Bỏ túi 5 bí quyết “giữ lửa” cho người làm PR nội bộ
Xây dựng mối quan hệ chân thành, tận dụng ý tưởng tập thể, tìm hiểu nhu cầu nhân viên, cập nhật xu hướng và cân bằng cảm xúc cá nhân là 5 cách giúp người làm PR nội bộ luôn giữ được “nhiệt” trong công việc.
Sẽ thực sự áp lực khi nhận được những ý kiến trái chiều về chương trình 8/3 vừa diễn ra hay phải luôn tìm cách chiều lòng những “khách hàng” khó tính nhất. Đó là cảm giác của người làm truyền thông nội bộ. Vậy có cách nào giúp bạn luôn cảm thấy yêu công việc này không?
1. Xây dựng mối quan hệ chân thành
Một trong những yếu tố quan trọng nhất mà người làm truyền thông nội bộ cần có là “chân thành”. Chỉ có chân thành mới giúp mối quan hệ của họ với đồng nghiệp hay cấp trên được bền vững.
Chân thành cũng chính là điểm mấu chốt để tạo được niềm tin trong những mối quan hệ với các vị “khách hàng” khó tính của người làm truyền thông nội bộ. Để giao tiếp chân thành, bạn có thể bắt đầu từ việc chào hỏi mọi người thường xuyên, quan tâm tới mọi người từ những thứ nhỏ nhất như sở thích của họ. Việc này không chỉ giúp bạn kết nối mọi người và chính bạn cũng được quan tâm yêu quý hơn. (Ảnh: Pinterest)
2. Tận dụng ý tưởng tập thể
Year end party vừa hết thì đã đến 8/3, ý tưởng đâu để tổ chức các chương trình không bị lặp concept? Một bí quyết cho những ai đang làm PR nội bộ khi đối mặt với những áp lực tổ chức sự kiện nội bộ như thế này chính là tận dụng nguồn ý tưởng tập thể. Những khách hàng của bạn chính là một kho tàng ý tưởng mà có lẽ bạn đã bỏ quên. Vậy thì từ bây giờ, mỗi lúc “bí” ý tưởng, hãy nhờ sự trợ giúp từ đồng nghiệp hay thậm chí cấp trên để cùng brainstorm nhé!
3. Tìm hiểu nhu cầu của nhân viên
Theo chuyên gia truyền thông Lê Trần Bảo Phương, “người làm truyền thông nội bộ không phải là công cụ của người quản lý để đi đàn áp tâm trí, chiêu trò tâm lý, mụ mị nhân viên. Họ cũng không phải là Ban chấp hành công đoàn đấu tranh bảo vệ quyền lợi nhân viên. Họ là người trung gian giúp cho các bên hiểu nhau, hướng về một lựa chọn hài hoà nhất.”
Chính vì vậy, kỹ năng quan trọng nhất của người làm truyền thông nội bộ chính là kỹ năng lắng nghe. Lắng nghe nguyện vọng của nhân viên trong công ty để hiểu trọn được nguyện vọng của họ, lắng nghe yêu cầu của cấp trên để hiểu được mục tiêu công ty hướng đến, từ đó mới có thể dàn xếp thoả đáng và phù hợp. Khi con người đã hiểu nhau, sự tin tưởng sẽ xuất hiện, khi đó mọi vấn đề dễ được giải quyết.
4. Cập nhật thường xuyên các xu hướng mới
Ngoài việc tận dụng ý tưởng tập thế, người làm truyền thông nội bộ cũng thường xuyên phải cập nhật các xu hướng mới. Đặc biệt khi công nghệ ngày càng phát triển như hiện nay, việc áp dụng các công cụ công nghệ để giúp thông điệp truyền đạt tới nhân viên không những nhanh chóng, chính xác mà còn giảm tải khối lượng công việc, mang tới những ý tưởng đột phá mà người làm truyền thông nội bộ nhiều khi chưa bao giờ nghĩ tới.
Gần đây, Kudos là một ứng dụng công nghệ rất thú vị giúp nhân viên được công nhận đúng lúc và kịp thời từ những đồng nghiệp hay cấp trên. Công cụ này cho phép người trong cùng công ty gửi những lời cảm ơn về công việc với các mức phần thưởng tương ứng với số điểm mà người đó tích lũy được. Hiện tại, ứng dụng này đang được công ty Magestore, một công ty công nghệ cung cấp các phần mềm hỗ trợ thương mại điện tử trên nền tảng Magento tại Việt Nam, sử dụng và nhận được nhiều phản hồi tích cực từ nhân viên.
Ngoài ra, sản phẩm C Force của Blue C, chương trình xây dựng khung nội quy, các quy chuẩn để triển khai bộ máy nhân sự và các hoạt động truyền thông nội bộ tại doanh nghiệp, là một công cụ hữu ích giúp công việc được hệ thống và thực hiện tốt hơn.
5. Cân bằng cảm xúc cá nhân
Đây là một trong những yếu tố quan trọng nhất bởi ngay từ khi lựa chọn trở thành một nhân viên PR nội bộ, bạn đã phải xác định đây là một công việc thách thức bởi khách hàng của bạn chính là đồng nghiệp “hay phàn nàn”, thường xuyên thắc mắc và luôn luôn “đòi hỏi”.
Dành thời gian cho một chuyến đi là một cách giúp bạn lấy lại năng lượng và xả stress để quay lại với công việc
Nếu gặp phải áp lực trong công việc, hãy dừng lại và để tâm trí thực sự thoải mái. Những lúc như vậy, đừng để những cảm xúc tiêu cực làm bạn rối trí mà tìm tới nguồn năng lượng tích cực, suy nghĩ lạc quan. Nguồn năng lượng ấy đến từ đâu thì bạn chính là người biết rõ nhất đúng không?
(Bài viết tham khảo từ website Brands Việt Nam)