngày càng quan trọng hơn, trong bối cảnh thị trường, đối thủ, khách hàng, công nghệ liên tục thay đổi. Bởi, khi tổ chức lắng nghe nhân viên của mình, họ không chỉ nhận ra các vấn đề mà còn có cơ hội đón nhận những ý tưởng đổi mới để nâng cao hiệu quả công việc, phát triển tổ chức.
5. Lãnh đạo làm gương
Khi đất nước vừa giành được độc lập năm 1945, để giải quyết nạn đói đang hoành hành, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi đồng bào cả nước: “Cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn 3 bữa. Đem gạo đó (mỗi bữa một bơ) để cứu dân nghèo”. Bác cũng nêu gương “tôi xin thực hành trước” rất nghiêm túc, cho dù phải làm việc nhiều, sức khỏe lại giảm sút bởi trải qua trận ốm nặng trước đó. Những đồng chí từng phục vụ bên Bác kể: Một lần tướng Tiêu Văn của quân đội Tưởng Giới Thạch mời chiêu đãi Bác Hồ vào đúng bữa cơ quan nhịn ăn để góp gạo cứu đói, dù anh em có báo cáo với Bác là phần gạo của Bác đã cho vào hũ gạo cứu đói rồi, nhưng Bác vẫn quyết định “nhịn ăn một bữa” vào ngày hôm sau.
Bài học:
Trong doanh nghiệp, lãnh đạo không thể truyền thông giá trị nếu chính mình không sống cùng giá trị ấy. Muốn xây dựng văn hóa kỷ luật – lãnh đạo phải đúng giờ. Muốn nhân viên đoàn kết – lãnh đạo phải biết lắng nghe và sẻ chia. Những điều lãnh đạo làm hàng ngày chính là thông điệp sống động và chân thật nhất về văn hóa tổ chức. Làm gương không phải là một chiến dịch – mà là cách lãnh đạo truyền thông bằng chính cuộc sống và cách ứng xử của mình.
Lâm Anh