Cuộc khủng hoảng nội bộ và “nước đi” sai lầm của Netflix

Cuộc khủng hoảng nội bộ và “nước đi” sai lầm của Netflix

Netflix luôn tự đặt mình ở vị trí tiên phong trong thu hẹp khoảng cách đa dạng, phản ánh trải nghiệm cuộc sống chân thực của mọi đối tượng. Tuy nhiên, cuộc tranh cãi sau khi phát hành chương trình hài của Dave Chappelle “The Closer” đã đặt dấu hỏi lớn về định vị này của tổ chức.

Từ những câu nói đùa gây nên tai họa

Netflix đã phát sóng chương trình “The Closer” của nam diễn viên hài Dave Chappelle vào ngày 5/10 vừa qua. Ngay sau khi ra mắt, chương trình lập tức vấp phải sự chỉ trích lớn từ dư luận bởi những câu đùa được cho là kỳ thị người chuyển giới của Chappelle. 

Cụ thể, diễn viên hài Dave Chappelle nói: “Giới tính là 1 sự rõ ràng, mỗi con người trong căn phòng này, hoặc sống trên Trái đất này, đều phải đi qua đôi chân của một người phụ nữ để có được sự tồn tại bây giờ. Đó là một sự thật”.

Dave cũng pha trò về Caitlyn Jenner (ông bố chuyển giới của Kylie Jenner) và nói về quan điểm chủ nghĩa TERF (Trans-Exclusionary Radical Feminists: Nhóm các nhà bình quyền nữ tuyên bố rằng phụ nữ chuyển giới không phải là phụ nữ thực sự) của tác giả JK Rowling.

Đứng trước phát ngôn này của diễn viên hài, nhiều khán giả đã tỏ ra bức xúc khi anh có ý xuyên tạc hình ảnh của người chuyển giới, cộng đồng LGBT.

Những phát ngôn của Dave Chappelle trong The Closer được cho là kỳ thị người chuyển giới.

Xáo trộn nội bộ từ email của lãnh đạo

Theo Variety, các giám đốc điều hành của Netflix đứng về phía Chappelle trong những ngày đầu diễn ra vụ tranh cãi. Sarandos đã gửi email đến các nhân sự cấp cao để nói về tầm quan trọng của Chappelle: “Chappelle là một trong những diễn viên hài kịch nổi tiếng nhất hiện nay. Chúng tôi có thỏa thuận lâu dài với anh ấy”. 

Sau đó, một email nội bộ tương tự cũng được gửi đến toàn bộ nhân viên của Netflix. Ông nhấn mạnh thêm lập trường của Netflix và thông báo vẫn giữ nội dung đó trên nền tảng: “Chúng tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng nội dung trên màn hình không trực tiếp gây hại trong thế giới thực”. Sarandos viết: “Một số người thấy hài độc thoại là lố lăng, xúc phạm nhưng người xem thích điều đó và vì thế việc cung cấp nội dung như vậy trở thành phần không thể thiếu”. 

Chính cách thức xử lý của công ty dịch vụ trực tuyến khiến dư luận càng thêm phẫn nộ. Một số ngôi sao hàng đầu cũng lên tiếng phản đối, chỉ trích và đứng lên đấu tranh cho cộng đồng người chuyển giới.

Phản hồi từ người đứng đầu cũng khiến trong nội bộ lục đục. Nhân viên chuyển giới của Netflix, Terra Field đã thể hiện sự bất bình công khai trên Twitter, cho rằng các nội dung như vậy hoàn toàn có thể gây nguy hiểm cho cộng đồng chứ không như những gì Netflix đã nói.

Hàng trăm người, bao gồm cả nhân viên của Netflix tụ tập tại trụ sở chính ở Los Angeles, Mỹ để phản đối chương trình The Closer cùng với các bảng hiệu như “Trans Lives Matter” và “Transphobia is Not a Joke”. Cuộc biểu tình nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cung cấp nội dung có trách nhiệm, ưu tiên sự an toàn và phẩm giá của tất cả các cộng đồng bị thiệt thòi.

Terra Field – một nhân viên của Netflix chia sẻ sự phản đối chương trình trên Twitter.

Bài học dành cho Netflix

Ted Sarandos đã thừa nhận sai lầm trong cách thức truyền thông nội bộ, khiến một nhóm nhân viên cảm thấy tổn thương bởi quyết định của mình. Ông nói rằng “lẽ ra nên dẫn dắt một cách nhân văn hơn”.

Hai bài học lớn mà các công ty khác có thể học được từ cuộc khủng hoảng này: cách lãnh đạo bằng sự đồng cảm và cách nắm bắt cơ hội để tạo ra sự khác biệt tích cực trong tương lai. 

Trao đổi với nhân viên kể cả vấn đề nhạy cảm

Các cuộc biểu tình của nhân viên được khởi xướng kể từ khi Ted Sarandos gửi email bênh vực Chappelle. Nhân viên phản ứng dữ dội một phần bởi những người đứng đầu đưa ra quyết định, phát ngôn mà không lắng nghe quan điểm từ phía họ. 

Nếu như những người đứng đầu tổ chức kết nối với các thành viên, nhà lãnh đạo khác, ngay cả ngoài tổ chức thì Netflix sẽ tạo được một hội đồng cố vấn bao gồm cả những người trong cộng đồng LQBTQ cùng tham gia để đưa ra hướng xử lý đúng đắn hơn.

Việc trò chuyện với nhân viên, thành viên trong cộng đồng không chỉ giúp Netflix tránh các xung đột mà đáng lẽ còn là cơ hội cho đội ngũ lãnh đạo đẩy mạnh thương hiệu, trở thành đại diện trong cộng đồng chuyển giới.

Cuộc khủng hoảng nội bộ đã gióng lên hồi chuông cảnh báo cho Netflix cần đồng nhất các giá trị trong cả nội bộ và việc kinh doanh của tổ chức.

Giữ giá trị cốt lõi làm “kim chỉ nam”

Một trong mười giá trị cốt lõi của Netflix là Hòa nhập, trong đó có chuẩn hành vi: “Bạn can thiệp nếu ai đó bị bỏ quên”, “Bạn tò mò muốn biết sự khác biệt giữa chúng tôi ảnh hưởng thế nào đến công việc, thay vì giả vờ rằng họ không ảnh hưởng đến chúng tôi”. Tuy nhiên, khi đứng giữa bàn cân của cam kết với nhà sáng tạo và cam kết trở thành nhà tuyển dụng tiến bộ, Netflix đã bỏ qua giá trị Hòa nhập đó. Nhà sáng lập Netflix chia sẻ bộ phim hài của Chappelle không vượt qua ranh giới kích động thù địch và cho rằng đó là phong cách của anh ấy. Họ đề cao quyền tự do sáng tạo mà vô tình “phá vỡ” những quy tắc cốt lõi.

Đội ngũ lãnh đạo tin tưởng rằng có thể cân đối cả hai yếu tố này nhưng chính sự xáo trộn trong nội bộ như một hồi chuông nhắc nhở công ty cần phải nhìn nhận lại hành động của họ với giá trị của tổ chức. Ngay chính trên trang web tuyển dụng của Netflix cũng ghi dòng chữ: “Thật dễ dàng để viết ra những giá trị đáng ngưỡng mộ; nhưng thật khó để sống cùng những giá trị đó”.

Vân Anh

(Tổng hợp)

Bài đọc thêm:

Thu hẹp khoảng cách giới trong doanh nghiệp

Vì sao một nơi làm việc đa dạng và hòa nhập lại quan trọng?

Doanh nghiệp nên làm gì để xây dựng môi trường làm việc đa dạng và hòa nhập?

Bài Viết Liên Quan