Vì sao một nơi làm việc đa dạng và hòa nhập lại quan trọng?
Có rất nhiều nghiên cứu cho thấy lợi ích khi một doanh nghiệp có văn hóa coi trọng sự đa dạng và cho phép mọi nhân viên hòa nhập. Những lợi ích này sẽ trả lời cho câu hỏi: Doanh nghiệp có nên xây dựng lực lượng lao động đa dạng, không phân biệt?; Liệu đây có là công cụ để doanh nghiệp phát triển sức mạnh nội tại hay không?
1. Đem đến sự hài lòng cho nhân viên
Sự đa dạng và hòa nhập tại nơi làm việc khiến tất cả nhân viên cảm thấy được chấp nhận và có giá trị. Điều này đồng nghĩa sẽ không còn những lợi ích cá nhân bị xem nhẹ hay phân biệt đối xử tại nơi công sở. Một khi nhân viên cảm thấy được chấp nhận và có giá trị, họ cũng hạnh phúc hơn và cống hiến với khả năng tối đa của mình. Báo cáo của SHRM chỉ ra rằng có tới 65% nhân viên cảm thấy việc được đối xử công bằng trong nội bộ là một yếu tố quyết định đến việc họ có hài lòng với tổ chức của mình hay không.
2. Giảm tỉ lệ nghỉ việc
Các công ty có lực lượng lao động đa dạng thường bao gồm nhiều tính cách và quan điểm cá nhân khác nhau. Một khi nhân viên có cái tôi và “màu sắc” của riêng mình, họ đặt nhiều kỳ vọng vào một tổ chức cho phép họ được là chính mình, được thể hiện bản thân và được công nhận. Khi đó, sự đa dạng nơi làm việc sẽ là yếu tố góp phần giữ chân nhân viên.
Nghiên cứu trên thực tế cũng chứng minh điều này. Một nghiên cứu từ Deloitte trên quy mô 1.550 nhân viên tại ba doanh nghiệp lớn của Úc hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, bán lẻ và chăm sóc sức khỏe cho thấy sự gắn kết của nhân viên là kết quả của việc doanh nghiệp có sự đa dạng và hòa nhập.
3. Thúc đẩy sự sáng tạo
Những người có nền tảng (giới tính, vùng miền, độ tuổi, tôn giáo, quốc tịch…) khác nhau sẽ giúp tổ chức có một lực lượng lao động với kinh nghiệm và quan điểm đa dạng. Việc những quan điểm, cá tính này cùng tập hợp và thảo luận trong các buổi họp chung có thể đưa ra những ý tưởng độc đáo, mới mẻ, sáng tạo.
Một nghiên cứu từ Harvard Business Review dựa trên ý kiến của 1.800 chuyên gia, 40 case study và nhiều cuộc phỏng vấn khác nhau chỉ ra rằng khi doanh nghiệp không có định hướng cho việc đa dạng hóa đội ngũ nhân sự, 20% nữ giới sẽ ít có khả năng thực hiện ý tưởng của mình so với nam giới. Con số này với đội ngũ nhân viên thuộc cộng đồng LGBT là 21%.
4. Tạo thương hiệu được yêu thích
Glassdoor chỉ ra rằng 67% nhân viên coi sự đa dạng và hòa nhập là một yếu tố quan trọng với một tổ chức làm việc, đóng vai trò cần thiết cho việc lựa chọn công việc của họ. Một báo cáo khác của PwC cũng cho biết, 86% nữ giới và 74% nam giới thuộc thế hệ millenial sẽ xem xét chính sách của nhà tuyển dụng về mức độ đa dạng, công bằng và hòa nhập trước khi họ đặt bút ký vào bản hợp đồng lao động.
Nói cách khác, sự đa dạng và hòa nhập tại nơi làm việc thúc đẩy thương hiệu nhà tuyển dụng của công ty và giới thiệu một công ty như một nơi làm việc đáng khao khát hơn. Ứng viên khi nhìn vào quảng cáo tuyển dụng sẽ kỳ vọng vào một tổ chức “mang lại cơ hội bình đẳng cho mọi người”. Những mô tả công việc với ít tiêu chí mang tính chọn lọc dựa trên giới tính, độ tuổi, trình độ học vấn, ngoại hình… sẽ có nhiều khả năng hấp dẫn nguồn ứng viên đa dạng hơn.
5. Nâng cao vai trò với xã hội
Khi doanh nghiệp có đội ngũ lãnh đạo bao gồm những cá nhân với nền tảng khác nhau, họ có thể nhận ra nhu cầu và lợi ích của các nhóm bên liên quan khác nhau nhạy bén hơn. Do vậy, không khó để thấy rằng, các doanh nghiệp này sẽ đặt trách nhiệm với cá nhân, với cộng đồng cao hơn so với các tổ chức khác. Catalyst đã phối hợp với Trường Kinh doanh Harvard nghiên cứu để đưa ra kết luận: các công ty có các thành viên bao gồm lãnh đạo và nhân viên các cấp tôn trọng sự đa dạng và hòa nhập trong tổ chức thường đóng góp nhiều quỹ từ thiện hơn.
Cần phải nói, sự đa dạng nơi làm việc sẽ khiến công ty của bạn thú vị hơn không chỉ với ứng viên, nhân viên mà còn với cộng đồng. Nếu doanh nghiệp xây dựng lực lượng lao động với càng nhiều đối tượng khác nhau, doanh nghiệp đó càng dễ tìm được tiếng nói chung với những nhóm cộng đồng khác nhau. Điều này đem lại lợi ích to lớn cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận ứng viên, thị trường, nhóm khách hàng và đối tác kinh doanh mới.
Kim Oanh
(Tổng hợp)