9 chìa khóa để trở thành một tổ chức của tương lai (Phần 2)

9 chìa khóa để trở thành một tổ chức của tương lai (Phần 2)

Theo nghiên cứu của McKinsey dựa trên 30 công ty hàng đầu, một tổ chức sẵn sàng cho tương lai cần có chung ba đặc điểm: họ biết mình là ai và đại diện cho cái gì; họ hoạt động với sự cố định về tốc độ và sự đơn giản; và họ phát triển bằng cách mở rộng khả năng học hỏi, đổi mới và tìm kiếm những ý tưởng. Bằng cách nắm lấy những nguyên tắc cơ bản này thông qua 9 “chìa khóa”, các công ty sẽ cải thiện khả năng phát triển của họ trong giai đoạn bình thường mới.

CÁCH CHÚNG TA HOẠT ĐỘNG: ƯU TIÊN TỐC ĐỘ

Cuộc khủng hoảng Covid-19 đã khiến tốc độ trở thành ưu tiên của nhiều tổ chức, nhưng cũng là yếu tố cản trở tốc độ. Một khi thiết lập được bản sắc, các tổ chức cần phải tối ưu hóa tốc độ. Mô hình vận hành cần tinh gọn, linh hoạt để tối ưu cách thức làm việc, đảm bảo nhanh nhẹn, đơn giản. Nhân viên cần được trao quyền để khai phá các nguồn giá trị mới.

4. Xây dựng cấu trúc phẳng

Môi trường kinh doanh ngày càng trở nên phức tạp khiến nhiều công ty đưa những thay đổi này vào cơ cấu tổ chức của họ, tạo ra một ma trận phức tạp. Vô tình họ đang đặt cược vào sự phức tạp của tổ chức để giải quyết sự phức tạp của thị trường. Nhưng trái lại, một tổ chức của tương lai sẽ cần tự cấu trúc để phù hợp hơn, phẳng hơn, tinh gọn hơn, giảm thiểu hệ thống phân cấp.

Haier, công ty sản xuất thiết bị gia dụng và điện tử tiêu dùng đa quốc gia có trụ sở tại Trung Quốc, đã xóa bỏ cấu trúc phân cấp truyền thống và hướng tới mô hình nhanh nhẹn. Ở Haier không có tầng lớp, không có ông chủ truyền thống và không có quản lý cấp trung.

Các tổ chức trong tương lai sẽ không còn tập trung vào các “hộp kín”, các đường nối phân chia phòng ban mà sẽ hướng đến kết nối mang tính cá nhân. Mô hình kiểu mới được thiết kế, phát triển xoay quanh con người và các hoạt động. Các “ông chủ” trong tương lai sẽ là những người huấn luyện, người hỗ trợ thực sự trong phạm vi kiểm soát lớn, thay vì là người quản lý vi mô.

Cơ cấu tổ chức tương lai không còn ở dạng ma trận phức tạp.

5. “Tăng tốc” ra quyết định

Chất lượng và tốc độ đều tồn tại song song, củng cố lẫn nhau và có vai trò quan trọng trong công việc. Điều này đòi hỏi phân bổ vai trò phù hợp cho lãnh đạo, cá nhân, các nhóm. Lãnh đạo cấp cao cần tập trung thời gian và nguồn lực vào các quyết định kinh doanh cốt lõi. Trong khi đó, các nhà lãnh đạo cấp trung sẽ chú trọng hơn đến việc phân bổ nguồn lực cho những sáng kiến ​​đó. Thông qua việc quản lý nguồn lực tồn đọng từ cấp cao nhất, các tổ chức sẽ tăng tốc và tăng chất lượng của các quyết định.

Tổ chức của tương lai sẽ cần trao quyền cho ngay cả những nhân viên cấp thấp nhất, tạo điều kiện để họ hoàn thành các quyết định của mình. Đồng thời việc điều chỉnh số lượng người được quyền ra quyết định, được tham gia cuộc họp cũng vô cùng quan trọng. Đảm bảo mỗi người tham gia đều có mục đích rõ ràng, giảm bớt “chỗ ngồi” cho các cá nhân chỉ đóng vai trò “khán giả”. Điều này không phải nhằm hạn chế số lượng người tham gia hay loại bỏ các quan điểm đa dạng mà nhằm đưa ra lý do chính đáng cho mỗi vị trí góp mặt.

Việc các công ty linh hoạt, dịch chuyển lĩnh vực kinh doanh dựa trên các thế mạnh sẵn có để tồn tại trong giai đoạn Covid-19 là minh chứng rõ ràng cho thấy lợi thế khi tổ chức tăng tốc ra quyết định. Hành trình tiếp theo đòi hỏi các công ty phải tiếp tục củng cố, đưa những gì học được từ cuộc khủng hoảng vào quy trình ra quyết định trong tương lai.

Theo cuộc khảo sát “Quyết định trong thời đại cấp bách” năm 2019 của McKinsey, tổ chức đưa ra quyết định nhanh chóng có khả năng đưa ra quyết định tốt gấp đôi so với những tổ chức cân nhắc quá lâu.

6. Ưu tiên nhân tài hơn nguồn lực khác

Công nghệ ngày một phát triển, tự động hóa dần thay thế nhiều vị trí con người. Những thay đổi này khiến nhiều công ty phải xem xét lại chiến lược nhân sự. Các công ty cần nhắc nhở nguyên tắc: tài năng là nguồn lực khan hiếm. Sau đó, họ sẽ tập trung vào ba câu hỏi cốt lõi: Chúng ta cần tài năng gì? Làm thế nào chúng ta có thể thu hút nó? Và làm thế nào chúng ta có thể quản lý nhân tài một cách hiệu quả nhất?

Để trở thành một “điểm đến” hấp dẫn cho các tài năng hàng đầu, doanh nghiệp sẽ cần chú trọng đến trải nghiệm nhân viên. Điều này ảnh hưởng đến việc nhân viên có ở lại và phát triển hay không, từ đó ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của công ty.

Ngoài ra, các công ty hướng đến tương lai cần xây dựng hệ sinh thái nhân tài, nâng cao kỹ năng cho đội ngũ. Ví dụ như học viện mạng Cisco cung cấp khóa đào tạo CNTT và phát triển kỹ năng cho nhóm sinh viên, đồng thời kết nối cơ hội việc làm cho các bạn trẻ (với cả đối tác bên ngoài). Ngoài đem lợi ích cho người tham gia, cách thức này giúp Cisco khai thác nguồn nhân tài lớn, phù hợp với tiêu chí của doanh nghiệp.

Ứng viên sẵn sàng từ chối một công việc tốt nếu nhận tổ chức thiếu hòa nhập.

Đọc thêm

Phần 1: Chúng ta là ai?

Phần 3: Cách chúng ta phát triển

Vân Anh 

(Lược dịch theo McKinsey)

Bài Viết Liên Quan