Ứng viên quan tâm điều gì khi tìm việc?

Ứng viên quan tâm điều gì khi tìm việc?

Đề xuất giá trị nhân viên (Employee Value Proposition – EVP) không còn là khái niệm xa lạ trong ngành tuyển dụng. EVP không chỉ là “thỏi nam châm” thu hút các ứng viên tiềm năng mà còn gia tăng lòng trung thành, động lực của đội ngũ nhân sự hiện tại. 

Blue C giới thiệu 6 khung yếu tố quan trọng giúp xác định chính xác các giá trị hấp dẫn ứng viên. 

Danh tiếng công ty

Danh tiếng là cách mọi người xung quanh nghĩ và cảm nhận về doanh nghiệp của bạn. Nó được tạo dựng và tích lũy dần từ cách hành xử của doanh nghiệp với các đối tượng liên quan bao gồm khách hàng tiềm năng, nhân viên nội bộ, nhân viên tiềm năng, các đối tác, nhà đầu tư, cộng đồng xã hội…

75% ứng viên thường tìm hiểu về danh tiếng công ty trước khi nộp hồ sơ ứng tuyển, theo nghiên cứu của LinkedIn. Và thậm chí ứng viên không nhận việc ở một công ty có danh tiếng xấu ngay cả khi họ thất nghiệp. Danh tiếng công ty thể hiện qua các yếu tố như minh bạch, luôn hướng đến khách hàng, có thương hiệu thành công, có trách nhiệm với môi trường, xã hội, có quy mô, tiềm lực tài chính lớn.

Một doanh nghiệp có “tai tiếng” xấu trong quá khứ có thể khiến ứng viên dè dặt hơn khi lựa chọn.

Cơ hội phát triển

Đôi khi ứng viên chuyển sang một vị trí mới không chỉ vì những nhiệm vụ tại thời điểm đó mà họ còn đang suy nghĩ đến công việc mong muốn trong tương lai và con đường thăng tiến của họ. Bởi một nhân viên giỏi sẽ có tinh thần cầu tiến, không chịu “dậm chân tại chỗ” ở một vị trí, làm một công việc lặp đi lặp lại.

Một doanh nghiệp chú trọng lộ trình phát triển rõ ràng, tạo điều kiện học hỏi, phát triển, tạo ra các sân chơi, cơ hội thử thách mới sẽ là “điểm đến” lý tưởng cho những người tài.

Người giỏi luôn mong muốn được hỏi hỏi, phát triển hơn thay vì chỉ làm những việc lặp đi lặp lại.

Đội ngũ lãnh đạo, quản lý

Để thu hút nhân tài gia nhập tổ chức không thể không kể đến vai trò của những người sếp, là những tấm gương để mọi người noi theo. Đội ngũ quản lý, lãnh đạo có năng lực, có phẩm chất tốt sẽ đưa doanh nghiệp đi đúng hướng, biết cách chọn và dùng người phù hợp. Khi nhân viên được trao quyền, nhận được những phản hồi về công việc, họ sẽ phát triển hơn, đạt được những thành quả và cam kết gắn bó hơn với tổ chức. Ngược lại, nếu người sếp luôn tạo khoảng cách, tỏ thái độ và ít giao tiếp sẽ khiến nhân viên chán nản, mất động lực và bỏ cuộc.

Lãnh đạo, quản lý có năng lực, phẩm chất là tấm gương để nhân viên noi theo.

Lương, thưởng và phúc lợi 

Một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu khi ứng viên cân nhắc lựa chọn công việc là lương, thưởng, phúc lợi. Cụ thể nó bao gồm mức lương cạnh tranh so với thị trường, là những phần thưởng, giải thưởng khi hoàn thành xuất sắc công việc hay những quyền lợi bảo hiểm hoặc chính sách nghỉ phép. Hệ thống đánh giá công bằng, dựa trên hiệu suất làm việc cũng ảnh hưởng đến mức độ hài lòng của họ. 

Sự hài lòng về thu nhập ở mỗi thế hệ là khác nhau, trong đó nhóm nhân viên trẻ thường đánh giá cao tầm quan trọng của các yếu tố này hơn nhóm lớn tuổi.

Thu nhập hàng tháng không còn là mục tiêu duy nhất của người đi làm.

Văn hoá và môi trường làm việc

Ngoài những yếu tố hữu hình như lương, thưởng, phúc lợi, để nhân viên gắn bó lâu dài với tổ chức đòi hỏi cần có “quyền lực mềm” là văn hóa, môi trường làm việc. Một nền văn hóa lành mạnh, khuyến khích cộng tác sẽ kết nối các thành viên chặt chẽ, phá vỡ “khối silo” trong nội bộ. Một tập thể đa dạng, hòa nhập, tôn trọng sự khác biệt sẽ tạo tâm lý an toàn để nhân viên sẵn sàng cống hiến. Xây dựng đội ngũ nhân sự có cùng chí hướng với những giá trị cốt lõi của doanh nghiệp sẽ giúp thu hút và giữ chân nhân tài hiệu quả. 

Một thương hiệu tuyển dụng mạnh nhưng nền tảng văn hóa không vững chắc sẽ khiến ứng viên e dè nhưng nếu văn hóa tích cực và phát triển sẽ thu hút ứng viên và thậm chí gắn kết đội ngũ lâu dài.

Môi trường làm việc lành mạnh, hợp tác sẽ thúc đẩy năng suất làm việc hiệu quả.

 

Sự cân bằng công việc và cuộc sống

Không phải doanh nghiệp nào cũng có đủ tiềm lực để triển khai chính sách ưu đãi vật chất. Và vấn đề thu nhập không phải là mục tiêu duy nhất để nhân viên đi làm ngày nay. Thế hệ nhân viên mới đang có xu hướng tìm kiếm sự cân bằng công việc và cuộc sống nhiều hơn. 73% người lao động đánh giá sự cân bằng công việc và đời sống là yếu tố quan trọng nhất khi quyết định nhận một công việc mới, theo nghiên cứu thị trường lao động Việt Nam của Grove HR năm 2022.

Kể từ sau biến động của đại dịch COVID-19, các doanh nghiệp cung cấp nhiều lựa chọn làm việc linh hoạt hơn, chẳng hạn cho phép làm việc từ xa, thay đổi lịch làm việc linh hoạt, thêm quyền lợi cho những người làm cha mẹ. Tuy nhiên, không có công thức cụ thể nào cho mỗi doanh nghiệp. Những gia đình có con nhỏ chắc chắn mong muốn nhu cầu khác với những bạn mới ra trường, bởi vậy doanh nghiệp sẽ cần đưa ra các chính sách phù hợp với từng nhóm đối tượng khác nhau.

Nhân viên trong tương lai có xu hướng cân bằng công việc và cuộc sống thay vì “lao đầu” vào làm việc như thế hệ cũ.

Một số ví dụ EVP thành công điển hình

Google

Thông điệp của Google: “Cách chúng tôi chăm sóc cho nhân viên Google”

Google là một trong những cái tên xuất hiện đầu tiên khi nói đến thương hiệu tuyển dụng. Công ty dành hẳn một trang riêng để chia sẻ về các quyền lợi mà Googler nhận được. EVP của Google tập trung vào 6 khía cạnh:

  • Sức khỏe và hạnh phúc: Giữ cho nhân viên Google khỏe mạnh là ưu tiên của chúng tôi.
  • Phúc lợi tài chính: Cung cấp chế độ lương thưởng và các chương trình đảm bảo nhân viên an tâm về mặt tài chính.
  • Sự linh hoạt và thời gian nghỉ: Thời gian bạn cần nạp năng lượng, và sự linh hoạt để hoàn thành công việc của mình một cách tốt nhất.
  • Hỗ trợ và chăm sóc gia đình: Cách chúng tôi hỗ trợ những người thân yêu của bạn.
  • Phát triển cộng đồng và cá nhân: Cung cấp không gian và cơ hội để phát triển – của riêng bạn và với đồng đội của bạn.
  • Các quyền lợi khác: Lập trình, không gian và tài nguyên để hỗ trợ sự phát triển, năng suất và sức khỏe của bạn.

Hubspot

Thông điệp của Hubspot: “Công việc tốt nhất của bạn bắt đầu từ đây”

  • Không có nhóm khống chế 
  • Mọi người đều được trao quyền tự chủ
  • Các quan điểm đa dạng đều được tôn vinh 
  • Nhân viên được đối xử như con người, không phải danh mục hàng hóa 

Thông điệp của Hubspot không phải là lời hứa suông mà mang đến nhiều đãi ngộ “hào phóng” cho người lao động như thời gian nghỉ phép không giới hạn, cho phép làm việc từ xa hoàn toàn, kỳ nghỉ phép sau 5 năm, quyền lợi cho người làm cha mẹ…

Cân bằng công việc và cuộc sống là ưu tiên hàng đầu của Hubspot. Công ty luôn hỗ trợ để nhân viên trở thành phiên bản tốt nhất. Điều đó thể hiện ngay cả việc chú trọng tính đa dạng, hòa nhập tại nơi làm việc.

Nike

“Chiến thắng với tư cách một đội” là thông điệp của Nike muốn truyền tải đến các ứng viên. Thông điệp ngắn gọn nhưng đủ mạnh và đúng chất một công ty về lĩnh vực thể thao như Nike.  Điều này được thể hiện qua tất cả các quyền lợi và trải nghiệm hàng ngày tại Nike. Văn hóa của Nike khuyến khích tinh thần đồng đội để đạt được sự đổi mới trong ngành thể thao. Nike cũng mang đến đặc quyền cho nhân viên với cách tiếp cận như vậy như giảm chi phí tập luyện, phúc lợi tái định cư, mức lương cạnh tranh, kế hoạch nghỉ hưu và những cơ hội học tập mở.

Viettel IDC

Là doanh nghiệp đi đầu triển khai cung cấp các dịch vụ hạ tầng và điện toán đám mây tại Việt Nam, Viettel IDC mong muốn tìm kiếm các ứng viên có trình độ cao để đáp ứng tốc độ phát triển và hướng đến xây dựng thương hiệu tuyển dụng mạnh trong lâu dài. Với thông điệp “Dẫn dắt sự thay đổi cùng Viettel IDC”, EVP của Viettel nhấn mạnh 4 yếu tố: 

  • Dẫn dắt ngành dữ liệu và điện toán đám mây 
  • Khám phá giá trị của chính bạn 
  • Tưởng thưởng xứng đáng cho những nỗ lực xứng tầm 
  • Cộng hưởng sức mạnh đội nhóm 

Vân Anh

Bài Viết Liên Quan