6 trò chơi giúp định hình văn hóa doanh nghiệp
Bạn tự hào về văn hóa doanh nghiệp của mình nhưng lại cảm thấy chưa định hình được chúng một cách rõ nét. Hãy tạm gác lại các lý thuyết, công thức phức tạp về văn hóa doanh nghiệp để cùng các đồng nghiệp vẽ lại bức tranh văn hóa một cách sống động nhất. Blue C gợi ý 6 trò chơi định hình văn hóa doanh nghiệp, giúp bạn dễ dàng lồng ghép vào những hoạt động teambuiding, kỳ họp sơ kết, tổng kết hay các chương trình đào tạo.
1. “Khám phá vùng đất bí ẩn”
Đây sẽ là trò chơi phù hợp với những doanh nghiệp đã có những giá trị văn hóa trước đó nhưng chưa đủ sâu và còn nhiều khía cạnh thuộc “bề chìm”, khó có thể tiếp cận cần khai thác thêm.
Cách chơi:
Hãy đóng vai các nhà nghiên cứu, lần đầu tiên đến khám phá một vùng đất mới, chính là doanh nghiệp của bạn. Giờ thì đây là những thông tin mà các nhóm cần tìm kiếm:
– Anh hùng và truyền thuyết: Ai là những cá nhân xuất sắc nhất? Câu chuyện kỳ diệu nào đã làm nên tầm ảnh hưởng của họ?
– Câu nói ấn tượng: Những câu nói ấn tượng mà các “thổ dân” thường nói là gì? Ngôn ngữ ra sao?
– Thói quen: Họ có thói quen hay cách ứng xử nào đặc biệt, thú vị, độc đáo?
– Niềm tin: Họ tin vào điều gì? Họ chia sẻ những giá trị nào?
– Bề ngoài: Biểu hiện bên ngoài của họ có điều gì đặc biệt? (Trang phục, nghi lễ, ngày hội…)
2. “Đi tìm Mascot”
Nếu doanh nghiệp của bạn đang “tô đậm” hơn những giá trị văn hóa của mình thay vì chỉ được biết đến qua những ngôn từ sáo rỗng, mơ hồ, hãy thử chơi trò chơi “Đi tìm linh vật”.
Cách chơi:
“Nếu cần lựa chọn một “linh vật” (mascot) đại diện cho văn hóa doanh nghiệp, đó sẽ là nhân vật nào?”, hãy thử đặt câu hỏi này với các thành viên trong công ty.
Đừng quên đặt câu hỏi vì sao và trả lời bằng cách vẽ ra một bức tranh với chân dung được đặt chính giữa, xung quanh là những đặc điểm tính cách nổi trội mà theo bạn có nhiều điểm tương đồng với văn hóa của doanh nghiệp mình. Đó có thể là một chú Dế mèn như nhà FECON, một bức tượng Coder như nhà FSOFT hay bất cứ linh vật nào mà sự tưởng tượng phong phú của các bạn có thể mang đến.
3. “Trái tim và giọt nước”
Trò chơi này giúp làm rõ văn hóa doanh nghiệp mà nhân viên mong muốn mà cả văn hóa doanh nghiệp mà họ không mong muốn. Sự tương phản tạo ra ý nghĩa đối với trò chơi này.
Cách chơi:
Đặt câu hỏi thảo luận: Bạn yêu thích văn hóa của doanh nghiệp nào? Hãy yêu cầu các thành viên trong nhóm ghi tên những doanh nghiệp có văn hóa đặc sắc mà họ yêu thích vào khung hình trái tim kèm lí do. Cùng với đó, với những doanh nghiệp bạn cho rằng mô hình văn hóa của họ không phù hợp, hãy ghi tên doanh nghiệp đó kèm những đặc điểm không thích vào các khung hình giọt nước. Việc phân biệt hai khu vực theo hình dạng của các khung hình sẽ giúp bạn có được bức tranh tổng quát những giá trị mà nhân viên muốn học tập và cả các yếu tố cân nhắc loại bỏ.
4. “Tìm điểm cân bằng”
Nếu văn hóa doanh nghiệp chưa được định hình hoặc có nhiều điểm mâu thuẫn trong các giá trị có tính chất nền tảng, hãy thử chơi trò chơi sau.
Cách chơi:
Nghĩ về những cặp giá trị đối lập đang tồn tại trong công ty bạn. Ví dụ như “Khiêm tốn” – “Tự tin” hay “Cẩn trọng” – “Quyết liệt”. Xếp cặp giá trị này song song với nhau, nối với nhau bởi một cây cầu.
Sau đó, hãy nghĩ về những câu chuyện thành công của doanh nghiệp, trong những thời điểm khó khăn, cam go nhất, giá trị nào đã giúp họ chiến thắng. Hãy đánh dấu điểm cân bằng giữa cặp giá trị để biết rằng văn hóa tổ chức bạn đang nghiêng về giá trị nào!
5. “Ngôi sao văn hóa”
Trò chơi này thích hợp để bạn xác định ra những hành vi, cách thức ứng xử chuẩn mực của doanh nghiệp. Với việc nghiên cứu các hành vi, ứng xử từ những cá nhân xuất sắc nhất, bạn có thể định hình được chuẩn hành vi cho doanh nghiệp.
Cách chơi: Ai là những “ngôi sao văn hóa” trong công ty bạn? Nếu lựa chọn một người đại diện, hãy mô tả người đó qua các thông tin như: Kinh nghiệm từ công việc trước đó hoặc từ bên ngoài nào đã rèn luyện họ trở thành một người như hôm nay; Tầm ảnh hưởng của họ đem lại những kết quả gì cho công ty; Hành vi nào khiến họ phù hợp với văn hóa tổ chức; Hành vi nào khiến họ trở nên nổi bật hơn; Một thành tựu lớn đã đưa họ trở thành “ngôi sao văn hóa”; Một chi tiết nhỏ có thể bạn chưa biết về họ là gì?
6. “Điền vào ô trống”
Bằng cách để nhân viên nhận định câu chuyện theo cách riêng của mỗi người, trò chơi sau đây sẽ phù hợp cho doanh nghiệp đang cần tìm những nét riêng biệt để văn hóa của tổ chức trở nên độc đáo.
Cách chơi: Trò chơi được thiết kế đơn giản như một trò điền từ vào ô trống, theo đó, người chơi sẽ được cung cấp một câu chuyện doanh nghiệp với những ô chữ đã được lược bỏ. Nhiệm vụ của người chơi là sẽ dùng mọi ngôn từ phù hợp để điền vào các ô trống này sao cho câu chuyện trở nên có nghĩa.
Hãy để Blue C “demo” cho bạn như dưới đây nhé. Trước khi đọc lời giải, hãy thử tự điền vào những ô trống sau để xem “câu chuyện văn hóa” của công ty bạn sẽ mang màu sắc nào!
Còn đây là “câu chuyện văn hóa” của Blue C qua góc nhìn của một tân binh, bạn có thể tham khảo:
Xin chào. Tôi là Kim, đến từ Blue C. Bạn biết không, tôi mới gia nhập Blue C được một tháng nay thôi, nhưng thời gian qua tôi đã có nhiều trải nghiệm rất thú vị.
Tuần trước, tôi được tham gia một buổi “văn nghệ” diễn ra vào thứ 6 hàng tuần. Đây không phải một buổi văn nghệ bình thường để mọi người ca hát, nhảy múa, mà đó là một buổi để mỗi nhân viên trở thành một “huấn luyện viên” nghiệp dư giới thiệu về một chủ đề mà mình yêu thích. Đó có thể là một buổi chia sẻ về phim ma, hoặc một buổi giới thiệu về lịch sử hoặc đôi khi đơn giản chỉ là một buổi chơi các trò chơi tập thể. Qua những buổi “văn nghệ” như vậy, tôi cảm thấy Blue C gần gũi hơn và những anh chị đồng nghiệp dù mới quen những vẫn thoải mái như những người bạn.
Tại Blue C, mọi người có thể thoải mái làm những việc mà mình thích, miễn là không trái với một số khuôn phép cơ bản của công ty là được. Nếu thích đổi chỗ ngồi ra nơi có view hồ, bạn có thể mang laptop ra đó mà không ai cản. Nếu thi thoảng ngồi một chỗ hơi chán, bạn có thể chạy từ phòng này sang phòng kia, nói vài câu chuyện phiếm. Lúc đó, tôi cảm thấy nếu để hỏi lý do vì sao lựa chọn nơi này để làm việc, có lẽ đó chính là nhờ văn hóa thoải mái với nhân viên tại Blue C.
Kim Oanh
(Nguồn tham khảo: Xplane)
Bài viết liên quan:
Cách tốt nhất để thay đổi văn hóa doanh nghiệp
Văn hóa doanh nghiệp hướng tới hiệu suất cao