Chuyên gia chia sẻ cách doanh nghiệp duy trì văn hóa trong đại dịch
Trong hội thảo trực tuyến “Văn hóa doanh nghiệp trong đại dịch”, ông Lê Quang Vũ, giám đốc Blue C cho biết: đại dịch có thể làm suy yếu văn hóa doanh nghiệp, ngay cả với những tổ chức từng tự tin rằng họ có văn hóa doanh nghiệp lớn mạnh.
Vậy đâu là những việc nên làm với doanh nghiệp, tiếp cận từ góc độ văn hóa? Diễn giả Lê Quang Vũ đã chia sẻ 5 việc nên làm ngay.
Gắn công việc hàng ngày với sứ mệnh lớn
“Lý do bạn tồn tại luôn lớn hơn chuyện cơm áo gạo tiền. Lý tưởng lớn càng trong khó khăn càng cần thắp sáng”, theo ông Vũ chia sẻ. Hình ảnh các y bác sĩ, lực lượng tuyến đầu luôn được ngợi ca trong khoảng thời gian gần đây bởi tinh thần chống dịch quên ngày đêm. Thực tế trong mỗi doanh nghiệp đều có những “người hùng” như vậy. Không điều gì có thể gắn kết chặt chẽ nhân viên hơn sứ mệnh, ý nghĩa cho sự tồn tại trong công việc. Đặc biệt trong giai đoạn bất định, lãnh đạo, quản lý hay những người làm văn hoá doanh nghiệp càng cần tìm ý nghĩa lớn lao cho việc làm hàng ngày để mọi người có nguồn năng lượng mới, vượt khỏi những tin tức tiêu cực.
Ông Nguyễn Thanh Sơn, chủ tịch MVV Group cũng chia sẻ “zoom out” là một trong những cách thức tạo dựng câu chuyện. Tức là cần mở rộng câu chuyện ra hệ quy chiếu mới, lùi ra xa khỏi vấn đề để nhìn thấy vấn đề lớn hơn. Tương tự như câu chuyện người lao công ở NASA tự hào về sứ mệnh “tôi ở đây để đưa con người lên mặt trăng”. Doanh nghiệp cũng cần phải giúp nhân viên nhìn thấy lý tưởng đó trong những hành động hàng ngày.
Gắn kết nhân viên
Ông Vũ chia sẻ càng trong khủng hoảng, doanh nghiệp càng cần duy trì sự gắn kết. Bởi giai đoạn khó khăn chính là lúc nhân viên cần đến sự hỗ trợ của doanh nghiệp nhất. Những người đứng đầu cần phải coi nhân viên như người nhà, biến tổ chức thành một gia đình, thường xuyên quan tâm, trò chuyện trực tiếp với nhân viên. Một khi xóa bỏ rào cản khoảng cách giữa cấp trên và cấp dưới, nhân viên sẽ cảm thấy thấu hiểu, tin tưởng hơn vào quyết định của công ty, các quyết sách cũng được truyền tải trực tiếp, không bị “tam sao thất bản”.
Từng hành động, cử chỉ nhỏ trong thời điểm này có ý nghĩa đặc biệt hơn cả. Đồng thời, đây cũng là cách để giúp giải quyết bài toán chi phí cho các doanh nghiệp khi bị cắt giảm ngân sách cho hoạt động nội bộ. Bởi “sự quan tâm, trung thực, thẳng thắn là không mất phí”. Một số cách MVV Group đã áp dụng như tổ chức họp vào mỗi buổi sáng trước khi bắt đầu làm và cuối buổi để nhân viên có thể chia sẻ, trao đổi với nhau thường xuyên hơn. Hay gửi tặng cặp lồng cơm, thùng rau quả, túi thuốc cũng là cách lãnh đạo thể hiện sự nỗ lực quan tâm, thấu hiểu nhân viên.
Tạo sự tin tưởng giữa đội ngũ cấp trên với nhân viên
Khi chuyển sang làm việc từ xa, nhiều doanh nghiệp gặp phải vấn đề khó khăn trong việc gây dựng niềm tin trong nội bộ. Lãnh đạo, quản lý không nắm rõ khối lượng công việc của nhân viên, không nhìn thấy những trở ngại khi vừa phải làm việc, vừa phải chăm sóc cho gia đình, làm việc nhà. Điều này phần nào tạo thêm áp lực cho đội ngũ cấp dưới. Để xử lý tình trạng đó, CEO Blue C đưa ra lời khuyên những người lãnh đạo, quản lý thay vì chỉ giao việc, hãy lắng nghe nhân viên nhiều hơn từ những tâm tư, nguyện vọng của họ hay những vướng mắc trong quá trình làm việc. Trao quyền cho nhân viên lên tiếng, chủ động trong công việc sẽ giúp họ an tâm hoàn thành công việc.
Ông Sơn cũng chia sẻ thêm một cách mà MVV Group đã áp dụng hiệu quả là họp WIP (work-in-progress) vào buổi sáng để nhân viên trao đổi công việc ưu tiên trong ngày và sau đó cuối buổi sẽ tổng kết lại những nhiệm vụ đã hoàn thành. Hoặc doanh nghiệp cũng có thể sử dụng các nền tảng, công cụ checklist, to-do-list để theo dõi từng đầu việc cụ thể, công khai, hồ sơ hóa công việc làm thực tế.
Lãnh đạo bằng sự thấu cảm
Trước tình hình dịch bệnh vẫn tiếp tục kéo dài, không biết viễn cảnh nào đang chờ đợi phía trước, những người đứng đầu muốn “làm an lòng dân” phải cần đến sự thấu cảm. Chẳng hạn như việc phải cắt giảm lực lượng lao động, xáo trộn nội bộ là điều khó tránh khỏi trong thời điểm này. Để người nghỉ hiểu lý do họ phải rời đi, đồng thời không gây hoang mang cho những người ở lại, lãnh đạo cần thẳng thắn, trung thực về tình hình doanh nghiệp đang gặp phải. Việc chia sẻ minh bạch về những khó khăn và những cách giải quyết, cam kết của tổ chức sẽ giúp nhân viên rời đi sẽ cảm thấy vui vẻ, không bị bỏ rơi và sẵn sàng quay lại khi đủ điều kiện. Còn những người ở lại lúc đó cần nỗ lực nhiều hơn để đẩy mạnh sự phát triển cho công ty.
Biến “nguy” thành “cơ
Giám đốc Blue C khẳng định khủng hoảng chính là cơ hội để tái sinh, mang mọi thứ trở về thực chất. Đây là cơ hội vàng để các tổ chức nhìn nhận lại văn hóa doanh nghiệp, đánh giá yếu tố nào phù hợp, điều nào cần loại bỏ. Khả năng thích ứng nhanh, chủ động đổi mới, thử nghiệm và nhanh chóng tận dụng các cơ hội mới trở nên đặc biệt quan trọng tại thời điểm lịch sử này. Vậy nên các nhà lãnh đạo phải tiếp tục trau dồi văn hóa của công ty để giúp mọi người tập trung vào các sáng kiến quan trọng nhất ngay cả khi họ phải đối mặt với những thách thức chưa từng có và các điều kiện liên tục thay đổi do đại dịch gây ra.
Khủng hoảng là cơ hội để tìm kiếm cá nhân phù hợp, để phát hiện ra các nhân tố mới, hoặc sàng lọc những người phù hợp với văn hóa của doanh nghiệp. Những người kiên cường, dễ thích nghi, linh hoạt sẽ giúp điều hướng những bất ổn, phức tạp do đại dịch gây ra.
Cũng trong hội thảo, Blue C đã chia sẻ các công cụ và chương trình học tập có thể áp dụng ngay cho doanh nghiệp.
Xem lại nội dung buổi hội thảo trực tuyến và phần giao lưu hỏi đáp với các doanh nghiệp tại đây: