Xử lý thế nào khi nhân viên dương tính với Covid-19?
Điều quan trọng nhất lãnh đạo cần làm trong giai đoạn khủng hoảng là động viên, trấn an tinh thần cho nhân viên. Khi nhận được thông tin một ca trong doanh nghiệp là F0, doanh nghiệp cần nhanh chóng xử lý để mọi người an tâm, có thể tập trung vào những nhiệm vụ quan trọng khác.
Đầu tiên, khi nhân viên thông báo về kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19, hãy bày tỏ sự thấu cảm, động viên nhân viên. Cho dù người đó chỉ có những triệu chứng nhẹ nhưng họ vẫn lo lắng bởi những trường hợp xảy ra sắp tới hay việc có thể lây bệnh sang gia đình, đồng nghiệp. Vậy nên lãnh đạo cần cởi mở, quan tâm hơn để nhân viên thoải mái chia sẻ cảm xúc của họ và có niềm tin cấp trên, công ty sẵn sàng hỗ trợ.
Sau đó, hãy kết nối với bộ phận nhân sự, nhanh chóng hành động để giảm thiểu nguy cơ lây lan dịch bệnh. Bởi trong giai đoạn dịch này, hầu hết bộ phận nhân sự đều chuẩn bị trước một số công cụ, cách thức hỗ trợ, xử lý khi trong nội bộ có ca nhiễm.
Việc tối thiểu nhất là hỏi người nhân viên F0 đã tiếp xúc với ai trong công ty hai tuần qua. Ngay cả khi trong hai tuần vừa rồi, mọi người đều làm ở nhà, nhưng vẫn có khả năng nhân viên hẹn gặp nhau bên ngoài. Sau đó cần thông báo đến những đối tượng đã tiếp xúc gần càng sớm càng tốt và hướng dẫn họ khai báo, truy cập vào các trang của bộ Y Tế hay cơ sở tại địa phương.
Lãnh đạo hoặc bộ phận nhân sự đều có thể thông báo trực tiếp với những nhân viên F1. Đây là vấn đề cấp bách và nhạy cảm nên tốt nhất là trao đổi qua video hoặc gọi điện thoại. Nếu không thể liên lạc cá nhân trực tiếp, có thể chuyển sang gửi email và thêm cụm “thông báo khẩn” trên tiêu đề.
Dù sử dụng phương thức liên lạc nào, thông điệp cần nhất quán, đồng nhất: “Một nhân viên trong công ty đã dương tính với Covid-19 và bạn được xác định là người đã tiếp xúc gần với họ. Chúng tôi ở đây để hỗ trợ cho bạn. Nếu bạn đang làm việc tại văn phòng, hãy xếp đồ và nhanh chóng trở về nhà. Khi đã trở về nhà hoặc nếu đang làm việc tại nhà, hãy sắp xếp một không gian riêng, theo dõi tình trạng sức khỏe của bản thân và khai báo y tế. Chúng tôi có thể hỗ trợ thêm gì cho bạn không?”
Nhóm nhân viên F1 sẽ cảm thấy bất an, lo lắng, đặc biệt nếu đây là lần đầu tiên nhận được thông tin như vậy. Họ có thể tiếp xúc với F0 từ nhiều ngày trước nên càng lo lắng hơn bởi sẽ ảnh hưởng đến cả gia đình. Do đó, nhân viên sẽ có hàng loạt câu hỏi, thắc mắc. Tuy nhiên, bạn không phải là bác sĩ, do đó hãy khuyên họ liên lạc với các cơ sở y tế hoặc truy cập vào các trang web của Bộ để được hướng dẫn. Trong thời điểm này, việc lãnh đạo có thể làm là động viên, luôn sẵn sàng giúp đỡ, hỗ trợ cho họ.
Ngoài ra, hãy duy trì trao đổi qua email. Những thông tin nhân viên nhận được trong giai đoạn này có thể sẽ quá tải. Tổ chức đưa thông tin dưới dạng văn bản sẽ giúp quá trình truyền tải liền mạch hơn mà không bị bỏ lỡ.
Sau khi trao đổi với nhân viên F0 và F1, doanh nghiệp cũng có thể cân nhắc cảnh báo cho những người khác đang làm việc tại công ty. Cách thông điệp đưa đến sẽ thể hiện cách doanh nghiệp đối xử với nhân viên, những giá trị công ty hướng đến, vậy nên điều quan trọng là phải minh bạch và bình tĩnh.
Phương thức giao tiếp cũng có thể thay đổi tùy thuộc vào công ty của bạn. Chẳng hạn nếu là một công ty start-up với khoảng vài chục hay vài trăm nhân viên, có thể báo tin trong cuộc họp chung. Nếu quy mô doanh nghiệp lớn hơn, có thể thông báo theo từng bộ phận, đơn vị nhỏ, đặc biệt chú trọng vào nhóm nhân viên đó đang công tác. Đồng thời cần tôn trọng tính riêng tư, cá nhân cả nhân viên dương tính và những người tiếp xúc gần. Ví dụ như chỉ cần một thông báo ngắn gọn rằng có nhân viên đã dương tính với Covid-19 và những người F1 đã đi cách ly mà không cần tiết lộ danh tính cụ thể của họ.
Điều cuối cùng, những người cấp trên cần làm là thường xuyên thăm hỏi, động viên nhân viên F0 và thậm chí cả nhóm F1. Chỉ một hành động nhỏ cũng nói lên văn hóa, giá trị của tổ chức. Trong trường hợp số người mắc bệnh gia tăng, thực tế lãnh đạo sẽ không thể gọi điện trực tiếp cho từng người. Nhưng hãy cố gắng trao đổi với càng nhiều nhân viên càng tốt để họ cảm nhận được sự chăm sóc trong giai đoạn khó khăn này.
Vân Anh
(Theo HBR)