Truyền thông lãnh đạo: Thay đổi từ đỉnh chóp
CEO là người đại diện cho doanh nghiệp từ hình ảnh thương hiệu cho tới phát ngôn của tổ chức. Nếu coi cộng đồng những cá nhân, tổ chức liên quan đến doanh nghiệp là một cá thể, CEO sẽ là bộ não quản trị và điều khiển cảm xúc, sức mạnh của những bộ phận khác.
Truyền thông từ lãnh đạo – Vì sao cần?
Với CEO, làm thế nào để khách hàng hạnh phúc, hài lòng với sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp; nhân viên gắn kết và cống hiến dài lâu cho tổ chức là những mối quan tâm hàng đầu.
Một CEO sẽ rơi vào “chiếc lưới” rắc rối nếu không biết cách để giao tiếp hiệu quả với từng đối tượng. Trong một khảo sát của HBR về những vấn đề giao tiếp phổ biến ảnh hưởng tới hiệu quả lãnh đạo, 52% người được phỏng vấn tại Mỹ cho biết lãnh đạo không dành thời gian để gặp gỡ nhân viên và 51% cho biết lãnh đạo từ chối nói chuyện với cấp dưới. Do vậy, hiểu tại sao cần giao tiếp, giao tiếp điều gì và như thế nào sẽ giúp CEO xây dựng sợi dây gắn kết tổ chức với không chỉ đối tác, khách hàng mà còn với nhân viên.
Với một tổ chức, việc duy trì một lực lượng lao động với không chỉ tay nghề cao mà còn gắn bó lâu dài với tổ chức sẽ là lợi thế cạnh tranh để doanh nghiệp yên tâm phát triển kinh doanh. Ngày nay, khi mà nhân lực của các doanh nghiệp phần nhiều là các bạn trẻ, điều họ mưu cầu không đơn giản chỉ là lương thưởng hấp dẫn, mà họ còn mong muốn được làm việc trong một tổ chức có sứ mệnh, tầm nhìn rõ ràng và đem lại mục đích nhất định cho xã hội.
Những cửa hàng quần áo, hiệu thuốc giờ đây đâu chỉ chú trọng vào việc bán sản phẩm mà họ còn quan tâm hơn và sẵn sàng lên tiếng với những vấn đề chung của cộng đồng, xã hội. Là một CEO, bài toán đặt ra đó là họ cần “gieo trồng” niềm tin, đam mê cho nhân viên với công việc, tổ chức. Để làm được điều đó, CEO cần có công cụ hỗ trợ. Công cụ đó là truyền thông để nhân viên hiểu hơn về những giá trị như tầm nhìn, sứ mệnh, giá trị cốt lõi hay mục đích của tổ chức. Nói cách khác, họ sẽ cần là người định hướng, cung cấp thông tin chuẩn và truyền cảm hứng cho nhân viên.
Lãnh đạo có đang làm tốt công tác truyền thông?
Vậy nhưng khi đối chiếu với thực tế, liệu có phải các CEO đều nhận thức được điều này?
Theo báo cáo New Times, New Leaders của PR360 vào tháng 4/2019, khi khảo sát 1000 nhân viên, 82% trong số đó cho rằng truyền thông từ lãnh đạo thường xuyên và toàn diện là rất quan trọng. Tuy nhiên, 38% cho rằng họ thường xuyên phải nghe những tin tức, câu chuyện xoay quanh tổ chức từ các kênh truyền thông, mạng xã hội bên ngoài trước khi được công bố chính thức trong nội bộ. 44% thì cho biết quản lý cấp cao của họ gần như không hay xuất hiện trước nhân viên và khiến họ chán nản mỗi khi đến văn phòng. Cùng với đó, tới 40% trong số họ nói rằng CEO chỉ đánh giá khả năng giao tiếp của họ ở mức “tạm ổn”, “tệ” và “rất tệ” mà thôi.
Thay đổi từ đỉnh chóp
Việc thiếu đi những kỹ năng cần thiết trong việc giao tiếp là nguyên nhân chính dẫn đến những con số đáng báo động trên. Nâng cao nhận thức và cải thiện công tác truyền thông từ đội ngũ lãnh đạo nên cần được ưu tiên hơn bao giờ hết. Và việc này cần bắt đầu từ đâu? Chúng ta cần bắt đầu từ trên đỉnh chóp – hay nói cách khác chính là từ CEO. Tích cực gặp gỡ trực tiếp nhân viên, thường xuyên lắng nghe ý kiến của họ, chia sẻ những câu chuyện thật để thu hẹp khoảng cách với nhân viên sẽ là những giải pháp để CEO dần chiếm được trái tim của nhân viên.
Những công cụ xây dựng thương hiệu và chiến lược truyền thông cho CEO sẽ hoàn chỉnh và bài bản nhất khi bạn tìm được một đơn vị cung cấp giải pháp chuyên nghiệp. Tại Blue C, chúng tôi cung cấp dịch vụ CEO Branding Communications. Dịch vụ này được xây dựng dựa trên công thức 4P Branding Mix với bốn yếu tố liên quan bao gồm: Con người (Person), Phong cách (Personality), Uy tín (Prestige) và Thành quả (Performance) của CEO. Dựa trên các bước nghiên cứu, xác định chiến lược, Blue C sẽ xây dựng các sản phẩm truyền thông phù hợp, đảm bảo sự nhất quán chân thực cũng như tạo sự khác biệt và hiệu quả cho lãnh đạo doanh nghiệp.
Kim Oanh