Amazon: Khi ngày nào cũng là ngày đầu tiên

Amazon: Khi ngày nào cũng là ngày đầu tiên

Trong thời đại 4.0, các công ty lớn không chỉ quan tâm tới việc cạnh tranh với nhau mà còn phải dè chừng các công ty nhỏ khởi nghiệp từ bất cứ đâu trên thế giới. Các công ty bắt buộc phải tạo ra sự chuyển đổi, không ngừng đổi mới sáng tạo để đưa ra sản phẩm, công nghệ hoặc dịch vụ mới nếu không muốn bị tụt hậu. Amazon là doanh nghiệp thành công trong việc trên với triết lý “Ngày nào cũng là ngày đầu tiên”.

Nếu đọc qua tất cả các lá thư được viết một cách tỉ mỉ mà Bezos gửi cổ đông trong vòng 22 năm qua (1997-2018), cụm từ “Ngày đầu tiên” đã xuất hiện tới 22 lần, với sự nhất quán một cách đáng kinh ngạc. Trong 10 năm qua, mọi lá thư gửi cổ đông đều kết thúc bằng một dòng:

“Như mọi khi, tôi đính kèm một bản sao của bức thư gốc năm 1997 của chúng tôi. Cách tiếp cận của chúng tôi vẫn như cũ, và đó vẫn là Ngày đầu tiên”. 

Tại trụ sở chính của Amazon, bạn sẽ tìm thấy một tòa nhà có tên “Ngày đầu tiên”, nơi đặt văn phòng của Bezos. Trước tòa nhà có đặt một tấm biển viết: “Có quá nhiều thứ vẫn chưa được khám phá, Có quá nhiều thứ sẽ xảy ra trong tương lai.” Với Amazon, ngày đầu tiên luôn là ngày của sự tươi mới, sự phát triển, của sức sống. Nó nhắc nhở công ty còn rất nhiều việc phải làm phía trước.

Bức tường “Day 1” đặt tại sảnh chính Amazon như một lời nhắc nhở hằng ngày tới nhân viên.

Tại sao lại là “Ngày đầu tiên”?

Tại sao “Ngày đầu tiên” lại quan trọng đối với Amazon, đặc biệt là với Jeff Bezos – ông chủ của Amazon? Tại sao vị CEO này lại cảm thấy thôi thúc mạnh mẽ đến mức liên tục nhắc nhở điều đó với mọi người?

Thông thường trong những ngày mới thành lập, các doanh nghiệp sẽ hoạt động với phương châm đề cao tốc độ, sự nhanh nhẹn với tâm lý chấp nhận rủi ro, nhưng khi doanh nghiệp phát triển lớn hơn, độ phức tạp bắt đầu tăng lên và các tầng lớp bắt đầu hình thành, các công ty này rơi vào một cái bẫy với tên gọi là “các doanh nghiệp lớn”. Đặc điểm của chiếc bẫy này là vận hành chậm chạp, cứng nhắc và không thích rủi ro.

Nhưng với Amazon, doanh nghiệp này không chọn hướng vận hành như vậy. Amazon không ngừng thử nghiệm, phát minh và tất nhiên là cả mắc sai lầm. Với Jeff Bezos, tốc độ là vấn đề tối quan trọng trong kinh doanh. Đây là doanh nghiệp bán lẻ có số lượng bằng sáng chế lớn nhất trên thế giới, theo IFI Claims. Một trong những sai lầm phải kể đến là trong năm 2014, Amazon đã phải đối mặt với thất bại về tài chính lớn nhất với lần mắt sản phẩm Amazon Fire Phone. Sau khoảng một năm ra mắt “ế ẩm”, Amazon thiệt hại khoảng 170 triệu USD. Tuy nhiên, Jeff Bezos đã từng nói: “Nếu bạn cho rằng sản phẩm Fire Phone là thất bại lớn của Amazon, thì hãy hiểu rằng chúng tôi sẽ còn rất nhiều lần thất bại lớn hơn và lần thử nghiệm Fire Phone chưa là gì”.

Vị tỷ phú này nhấn mạnh: “Amazon là nơi tốt nhất trên thế giới để thất bại và chúng tôi đã trải qua điều này rất nhiều”. Kết quả thu được là một loạt các đổi mới liên tục như Prime Air, Amazon Video, Kindle, Fire TV, Amazon Fresh, Amazon Go, Echo, AWS… là minh chứng cho những sáng tạo không ngừng của Amazon.

4 quy tắc nhân viên Amazon cần tuân thủ theo triết lý “Ngày đầu tiên”

Quan điểm của ông đó là Amazon sẽ luôn vận hành như một start-up. Để có thể làm điều này, Jeff Bezos yêu cầu nhân viên của mình tuân thủ 4 quy tắc sau:

Luôn ám ảnh với khách hàng: Tại Amazon, bạn có thể ám ảnh với đối thủ, ám ảnh với sản phẩm, ám ảnh với công nghệ, ám ảnh với mô hình kinh doanh hoặc bất kỳ điều gì khác. Tuy nhiên, ám ảnh với khách hàng rất cần thiết cho những doanh nghiệp trong những ngày đầu. Việc cố gắng làm hài lòng khách hàng sẽ giúp bạn đáp ứng nhu cầu, mong muốn của họ tốt nhất, đồng thời có thể giữ cho mọi thứ bạn đem đến cho họ luôn mới mẻ, sáng tạo.

Tập trung vào kết quả hơn là quy trình: Điều Bezos cho rằng là rào cản lớn nhất trong việc thúc đẩy sự đổi mới của một doanh nghiệp đó là việc nhân viên thường có xu hướng lấy quy trình để “đổ lỗi” cho trách nhiệm cá nhân. Việc có một ai đó nói rằng: “Chà, chúng tôi đã tuân theo quy trình” nhằm cố “làm dịu” đi sự thất bại của mình sẽ là điều cần loại bỏ nếu muốn cải thiện kết quả và tạo ra những sản phẩm – dịch vụ cải tiến, vượt trội.

Đón nhận các xu hướng bên ngoài: Các công ty thành công và thông thái là những công ty có thái độ tiếp nhận rủi ro theo tâm thế chủ động. Mọi thứ đều có thể xảy đến bất cứ lúc nào, những nhân viên của Amazon không chỉ dừng lại ở việc nắm bắt được những xu hướng đó, mà còn cần sẵn sàng tinh thần để trải nghiệm, thất bại, đứng lên, và tiếp tục lặp lại vòng tuần hoàn này. Điều này giúp doanh nghiệp trưởng thành nhanh hơn và có nhiều trải nghiệm hơn.

Đưa ra quyết định nhanh: Bezos từng nói trong bức thư gửi cổ đông của mình: “Hầu hết các quyết định có lẽ nên được đưa ra với khi bạn có khoảng 70% thông tin trong tay. Nếu bạn chờ đến 90%, trong hầu hết các trường hợp, bạn có thể trở nên trì trệ. Thêm vào đó, bạn cần phải giỏi trong việc nhanh chóng nhận ra và sửa chữa những quyết định sai lầm. Nếu bạn làm tốt trong việc sửa chữa, thì việc sai có thể trở nên ít tốn kém hơn bạn nghĩ, trong khi nếu bạn chậm chân, chắc chắn bạn sẽ phải trả giá đắt.”

Với người Amazon, ngày nào cũng là ngày đầu tiên.

Như tỷ phú Jeff Bezos đã nhấn mạnh: “Có một số cái bẫy tinh vi mà ngay cả các tổ chức lớn cũng có thể rơi vào như một lẽ hiển nhiên, và chúng ta sẽ phải học cách để đề phòng chúng.” Mỗi ngày là một ngày mới, mỗi ngày thế giới lại thay đổi không ngừng, và chúng ta phải tìm kiếm sự thay đổi, tạo ra sự thay đổi và thích ứng với sự thay đổi. Đó đồng thời cũng là một bài học cho mọi nhà quản lý và lãnh đạo nên áp dụng cho mình. 

Kim Oanh

(Nguồn: Inc)

Bài Viết Liên Quan