5 “đòn bẩy” kích hoạt ý nghĩa công việc
Nghiên cứu của McKinsey chỉ ra rằng khi nhân viên nhận thấy công việc mình làm có ý nghĩa, hiệu suất của họ được cải thiện đến 33%, mức độ gắn bó với tổ chức tăng 75% và khả năng nghỉ việc ít hơn 49%. Vậy điều gì sẽ giúp tạo nên ý nghĩa công việc và doanh nghiệp có thể làm gì để giúp các thành viên trong tổ chức nhận ra điều này?
1. Công việc mang lại giá trị cho cộng đồng
Đa số mọi người sẽ tìm thấy ý nghĩa thực sự của công việc khi nhận ra những việc mình đang làm mang lại nhiều giá trị tích cực cho cộng đồng, môi trường, xã hội, nhân loại. Ý nghĩa đó vượt xa lợi ích cá nhân và hướng đến những điều lớn lao hơn.
Điều này khá dễ dàng nhận thấy ở nhóm ngành nghề như bác sĩ, giáo viên, những người hoạt động trong các tổ chức cộng đồng… Nhưng nhìn chung, mọi người đều nỗ lực hơn khi biết công việc mang lại giá trị cụ thể cho người khác. Một ví dụ điển hình là câu chuyện về người lao công ở NASA khi được hỏi thăm về công việc đã trả lời “Tôi ở đây để giúp đưa con người lên mặt trăng!”.
Vậy làm thế nào để các thành viên trong tổ chức của bạn cảm nhận sâu sắc những giá trị mà doanh nghiệp mang lại cho cộng đồng? Doanh nghiệp có thể bắt đầu từ việc quyên góp cho một tổ chức từ thiện do chính nhân viên lựa chọn. Đồng thời truyền thông liên tục về các hoạt động, cách thức mà doanh nghiệp đang phục vụ cho cộng đồng.
2. Có sự kết nối với tầm nhìn của tổ chức
Những người tìm kiếm ý nghĩa công việc từ ảnh hưởng của bản thân với tổ chức sẽ hỗ trợ tổ chức bằng rất nhiều cách khác nhau. Họ góp phần đưa công ty dẫn đầu ngành, thu hút nhân tài, mang lại lợi ích cho cổ đông hay duy trì danh tiếng công ty. Đó thường là những người có kết nối với tầm nhìn và chia sẻ các giá trị chung của tổ chức. Với họ thành công của bản thân gắn với thành công của tổ chức.
Điều doanh nghiệp nên làm là chú trọng hơn nữa trong việc kết nối nhân viên với tầm nhìn của tổ chức thông qua các hoạt động như: Tổ chức các buổi chia sẻ trực tuyến về tầm nhìn và các giá trị cốt lõi của tổ chức, với sự tham gia của toàn bộ nhân viên, để cùng thảo luận tìm ra các giá trị phù hợp. Trong những kỳ đánh giá, lãnh đạo, quản lý cũng có thể luân phiên trò chuyện trực tiếp hoặc online với từng nhân viên để cảm ơn vì sự nỗ lực của họ trong công việc. Đồng thời nhấn mạnh công việc ấy đã có đóng góp quan trọng như thế nào vào các mục tiêu chiến lược của tổ chức.
3. Mang đến sự hài lòng cho khách hàng
Đối với các tổ chức, việc đem lại trải nghiệm vượt kỳ vọng cho khách hàng, giúp cải thiện cuộc sống hay cung cấp các sản phẩm, dịch vụ tốt nhất luôn là mục tiêu hàng đầu. Đây cũng chính là nguồn động lực giúp mỗi nhân viên tìm thấy ý nghĩa công việc. Để khơi dậy động lực và gia tăng nhận thức về năng lực, giá trị bản thân, họ sẽ cần đến những tương tác, tiếp xúc trực tiếp với khách hàng hơn là những bài chia sẻ, truyền cảm hứng từ lãnh đạo.
Dưới đây là cách một số doanh nghiệp đã làm để gia tăng sự kết nối của nhân viên với khách hàng mà doanh nghiệp bạn có thể tham khảo:
– Đặt ra yêu cầu và xây dựng cơ chế để tất cả nhân viên ở mọi vị trí, cấp bậc đều được tương tác với khách hàng ít nhất một lần mỗi năm.
– Đặt một chiếc ghế trống trong các cuộc họp, nhằm đại diện cho khách hàng và quan điểm của họ.
– Triển khai “Customer Minute” (tạm dịch “Giây phút khách hàng”) trước khi bắt đầu buổi họp. Theo đó, một thành viên trong nhóm sẽ nói về trải nghiệm của khách hàng hoặc đặt mình vào vị trí của họ để chia sẻ. Điều này rất có ích trong việc giúp mọi người tư duy như một khách hàng và tìm ra những sáng kiến phù hợp.
4. Tạo ra ảnh hưởng với đội nhóm
Một số người sẽ cảm thấy công việc của mình có ý nghĩa khi bản thân họ tạo được những tác động tích cực cho đội nhóm, ví dụ: góp phần xây dựng môi trường làm việc an toàn, truyền động lực cho người khác, thúc đẩy hiệu suất làm việc của nhóm. Họ mong muốn đi làm mỗi ngày và cùng giải quyết những bài toán khó với người cộng sự của mình.
Điều này phần lớn là do “hiệu ứng lân cận” (proximity effect) trong tâm lý học xã hội, nhân viên sẽ nhìn vào những người xung quanh để giải thích về các hành vi. Do đó, các nhóm làm việc có ảnh hưởng đáng kể đến trải nghiệm của người đó trong công việc.
Để thúc đẩy điều này, một số doanh nghiệp đã tổ chức chương trình “nói lời cảm ơn” hàng năm, nơi các thành viên công khai ghi nhận đóng góp và cả những khó khăn của nhau; Hoặc hỗ trợ một phần ngân sách cho thủ lĩnh của các tổ chức đoàn thể, các CLB trong doanh nghiệp vì đã tạo ra môi trường làm việc đa dạng, bình đẳng.
5. Làm nên thành công của cá nhân
Ngoài việc cống hiến vì doanh nghiệp, khách hàng, các nhân viên còn tìm thấy ý nghĩa công việc từ trải nghiệm của chính mình. Họ sẽ thấy công việc có ý nghĩa khi công việc đó giúp họ đạt được những mục tiêu như cơ hội phát triển bản thân, sự ghi nhận của tổ chức, cùng những nấc thang thành công trong sự nghiệp.
Và doanh nghiệp có thể đồng hành cùng nhân viên trên chặng đường đi tới thành công bằng nhiều cách khác nhau. Một ví dụ có thể tham khảo là trước khi bắt đầu mỗi dự án, người đứng đầu sẽ khởi xướng một cuộc thảo luận về mục tiêu cá nhân và nghề nghiệp của các thành viên trong nhóm, sau đó sắp xếp để hỗ trợ họ đạt được các mục tiêu đó.
Thùy Linh (Nguồn: McKinsey)