Văn hóa Thuộc về: Xu hướng mới của văn hoá doanh nghiệp
Tôn trọng sự đa dạng, khác biệt, khuyến khích nhân viên chia sẻ ý kiến và tham gia vào các quyết định của tổ chức, văn hóa Thuộc về (Culture of Belonging) đang từng bước phá vỡ những quy tắc của văn hóa truyền thống, mở ra một tiếp cận mới: hình thành nên thế hệ nhân viên gắn bó với tổ chức, nơi họ có cảm giác thuộc về và được là chính mình.
Suốt một thời gian dài, văn hóa doanh nghiệp truyền thống – vốn đề cao tính tuân thủ và các quy định, đòi hỏi người lao động phải nỗ lực điều chỉnh chính mình để phù hợp với tổ chức. Tuy nhiên, mô hình này ngày càng trở nên không phù hợp trong một thế giới đề cao sự đa dạng, linh hoạt và sáng tạo như hiện nay.
Và thực tế, nhiều môi trường doanh nghiệp kiểu cũ đang nỗ lực thay đổi để thu hút và giữ chân thế hệ nhân tài mới – những người trẻ năng động, đề cao ý nghĩa công việc, tìm kiếm sự tự chủ và cơ hội được đóng góp quan điểm độc đáo của mình cho tổ chức.
Từ DEI đến DEIB
Phát triển từ DEI (xu hướng xây dựng văn hóa đề cao sự Đa dạng – Diversity, Bình đẳng – Equity và Hòa nhập – Inclusion), khoảng đầu năm 2023, khái niệm DEIB với sự bổ sung của chữ “B” trong “Belonging” (sự thuộc về) xuất hiện và dần trở nên phổ biến tại nơi làm việc.
Việc thêm “B” vào DEI là kết quả của xu hướng mới trên thị trường lao động, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tạo ra một nơi làm việc nơi nhân viên cảm thấy thuộc về tổ chức, thông qua việc định hình giá trị công ty phù hợp với nhân sự. Sự thay đổi này không chỉ cải thiện môi trường văn hóa mà còn nâng cao khả năng thu hút và giữ chân tài năng trong thị trường lao động đang ngày càng trở nên khốc liệt.
Bằng việc tập trung vào chữ “B”, Văn hoá Thuộc về thúc đẩy cảm giác gắn kết với tổ chức, ưu tiên phúc lợi và phát triển bản thân, tạo môi trường làm việc nơi mọi người cảm thấy được trân trọng và mong muốn đóng góp cho tổ chức.
Đến thời điểm hiện tại, DEIB (Đa dạng, Công bằng, Hòa nhập và Thuộc về) đã trở thành khái niệm then chốt, đáp ứng nhu cầu tìm kiếm ý nghĩa và giá trị trong công việc của người lao động.
Sức mạnh của văn hóa Thuộc về
Theo một khảo sát của McKinsey tại Mỹ vào năm 2022, có đến 51% nhân sự nghỉ việc vì thiếu cảm giác thuộc về, mất kết nối với tổ chức. Và các giải pháp tình thế như quay lại làm việc trực tiếp 4-5 ngày/tuần không cho thấy hiệu quả rõ rệt trong việc gia tăng gắn kết nội bộ.
Một nghiên cứu khác của Great Place to Work cũng cho thấy, khi nhân viên cảm thấy thuộc về tổ chức, họ sẽ nói những điều tốt đẹp về tổ chức nhiều gấp 3 lần và gắn bó với tổ chức lâu hơn gấp 5 lần. Đồng thời, cảm giác “thuộc về” cũng giúp cải thiện hiệu suất công việc lên đến 56%, giảm rủi ro nghỉ việc hơn 50% (theo khảo sát của BetterUp).
Văn hóa Thuộc về giúp nhân viên cảm nhận rõ ràng sự trân trọng, được lắng nghe và được tổ chức trao quyền để đóng góp vì mục tiêu chung. Đồng thời, giúp tạo ra môi trường làm việc an toàn về mặt tâm lý.
Một lợi ích quan trọng khác của việc chuyển dịch sang văn hóa Thuộc về là khả năng khai mở khả năng đổi mới, sáng tạo. Trong môi trường có văn hóa Thuộc về, nhân viên được khuyến khích chia sẻ các quan điểm, ý tưởng, góc nhìn đa dạng của mình để giải quyết công việc. Việc kết hợp các quan điểm đa dạng sẽ làm phong phú thêm khả năng giải quyết vấn đề và nâng cao tính sáng tạo, thúc đẩy tư duy tiến bộ và đổi mới.
Hơn nữa, các doanh nghiệp chú trọng văn hoá Thuộc về cũng thường là những tổ chức có sứ mệnh hướng đến cộng đồng, xã hội. Vì thế, cách tiếp cận văn hóa này giúp doanh nghiệp thu hút những thế hệ nhân tài mới, và dễ dàng kết nối với các khách hàng và đối tác có cùng hệ giá trị.
Xây dựng Văn hóa Thuộc về
Để thành công xây dựng văn hóa Thuộc về, doanh nghiệp cần có sự cam kết mạnh mẽ và sẵn sàng thách thức các chuẩn mực và quy tắc lâu đời. Doanh nghiệp có thể tham khảo các chiến lược trọng tâm dưới đây để xây dựng Văn hoá Thuộc về:
- Thúc đẩy sự đa dạng và hòa nhập: Tìm kiếm và đề cao các cá nhân có góc nhìn mới mẻ, đa dạng. Điều này không chỉ tạo ra sự phong phú về văn hóa tổ chức mà còn có thêm nhiều góc nhìn đóng góp cho tổ chức trong quá trình ra quyết định.
- Khuyến khích giao tiếp mở: Tạo ra môi trường làm việc khuyến khích việc trao đổi và phản hồi liên tục; và là nơi nhân viên được thoải mái chia sẻ suy nghĩ và ý tưởng của mình.
- Hỗ trợ nhân viên phát triển: Tạo cơ hội và ưu tiên nhằm phát huy tối đa năng lực và phát triển bản thân của nhân viên.
- Ghi nhận và khen thưởng những đóng góp: Ghi nhận nỗ lực và thành tích của cá nhân và tập thể. Bằng cách này, nhân viên sẽ cảm thấy được đề cao và có thêm động lực đóng góp cho sứ mệnh và mục tiêu chung của tổ chức.
Mặc dù mang lại nhiều lợi ích, nhưng sự dịch chuyển từ văn hóa truyền thống sang văn hóa thuộc về có thể bị cản trở bởi những cá nhân đã quen với cách quản trị cũ cùng những lối mòn trong tư duy, nhận thức. Doanh nghiệp cần kiên định với mục tiêu của mình trong việc thay đổi văn hóa, phát triển theo xu thế mới. Điều này sẽ giúp tổ chức tạo ra môi trường làm việc tích cực, tăng sự hài lòng, gắn kết của nhân viên; thu hút và giữ chân nhân tài cũng như tăng khả năng cạnh tranh của tổ chức trên thị trường.
Thục Anh
(Tổng hợp)
Đọc thêm:
DEI – Xu hướng xây dựng văn hoá doanh nghiệp đa dạng, bình đẳng và hoà nhập
Bí quyết xây dựng văn hóa nơi làm việc từ những doanh nghiệp tốt nhất thế giới
DEI Case Study: Hành trình tạo dựng văn hoá đa dạng, bình đẳng và hoà nhập