“Hãy dành thời gian để làm cho nhân viên của bạn hạnh phúc”
Đây là triết lí kinh doanh nổi tiếng của “vị thần” người Nhật Inamori Kazuo. Tên tuổi của ông gắn liền với thành công của Tập đoàn đa ngành Kyocera, Hãng cung cấp dịch vụ mạng viễn thông KDDI và chính ông đã làm “tái sinh” Hãng hàng không Nhật Bản (Japan Airlines).
Từ câu chuyện mang tên Inamori Kazuo
Inamori Kazuo là một trong những doanh nhân “huyền thoại” của Nhật Bản, cũng là tác giả của những cuốn sách nổi tiếng Con đường đi đến thành công bằng sự tử tế, Cách sống. Trong cuốn Triết lý kinh doanh của Inamori Kazuo dành tặng cho nhân viên của mình, ông đã viết rất nhiều những bài học, những triết lý đầy tính thực tiễn mà trong đó, đáng chú ý nhất là triết lý “làm cho nhân viên hạnh phúc”.
Trong thời gian làm việc tại Tập đoàn Kyocera, ông đã từng chia sẻ “Nếu bạn muốn có trứng, hãy chăm sóc con gà mái. Tập đoàn thuộc về các cổ đông nhưng hàng trăm, hàng nghìn nhân viên cũng đang làm việc ở đây. Con gà cần phải khỏe mạnh”, Inamori khẳng định vai trò quan trọng của đội ngũ nhân viên trong thành công làm nên danh tiếng của các thương hiệu hiện nay.
Quan điểm này đã mang đến thành công lớn cho tập đoàn của ông. Hiện KDDI và Kyocera có tổng giá trị thị trường khoảng 82 tỷ USD. Khi Inamori được bổ nhiệm làm Giám đốc điều hành không yêu cầu nhận lương của Japan Airlines vào năm 2010, ông đã 77 tuổi và không có kinh nghiệm. Nhưng chỉ 3 năm sau, hãng này đã hồi sinh một cách thần kì sau khi bị phá sản. Bí quyết của ông nằm ở chỗ thay đổi tâm lý nhân viên. Những điều Inamori chia sẻ đã khiến những nhân viên của hãng cảm thấy tự hào về hãng hàng không và sẵn sàng làm việc chăm chỉ hơn.
Ông khẳng định:“Doanh nhân là người mang sứ mệnh bảo vệ, gây dựng công ty lớn mạnh để mang lại hạnh phúc cả về vật chất và tinh thần cho nhân viên mình. Doanh nhân không phải là người thúc ép nhân viên bằng phương pháp huấn luyện khắc nghiệt, cũng chẳng phải treo mức thù lao cao ngất ngưởng trước mắt nhân viên. Doanh nhân chính là người châm lửa, người thắp lên ngọn lửa quyết tâm của cả tổ chức”.
Mặc dù triết lí này của Inamori không gây ấn tượng với một số nhà đầu tư, nhưng những việc ông làm đã chứng minh một điều chắc chắn: Nếu nhân viên hạnh phúc, họ sẽ làm việc tốt hơn và thu nhập của họ cũng sẽ được cải thiện. Với những ai đã từng có cơ hội làm việc trong các tập đoàn của ông, họ đều hiểu rằng ông không hề có ý nuông chiều nhân viên mà họ phải làm việc thật sự vất vả để đạt được những “ưu ái” như thế.
Những câu chuyện hạnh phúc từ các doanh nghiệp
Cùng chung quan điểm làm cho nhân viên hạnh phúc của Inamori, rất nhiều chủ doanh nghiệp tại trên thế giới và tại Việt Nam đã thành công khi áp dụng triết lý này và dành được nhiều phản hồi tích cực từ phía nhân viên.
Google còn có những nhân sự chuyên biệt để nghiên cứu làm sao cho nhân viên của họ luôn cảm thấy thoải mái, vui vẻ, và đạt năng suất làm việc cao. Elon Musk, tỉ phú, doanh nhân, nhà phát minh, nhà sáng lập SpaceX, đồng sáng lập Tesla Motor và Paypal đã từng đưa ra một cách thức truyền thông nội bộ mới theo hướng có lợi cho nhân viên, xóa bỏ mọi khoảng cách về địa vị và sự phân cấp. Elon Musk từng nói “Mọi nhân viên ở Tesla đều có thể/ nên gửi email hoặc nói chuyện với bất kỳ người nào họ tin là có thể giải quyết được vấn đề nhanh chóng nhất vì lợi ích của toàn công ty. Bạn có thể trình thẳng lên người quản lý cấp cao mà không cần sếp của bạn cho phép, bạn có thể bàn bạc với phó tổng giám đốc của phòng ban khác, bạn có thể nói với tôi (Elon Musk) có thể nói với bất kỳ người nào mà không cần ai phải cho phép. ”
Richard Branson, vị tỷ phú tài ba, người sáng lập tập đoàn Virgin cũng từng chia sẻ hạnh phúc không chỉ là thước đo mức độ thành công mà còn là chìa khóa dẫn ông đến với thành công. Ông tin rằng nhân viên phải hạnh phúc thì mới có thể tạo ra sự hài lòng cho khách hàng. “Khách hàng không phải là số 1, họ là số 2”, là một trong những quan điểm kinh doanh của Marcus Lemonis – Chủ tịch, CEO của Công ty Camping World và Good Sam Enterprises, ngôi sao của chuỗi chương trình truyền hình thực tế nổi tiếng The Profit. Đồng quan điểm với Marcus Lemonis, Vineet Nayar – CEO HCL Technologies – cũng đã từng viết một quyển sách về vấn đề này với tựa đề Employees First, Customers Second: Turning Conventional Management Upside Down (tạm dịch: Nhân viên là số 1, Khách hàng là số 2: Đảo ngược cách quản lý thông thường).
Ở Việt Nam, ngày nay các doanh nghiệp cũng đang dần chú trọng hơn tới cảm xúc và lợi ích cho nhân viên của họ. Vinamilk – Một trong những doanh nghiệp luôn nằm trong Top nơi làm việc tốt nhất tại Việt Nam đã có phát ngôn trên trang chủ “Chúng tôi tin rằng con người là tài sản quý nhất của Vinamilk nên chúng tôi xem tiền lương cũng là tiền đầu tư hiệu quả nhất. Chính vì thế làm việc tại Vinamilk, bạn sẽ nhận được mức lương tương xứng với năng lực và cạnh tranh so với thị trường”. Thực tế, công ty đã mạnh tay trả lương và tiền thưởng cho các cấp lãnh đạo và nhân viên có năng lực làm việc tốt. Ngoài ra, Vinamilk còn có các chương trình phúc lợi hấp dẫn, môi trường làm việc sáng tạo, các chương trình đào tạo để nâng cao hiệu quả công việc.
Abbott luôn thu hút một lượng lớn những nhân tài không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới nhờ những chương trình đào tạo và đãi ngộ tuyệt vời. Nhân viên ở đây luôn được quan tâm và được tạo những điều kiện tốt nhất để phát triển thông qua những khóa học kĩ năng lãnh đạo, những chính sách khen thưởng nhằm khuyến khích sự sáng tạo cho những tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc.
Bên cạnh những doanh nghiệp lớn, các doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện nay cũng tiến hành thực hiện nhiều cuộc khảo sát đo lường chỉ sổ hạnh phúc của nhân viên, khảo sát về nhu cầu của nhân viên và xây dựng văn hóa làm việc hạnh phúc mỗi ngày…
Có thể thấy, khi chú trọng đến sự hài lòng và hạnh phúc cho nhân viên, doanh nghiệp bạn sẽ có được rất nhiều lợi ích, bao gồm: có được lòng trung thành của nhân viên, duy trì được sự hài lòng của khách hàng, tiết kiệm được thời gian và tiền bạc, nâng cao hiệu quả kinh doanh…
Để có được những cái nhìn bao quát nhất về những nhu cầu từ phía nhân viên, những mong muốn từ phía nhân viên và làm thế nào để đáp ứng và làm cho nhân viên hạnh phúc, mỗi doanh nghiệp đều cần có chiến lược cụ thể và phù hợp với thực trạng doanh nghiệp mình, tiến tới những chương trình hay hoạt động phù hợp cho từng giai đoạn.