Làm thế nào để giá trị cốt lõi “sống” cùng doanh nghiệp?

Làm thế nào để giá trị cốt lõi “sống” cùng doanh nghiệp?

Thay vì những giá trị cốt lõi được truyền bá bằng vài dòng thông tin trên website của doanh nghiệp, hãy tìm cách để những giá trị đó thực sự “sống” cùng doanh nghiệp và mang lại những hiệu quả tích cực cho chính nhân viên trong tổ chức.

“Giá trị cốt lõi” được coi là nền tảng ngầm định của văn hóa doanh nghiệp. Nó thường được định nghĩa là các nguyên tắc và niềm tin thúc đẩy hành vi của tất cả các thành viên trong một tổ chức. Thông qua giá trị này, các đối tác sẽ có cơ sở để đặt niềm tin vào những kế hoạch hợp tác với doanh nghiệp, khách hàng có thể yên tâm sử dụng dịch vụ, sản phẩm của doanh nghiệp và nhân viên sẽ làm việc tốt hơn và gắn bó, tin tưởng công ty nhiều hơn.

Những năm 1990, nhiều doanh nghiệp cho rằng chỉ cần in những giá trị cốt lõi dán lên tường, in lên cốc uống nước… là có thể truyền tải được nội dung và mọi nhân viên sẽ biết. Song từ “biết” đến “hiểu” và “hành động” theo giá trị cốt lõi lại là một con đường rất dài và rất xa…

Nhiều năm trước, một CEO của một Start-up có tiếng ở thung lũng Silicon đã từng dán những giá trị cốt lõi của doanh nghiệp lên các bức tường trong không gian làm việc hiện đại của họ. Tuy nhiên, tính minh bạch – một trong những giá trị cốt lõi được họ phô bày lại không được thực thi một cách đúng đắn. Khi những vấn đề tài chính của công ty trục trặc thì vị CEO lại lựa chọn im lặng là giải pháp. “Chúng tôi minh bạch một số thứ nhưng không phải là tài chính và tôi nghĩ là nhân viên cũng không muốn biết thông tin này.” – Vị CEO trẻ nói.

Rob Dube, đồng sáng lập của imageOne cũng từng chia sẻ trên Forbes về quá trình đi tìm giá trị cốt lõi đích thực cho doanh nghiệp của mình. Trong vòng 10 năm kinh doanh, dù có khá nhiều thành công nhưng lãnh đạo của imageOne vẫn chưa dành thời gian để cùng nhau nói về những giá trị thực của doanh nghiệp. Và khi họ quyết tâm đi tìm những giá trị đó thì nhiều thay đổi đã diễn ra: nhiều nhân viên ra đi do không phù hợp với văn hóa doanh nghiệp, doanh thu sụt giảm, quá trình chuyển đổi mua đi và bán lại của công ty… Song,việc xác định rõ ràng về  giá trị “sống” cùng imageOne đã giúp ImageOne của ngày nay trở thành một trong 25 doanh nghiệp nhỏ tốt nhất nước Mỹ 2015 và có những tăng trưởng vượt bậc.

ImageOne của ngày nay trở thành một trong 25 doanh nghiệp nhỏ tốt nhất nước Mỹ 2015 và có những tăng trưởng vượt bậc.

Một câu chuyện khác là công ty bia Anchor Brewing với phương châm sống có trách nhiệm và tin tưởng vào nhau. Trong cuốn “Những người khổng lồ bé nhỏ” của tác giả Small Giants, ông Fritz Maytag – Chủ sở hữu kiêm CEO Anchor Brewing đã từng chia sẻ: “Khi tôi mua lại công ty Anchor Brewing, tôi muốn nó sẽ trở thành một nơi mà mọi người mong muốn được làm việc. Tôi cố gắng tạo ra môi trường làm việc hăng hái, một môi trường có sự hợp tác thân thiện chứ không phải toàn cạnh tranh, đấu đá nhau.” Các nhân viên trong nhà máy làm công việc sản xuất bia đều thấm nhuần tư tưởng và những giá trị cốt lõi ngay từ ban đầu. Với những người mới nếu không phát huy được năng lực thì họ cũng sẽ tự nguyện rời đi, đơn giản vì họ không thể làm được lâu trong một công ty nhỏ nếu không có sự hỗ trợ từ đồng nghiệp. Hàng năm, Fritz Maytag cho nhân viên đi du lịch châu Âu trong khoảng hai tuần. Họ sẽ được đi thăm các nhà máy nhỏ và tham gia các khóa học về sản xuất bia để nâng cao chuyên môn và giúp họ hiểu thêm sự khác nhau giữa các loại bia có chất lượng, kém chất lượng và bia tuyệt hảo.

Đây là những minh họa rõ ràng về tính thiết thực của giá trị cốt lõi trong mỗi doanh nghiệp. Đối với các lãnh đạo, việc điều hành một doanh nghiệp như thế nào để các giá trị cốt lõi đó thực sự song hành trong mọi quá trình chuyển đổi của doanh nghiệp là một thách thức lớn.

Dưới đây là những gợi ý để các doanh nghiệp áp dụng, để những giá trị cốt lõi thật sự giúp thu hút nhân tài và tạo nên nét văn hóa khác biệt của doanh nghiệp khiến nhân viên muốn gắn bó và đóng góp nhiều hơn.

  1. “Nói đi đôi với làm”

Hãy chắc chắn việc “tuyên truyền đi đôi với hành động”. Nếu giá trị cốt lõi của doanh nghiệp là “kỷ luật” song chính lãnh đạo lại không tuân thủ theo đúng nguyên tắc này thì nhân viên sẽ không phục và làm theo.

Một hệ thống giá trị cốt lõi quan trọng nhất vào những thời khắc khó khăn nhất của doanh nghiệp. Khi sóng yên biển lặng, thật dễ dàng để nói và thực hiện theo những nguyên tắc đã định sẵn. Nhưng khi giông tố ập đến, đó là lúc những giá trị cốt lõi phải thực sự được áp dụng triệt để trong doanh nghiệp.

  1. Đào tạo về giá trị cốt lõi

Hãy đào tạo chính thức để giúp nhân viên hiểu được về các giá trị cốt lõi của công ty và lý do khiến doanh nghiệp lựa chọn những giá trị đó trước khi bắt đầu công việc tại đây. Đó là những bước đầu tiên giúp nhân viên hòa nhập được với văn hóa doanh nghiệp và thực thi theo giá trị cốt lõi của doanh nghiệp.

Zappos đã từng có một cuốn sách mang tên “Zappos Culture Book” (Sách văn hóa Zappos), được cập nhật thường xuyên và bao gồm hàng trăm lời bình luận và bài viết của nhân viên và chủ cửa hàng tại Zappos về văn hóa công ty, tại sao nó lại quan trọng, và làm thế nào nó lại ảnh hưởng tới những điều mà họ làm hàng ngày. Cuốn sách này ban đầu được dự tính như một công cụ huấn luyện dành cho nhân viên và đối tác mới, nhưng mức tiêu thụ của cuốn sách đã nằm ngoài vòng tròn nội bộ đó.

  1. Truyền thông trên mọi “mặt trận”

Củng cố thông tin về giá trị cốt lõi trên tất cả các kênh truyền thông nội bộ từ Bản tin nội bộ, mạng xã hội hay các cuộc họp trực tiếp… Đây là cách giúp mọi người có thể nhớ và biết được việc thực thi giá trị cốt lõi trong doanh nghiệp mình ra sao.

  1. Công nhận và khen thưởng

Có nhiều để cách nhận biết và khen thưởng các hành vi tốt, đúng theo giá trị cốt lõi như tiền thưởng, ưu đãi riêng, công nhận bằng văn bản hay nêu danh trên bản tin nội bộ…

  1. Thống nhất từ trong ra ngoài

Khi làm việc với khách hàng, hãy cố gắng áp dụng giá trị cốt lõi trong quá trình làm việc. Như vậy, giá trị cốt lõi của doanh nghiệp sẽ gắn với những trải nghiệm của khách hàng. Ngược lại, đối với nội bộ, những thông tin được truyền thông với khách hàng về quy trình làm việc, các tài liệu tiếp thị cũng phải được truyền đạt đồng nhất từ bên trong.

  1. Lấy giá trị cốt lõi làm quy chuẩn tuyển dụng

Chọn ứng viên phù hợp với văn hóa của tổ chức bạn cũng quan trọng không kém quá trình tìm kiếm ứng viên phù hợp về kỹ năng chuyên môn và kinh nghiệm. Điều gì khiến doanh nghiệp bạn khác với những doanh nghiệp khác, điều gì giúp các ứng viên sẽ lựa chọn doanh nghiệp bạn chứ không phải doanh nghiệp đối thủ làm nơi bắt đầu? Hãy giúp các ứng viên trả lời câu hỏi đó bằng cách truyền tải đến họ những giá trị của doanh nghiệp.

Thực tế đã chứng minh, đa phần các ứng viên khi ứng tuyển vào một công ty nào đó họ đều rất quan tâm đến “tiếng tăm”, hình ảnh doanh nghiệp, các giá trị về đạo đức xã hội, bản sắc văn hóa đặc trưng của công ty, tham khảo mức độ hài lòng của những người đã từng làm việc nơi đây… Việc lấy những giá trị cốt lõi làm quy chuẩn không chỉ có lợi trong quá trình tuyển dụng mà còn tạo ra được nền tảng vững chắc để giữ chân nhân viên, đặc biệt là những người tài.

  1. Đánh giá hiệu quả công việc dựa trên giá trị cốt lõi

Khi bạn đã lựa chọn được nhân viên phù hợp, bạn đào tạo họ cách để họ có thể sống cùng các giá trị đó thì việc đánh giá hiệu quả công việc dựa trên những giá trị cốt lõi của doanh nghiệp cũng là điều cần thiết. Quá trình đánh giá này sẽ giúp bạn kiểm tra được mức độ thành công của việc thực hành giá trị cốt lõi trong doanh nghiệp.

  1. Sẵn sàng sa thải nếu vi phạm

Khi một nhân viên luôn cố tình làm sai với những yêu cầu bắt buộc, những nguyên tắc làm việc của doanh nghiệp đó thì sẽ rất ảnh hưởng đến hiệu suất của cá nhân họ cũng như ảnh hưởng đến hiệu suất của công ty. Hãy nhớ, mỗi nhân viên là đại diện thương hiệu của doanh nghiệp, vì thế họ phải chịu trách nhiệm với giá trị, sứ mệnh và tầm nhìn của tổ chức khi họ đại diện cho công ty.

Mai Trinh

(Nguồn tham khảo: Inc, Forbes, SmallGiantsbook)

Bài viết liên quan:

Cách tốt nhất để thay đổi văn hóa doanh nghiệp

Ba câu hỏi giúp hoàn chỉnh một kế hoạch truyền thông nội bộ

Điểm mặt 4 nhóm nhân tố “trụ cột” để hoạt động truyền thông nội bộ đạt hiệu quả

 

Bài Viết Liên Quan