Đập tan 4 nhầm tưởng thường gặp về trải nghiệm nhân viên

Đập tan 4 nhầm tưởng thường gặp về trải nghiệm nhân viên

Trong tổ chức nếu có các quan điểm khác nhau về trải nghiệm nhân viên sẽ khiến việc thiết kế các trải nghiệm của nhân viên khó thành công lâu dài. Khám phá những sự thật về một số quan niệm sai lầm phổ biến trong trải nghiệm nhân viên hiện nay sẽ giúp bạn thu hẹp khoảng cách đó.

Nhầm tưởng 1: Trải nghiệm nhân viên là các đặc quyền

Trải nghiệm nhân viên đòi hỏi tổ chức quan tâm, đầu tư vào con người, tuy nhiên điều đó không có nghĩa chỉ là cung cấp đặc quyền như tiền thưởng, kỳ nghỉ hay các tiện ích như bàn bi lắc, đồ ăn miễn phí, quy định thoải mái về trang phục … Đó không phải những gì người lao động thật sự muốn. Theo một nghiên cứu vào tháng 4 năm 2021 của McKinsey với hơn 5000 nhân viên, những ưu tiên hàng đầu của người đi làm tương lai là sức khỏe, sự linh hoạt và cân bằng giữa công việc – cuộc sống. 

Bởi vậy, nếu chỉ tạo ra những hứng khởi nhất thời về các lợi ích bên ngoài mà không chú trọng đến nhu cầu thật sự, tạo trải nghiệm tích cực ở mọi khía cạnh, từ văn hóa, môi trường vật lý, công nghệ thì doanh nghiệp sẽ khó lòng giữ chân nhân viên lâu dài.

Nhân viên trong tương lai kỳ vọng công ty quan tâm đến sự cân bằng công việc – cuộc sống, sức khỏe của họ.

Nhầm tưởng 2: Cung cấp trải nghiệm nhân viên phụ thuộc vào cấp trên hoặc bộ phận nhân sự

Trải nghiệm nhân viên không chỉ phụ thuộc vào một bộ phận hay do cấp trên chỉ đạo mà đó là trách nhiệm của tất cả mọi người. Bởi trải nghiệm nhân viên có thể hiểu là tất cả những trải nghiệm, tương tác của một cá nhân trong suốt hành trình của mình tại doanh nghiệp, từ khi là ứng viên cho đến khi trở thành cựu nhân viên. Trong cuộc họp, một đồng nghiệp có thể nổi giận, phớt lờ mọi ý kiến người khác hay khi bước đến công ty, người bảo vệ luôn niềm nở chào hỏi. Mọi cá nhân trong tổ chức đều ảnh hưởng đến trải nghiệm của người khác theo một cách nào đó.

Vai trò của lãnh đạo, quản lý là đặt nền tảng biến nhân viên thành trung tâm và bộ phận nhân sự sẽ thu hút sự tham gia của các cấp, các bộ phận. Đồng thời cần trao quyền, cung cấp cho nhân viên các lựa chọn để họ có được những trải nghiệm cá nhân hóa. Bởi bản thân nhân viên sẽ hiểu nhu cầu, mong muốn của mình nhất. 

Tham khảo: Phá vỡ “bức tường” khoảng cách với tân binh

Mọi cá nhân trong tổ chức đều tác động đến trải nghiệm của nhân viên khác nên việc thiết kế trải nghiệm không thuộc trách nhiệm của một vài người.

Nhầm tưởng 3: Sự gắn kết là thước đo trải nghiệm nhân viên

Một cá nhân có mối quan hệ bền chặt với tổ chức, với đồng nghiệp hay gắn kết với công việc hoàn toàn có khả năng có trải nghiệm không tốt. Doanh nghiệp không nên chỉ nhìn vào mức độ nhân viên hài lòng với công việc hay đồng nghiệp xung quanh mà cần hỗ trợ để họ cảm thấy phát triển, nhận ra mục đích, ý nghĩa công việc. 

Ngoài những chỉ số về mức độ hài lòng, gắn kết, trải nghiệm nhân viên còn thể hiện qua tỷ lệ tuyển dụng hay tỷ lệ thôi việc, hoặc qua số ngày vắng mặt, năng suất công việc, sức khỏe của nhân viên, cuộc phỏng vấn thôi việc. Việc đo lường cần bao quát mọi giai đoạn trong vòng đời của nhân viên, từ lúc tuyển dụng cho đến khi nhân viên đã nghỉ việc và đánh giá trên ba yếu tố văn hóa, công nghệ, môi trường vật lý.

Trải nghiệm nhân viên cần đánh giá trên các khía cạnh từ khi nhân viên biết đến công ty cho đến khi thôi việc.

Nhầm tưởng 4: Trải nghiệm nhân viên chỉ dành cho lớp trẻ

Trải nghiệm nhân viên là khái niệm tương đối mới nên có người cho rằng chỉ những thế hệ trẻ sẽ quan tâm đến vấn đề này. Mặc dù thế hệ Millennials và Gen Z đang chiếm số đông lực lượng lao động và theo khảo sát về “Trải nghiệm nhân viên” của Blue C ở Việt Nam, nhóm từ 26 tuổi đến 30 tuổi đánh giá mức độ hài lòng về các trải nghiệm thấp nhất, tuy nhiên, khảo sát cũng cho thấy các doanh nghiệp đang tập trung tạo trải nghiệm tích cực cho ứng viên và nhân viên mới hơn là những nhân sự cũ.  

Tất cả mọi thế hệ trong công ty đều mong muốn nhận được quan tâm, lắng nghe từ doanh nghiệp. Bất kỳ ai ở độ tuổi nào, dù là nhân viên mới hay lâu năm đều cần được tôn trọng, đối xử công bằng và có các lựa chọn làm việc như nhau. 

Một người đi làm cho dù ở độ tuổi nào đều mong có những trải nghiệm tích cực, có cơ hội công bằng.

Vân Anh (Tổng hợp)

————

Về Blue C: Blue C là thành viên của tập đoàn MVV Group. Blue C đã thực thi các dự án tư vấn cho các tập đoàn, doanh nghiệp lớn với quy mô hàng nghìn nhân viên như Vietnam Airlines, Viettel, TNG, EMS…, giúp các doanh nghiệp gia tăng nội lực thông qua các giải pháp tư vấn, đào tạo văn hoá doanh nghiệp, truyền thông nội bộ và trải nghiệm nhân viên.

Liên hệ ngay với BLUE C để được tư vấn các giải pháp chiến lược cho doanh nghiệp của bạn:

📧 info@bluec.vn
📞 0243 7303 2388

Bài đọc thêm:

Trải nghiệm nhân viên – Chìa khoá của tương lai

Tất cả những gì cần biết về trải nghiệm nhân viên

Niềm vui – “Liều thuốc tinh thần” cho doanh nghiệp

 

Bài Viết Liên Quan