Ba xu hướng truyền thông nhân viên trên mạng xã hội năm 2020

Ba xu hướng truyền thông nhân viên trên mạng xã hội năm 2020

Biến nhân viên thành đại sứ thương hiệu trên mạng xã hội (Social Employee) đang ngày càng được chú trọng hơn bởi lực lượng lao động ngày nay đang chứng kiến sự phát triển lớn mạnh của đội ngũ thế hệ các bạn trẻ nhanh nhạy và biết cách tận dụng mạng xã hội tốt nhất. Năm 2019 đã sắp kết thúc, xu hướng Social Employee trên mạng xã hội nào liệu sẽ lên ngôi trong năm tới?

1. Đúng thông tin – Đúng người – Đúng thời điểm

Bạn sẽ thường xuyên cảm thấy bị làm phiền bởi các nội dung không liên quan mỗi khi dành thời gian lướt các trang mạng xã hội. Nhân viên ngày nay cũng vậy. Họ chỉ quan tâm đến những tin tức mà họ cảm thấy hứng thú hoặc trực tiếp liên quan đến chuyên môn, vai trò, sở thích của mình.

Nhiều doanh nghiệp hiện nay có xu hướng áp dụng các thủ thuật marketing vào các chương trình Social Employee của mình với việc coi nhân viên là đối tượng hàng đầu khi xây dựng nội dung.  Dell là một trong số các doanh nghiệp chú trọng được điều này. Chương trình Social Employee mà Dell sử dụng qua các trang mạng xã hội như Facebook, Twitter xây dựng tập trung vào việc lên nội dung hướng tới nhân viên mà trong đó, 80% chủ đề phải thực sự hữu ích, đa dạng, liên quan đến nhu cầu và sở thích cá nhân của nhân viên như các video, hình ảnh hoạt động tập thể của nhân viên hoặc chia sẻ của một số cá nhân về môi trường làm việc, 20% còn lại chủ yếu là liên quan trực tiếp đến Dell như tin về doanh nghiệp, giới thiệu sản phẩm. Do vậy, nếu bạn thực sự muốn kết nối nhân viên và để họ gắn kết với chương trình Social Employee của mình, hãy nghĩ lại về cách xây dựng và phân phối nội dung sao cho đúng thông tin – đúng người – đúng thời điểm.

Album “Women at Dell” trên fanpage tuyển dụng với những câu chuyện thu hút nhân viên và khách hàng về những nữ nhân viên “đảm việc công ty, giỏi việc nhà” tại Dell.

2. Để nhân viên tự nguyện chia sẻ

Trong quá trình xây dựng niềm tin vào thương hiệu, việc cần làm đó là để nhân viên cùng gia nhập vào quá trình đó. Nghiên cứu từ Cisco chỉ ra rằng, các bài đăng từ nhân viên thu hút và giữ chân người xem tốt hơn 8 lần so với nội dung tương tự do các trang mạng xã hội của thương hiệu chia sẻ. Hơn nữa, khách hàng đặt niềm tin nhiều hơn vào những thông điệp được chia sẻ bởi nhân viên từ trong chính nội bộ hơn là qua những tin tức được công bố trên các trang mạng xã hội của doanh nghiệp.

Vậy làm thế nào để nhân viên trở thành đại sứ thương hiệu đắc lực cho doanh nghiệp bạn? Nếu như trước đây cách triển khai sẽ là gửi các email yêu cầu nhân viên chia sẻ hoặc spam các nội dung trên các trang mạng xã hội thì sang năm 2020, cách làm mới và hiệu quả hơn dự đoán sẽ thay thế cho phương thức cũ đó là xây dựng nội dung sao cho nhân viên nắm thế chủ động và tự nguyện chia sẻ tin tức.

Để làm được điều đó, việc quan trọng nhất đó là chú trọng phát triển nội dung. Áp dụng cách làm Đúng thông tin – Đúng người – Đúng thời điểm như đã nói ở trên và luôn tạo cho nhân viên cảm giác thoải mái, tự nguyện khi chia sẻ thông tin, tùy ý giới thiệu những tin tức mà họ cảm thấy hữu ích, liên quan sẽ thực sự giúp nội dung bạn tạo ra có hiệu ứng lan tỏa trong cộng đồng. Bạn có thể học cách Mastercard tạo môi trường nhân viên tự chia sẻ và khuyến khích họ đăng tải những bài viết kể cả trong giờ làm việc để áp dụng cho chương trình Social Employee trên mạng xã hội mới của mình.

Chỉ một bức ảnh tập thể kèm theo dòng caption “Ngôi nhà thứ hai” kèm theo các hashtag, người xem có thể biết được không gian văn phòng đầy màu sắc của Mastercard.

3. Nhân viên là người tạo ra nội dung

Employee-Generated Content (Nhân viên sáng tạo nội dung) là một thuật ngữ mới dự kiến sẽ là một xu thế nổi bật trong chương trình Social Employee. Nếu bạn muốn doanh nghiệp trở nên chân thực hơn, điều cần làm đó là khuyến khích nhân viên tự tạo nên những nội dung liên quan đến doanh nghiệp theo cách của riêng họ.

Vậy làm thế nào để nhân viên tạo nội dung đúng cách và thực sự thu hút? Hãy cung cấp cho họ những cuốn “sổ tay” sử dụng mạng xã hội hoặc đơn giản hơn, viết ra những gạch đầu dòng gợi ý nên đặt hashtag ra sao, ngôn từ thế nào cho phù hợp khi viết các nội dung liên quan đến tổ chức.

Nhân viên tại Reebok có thể đăng bất kỳ nội dung nào trên các trang Instagram, Twitter liên quan đến Reebok và không quên kèm hashtag @FitAssCompany.

Bạn có thể tham khảo cách mà Starbucks để mỗi nhân viên là một “partner” – những người là một phần của Starbucks tự viết lên những câu chuyện mang đậm sắc màu của Starbucks và gửi cho nhân viên tài liệu hướng dẫn những điều nên làm và nên tránh khi đăng tải nội dung trên trang cá nhân của mình, hay cách Reebok để nhân viên thỏa sức đăng tải những hình ảnh, video về cuộc sống thường ngày tại công sở của họ kèm theo hashtag #FitAssCompany. Thông tin từ blog cho tới các đoạn video, podcast hay thậm chí chỉ là một dòng status trên trang cá nhân của nhân viên cũng góp phần giúp cho nội dung trở nên đa dạng, chân thực và đáng tin cậy hơn trong mắt khách hàng.

Kim Oanh

(Nguồn tham khảo: Smarp)

Bài viết liên quan:

Dùng nhân viên lan tỏa thương hiệu: Tiết kiệm và hiệu quả

Chia sẻ của anh Lê Quang Vũ – CEO Blue C về Social Employee

Cẩm nang mạng xã hội – Nền tảng của Social Employee

Truyền thông mạng xã hội: Bài học từ MasterCard biến thách thức thành cơ hội

Bài Viết Liên Quan