Công nhận nỗ lực của nhân viên: Hành động nhỏ tạo động lực lớn

Công nhận nỗ lực của nhân viên: Hành động nhỏ tạo động lực lớn

Một nhà lãnh đạo tài giỏi sẽ biết cách hỗ trợ, khích lệ nhân viên mỗi khi họ hoàn thành tốt công việc. Khi nhận được khen thưởng xứng đáng với nỗ lực của mình, nhân viên sẽ có động lực phát triển tốt hơn, tự tin hơn.

Cần làm gì để ghi nhận nhân viên đúng cách?

Kết nối từ hành động nhỏ

Mặc dù những lời chào, thăm hỏi hàng ngày dường như không thực sự cần thiết nhưng chính những tương tác nhỏ đó lại là “cầu nối” vững chắc giữa quản lý và nhân viên, khiến nhân viên không còn cảm thấy “vô hình”. Những câu nói đơn giản như “Chào buổi sáng”, “Hôm nay thế nào?” có “sức nặng” ngang với sự công nhận, khen thưởng nào khác. Khi cảm thấy thoải mái với cấp trên, nhân viên sẽ không ngại chia sẻ công việc, cảm xúc cá nhân và cập nhật tình hình tổ chức với quản lý.

Đưa ra phản hồi cân bằng điểm mạnh và điểm cần cải thiện

Nhân viên muốn biết cả những nhiệm vụ họ đang hoàn thành tốt và điều cần cải thiện. Việc nhận được những phản hồi tích cực, hỗ trợ phát triển cũng là một cách để nhân viên cảm nhận giá trị của bản thân. Nếu những phản hồi chỉ mang tính tuyên dương mà không ra đưa định hướng phát triển thì chưa đủ giá trị. Trái lại, những người luôn chỉ nhận sự phê bình, đánh giá kém sẽ dễ dàng bỏ cuộc bởi họ cảm thấy bản thân vô dụng, không làm được những điều đúng đắn nào.

Ngoài những lời động viên tích cực, nhân viên mong muốn được lắng nghe những phản hồi để cải thiện bản thân.

Định hướng cơ hội phát triển rõ ràng

Nhân viên luôn muốn biết định hướng phát triển công việc phù hợp sau này. Những tiềm năng, cơ hội hay các dự án “đường dài” sẽ là bằng chứng minh bạch nhất thể hiện sự đánh giá cao của người quản lý. Trái lại, nếu không được trao cơ hội thử sức nhiệm vụ mới, nhân viên sẽ nghĩ rằng nỗ lực hiện tại của họ không được ghi nhận.

Trao quyền lựa chọn linh hoạt

Được quyền lựa chọn làm việc từ xa hay cho phép đến muộn vào sáng hôm sau nếu trước đó làm quá giờ cũng là tín hiệu cho thấy sự tin tưởng, đánh giá cao của tổ chức. Chính những quyền lợi đó khiến nhân viên không còn e ngại, né tránh làm ngoài giờ.

Duy trì thành thói quen

Dành vài phút chia sẻ cụ thể về đóng góp của nhân viên sẽ tác động hơn cả một phần thưởng vật chất lớn. Do đó, quản lý cần xây dựng thói quen ghi nhận thường xuyên, có thể bằng cách dành 15 phút đầu tuần để viết thư cảm ơn cá nhân hoặc bắt đầu các cuộc họp nhóm bằng những lời cảm kích ngắn gọn ghi nhận thành tích của từng thành viên. Hoặc có người sẽ thể hiện bằng những thứ hữu hình như mời ăn, tặng voucher. Không có hình thức ghi nhận nào cố định mà điều quan trọng là những ý tưởng đó phải thể hiện một cách tự nhiên, không máy móc.

Duy trì khen thưởng nỗ lực của nhân viên trong cuộc họp định kỳ là cách đơn giản nhất để xây dựng văn hóa ghi nhận trong tổ chức.

Những sai lầm cần tránh

Không chân thực, chỉ chung chung

Mặc dù sự ghi nhận, đánh giá cao là điều nhân viên luôn mong muốn nhưng nếu như đó chỉ là những cử chỉ, lời nói sáo rỗng thì sẽ gây tác dụng ngược lại. Việc quản lý dành thời gian chia sẻ về những giá trị nhân viên mang lại và bày tỏ sự cảm kích với họ sẽ ý nghĩa hơn nhiều so với lời cảm ơn vội vã.

Sự ghi nhận phải thể hiện đúng thời điểm, phù hợp, chân thành. Đặc biệt quản lý cần cẩn trọng khi đánh giá thành tích theo nhóm bởi kết quả chung đó không phản ánh sự đóng góp của từng thành viên. Tuyên dương các thành viên đồng đều sẽ khiến những cá nhân nổi bật hơn cảm thấy thiếu công bằng, ảnh hưởng tinh thần đoàn kết của tập thể.

Bỏ qua hoạt động tôn vinh của tổ chức

Trong thời điểm cuối năm bận rộn, nhiều nhà lãnh đạo, quản lý sẽ thấy những hoạt động đánh giá hàng quý, hàng năm, đề cử nhân viên xuất sắc là các hoạt động lãng phí, không cần thiết. Nhưng với nhân viên, đó là những cột mốc quan trọng khẳng định sự tiến bộ, nỗ lực của họ. Khi cấp trên bỏ qua những hoạt động tôn vinh chính thức ấy, nhân viên sẽ cảm nhận họ không được coi trọng, chứ không phải những giải thưởng kia. Vì vậy, nếu quản lý không chú trọng hoạt động tưởng thưởng chung của tổ chức thì sẽ cần chia sẻ rõ nguyên do với nhân viên để họ không cảm thấy bị lãng quên so với các thành viên bộ phận khác.

Những chương trình tôn vinh hàng quý, hàng năm sẽ giúp kích thích động lực cho các thành viên.

Đưa ra cách thức đánh giá không phù hợp

Có rất nhiều cách khen thưởng và đánh giá cao đóng góp của nhân viên một cách sáng tạo. Cấp trên cần dành thời gian tìm hiểu nhân viên mong muốn được công nhận như thế nào. Một số người sẽ thích được cảm ơn một cách công khai, trong khi một số thích những khích lệ thầm lặng. Điều quan trọng là phải biết sở thích cá nhân của từng người để đưa ra hình thức khen thưởng phù hợp, tạo động lực cho họ.

Vân Anh

(Theo HBR)

Bài Viết Liên Quan