Sự khác biệt của các thế hệ tại nơi làm việc
Thấu hiểu sự khác biệt của mỗi thế hệ sẽ giúp doanh nghiệp tìm ra giải pháp phù hợp thúc đẩy tinh thần làm việc của các thành viên, bất kể phong cách làm việc, từ đó giúp tăng tỉ lệ giữ chân nhân sự.
BABY BOOMERS
Thế hệ Baby Boomers là những người được sinh ra từ năm 1946 đến 1964 bởi sau khi Chiến tranh thế giới thứ 2 kết thúc, tỉ lệ sinh trên toàn thế giới tăng vọt, dẫn đến thời kì bùng nổ trẻ sơ sinh.
Do sự gia tăng dân số nhanh chóng nên khi đến độ tuổi lao động, thế hệ baby boomers phải đối mặt mức cạnh tranh việc làm lớn nên họ làm việc rất chăm chỉ và có tham vọng cao trong công việc. Thế hệ này không ngại mạo hiểm để thử thách bản thân, theo đuổi những mục tiêu. Họ coi sự thành công trong sự nghiệp là một trong những điều quan trọng nhất để thể hiện giá trị của bản thân, bởi vậy cơ hội thăng tiến được đề cao hơn cả.
Đồng thời sự nỗ lực đạt vị trí cao hơn cũng thôi thúc họ trở thành người chỉ dẫn cho những thế hệ sau.
Tư duy đặt công việc lên hàng đầu của những nhân viên baby boomers điển hình dẫn đến khó khăn trong việc tìm kiếm sự cân bằng giữa cuộc sống và công việc. Đồng thời, họ quen thuộc với bầu không khí làm việc nghiêm túc, quy tắc hơn là môi trường tự do, linh hoạt hiện đại.
GEN X
Gen X (1965 – 1980) có vai trò lớn trong việc thay đổi nơi làm việc truyền thống.
Gen X đề cao sự thoải mái và có tính độc lập cao nên một môi trường làm việc linh hoạt, đẩy mạnh năng suất sẽ quan trọng hơn số giờ làm việc. Họ tập trung tìm kiếm giải pháp hiệu quả, đổi mới trong cả công việc, cuộc sống cá nhân và đề cao quyền tự chủ, cố vấn tại nơi làm việc.
Bởi hệ quả từ các thế hệ trước làm việc kiệt sức nên những nhân viên thuộc Gen X coi trọng việc cải thiện kỹ năng và phát triển bản thân hơn là sự trung thành với công ty. Họ góp công lớn trong việc đưa ra khái niệm cân bằng công việc – cuộc sống.
Đây cũng là thế hê mở đầu cho xu hướng khởi nghiệp đang ngày một phổ biến hơn hiện nay. Họ rất tự tin vào kỹ năng lãnh đạo của mình và tin rằng rủi ro sẽ được đền đáp bằng những cải tiến, đổi mới khác.
GEN Y (MILLENNIALS)
Millennials (1981-1996) là thế hệ đầu tiên thực sự lớn lên cùng với thời đại của những tiến bộ công nghệ. Đây được coi là thế hệ chủ lực, được đào tạo tốt nhất và phát triển nhanh nhất trong lực lượng lao động ngày nay.
Gen Y tìm kiếm những công việc có ý nghĩa cho phép họ có thể phát triển và sáng tạo. Họ có xu hướng trải nghiệm làm việc ở nhiều nơi để tìm kiếm môi trường thực sự phù hợp với bản thân.
Nhân viên thế hệ Y am hiểu công nghệ, kỹ thuật số và biết cách sử dụng các giải pháp thông minh để thúc đẩy hiệu quả công việc. Đặc biệt, so với Gen X, thế hệ Millennials thậm chí đặt nặng nhu cầu cá nhân hơn yêu cầu của tập thể.
Ngoài ra, những nhân viên thuộc thế hệ này coi trọng sự hợp tác và sẵn sàng đón nhận các ý kiến phản hồi. Bởi vậy đào tạo kỹ năng, cố vấn hay phản hồi từ công ty ảnh hưởng lớn đến trải nghiệm của những lao động thế hệ X.
Nếu như Gen Z tạo tiền đề xây dựng môi trường làm việc thoải mái thì Gen Y mong muốn yếu tố đó đã có sẵn trong tổ chức khi họ đến làm việc. Gen Y cũng không ngừng thử thách và mong muốn được trao quyền nhiều hơn để giải quyết những thách thức tại nơi làm việc.
GEN Z
Các cá nhân thuộc thế hệ Z là những người sinh từ 1997-2015 và chỉ mới gia nhập lực lượng lao động.
Được tiếp xúc với công nghệ, internet, tin tức, phương tiện truyền thông xã hội từ sớm nên Gen Z đề cao tiếng nói, quan điểm cá nhân và coi trọng trách nhiệm xã hội, tính đa dạng trong tổ chức. Đồng thời một môi trường làm việc với các công nghệ hiện đại, hỗ trợ cho công việc, phát triển rất quan trọng đối với họ.
Những biến động mạnh mẽ về xã hội lẫn chính trị hay suy thoái kinh tế khiến Gen Z đưa ra các lựa chọn an toàn hơn, coi trọng tiết kiệm tiền hơn là được trải nghiệm nhiều như thế hệ Y. Họ vừa mong muốn có thu nhập, phúc lợi ổn định, vừa muốn có môi trường làm việc linh hoạt về địa điểm và thời gian.
Sinh ra trong một thế giới tin tức luôn được cập nhật liên tục nên Gen Z xử lý thông tin nhanh hơn các thế hệ khác. Thói quen sử dụng các thiết bị di động từ sớm khiến Gen Z có khả năng làm việc đa nhiệm tốt hơn. Họ có thể nhanh chóng chuyển đổi trạng thái làm việc và giải trí, thực hiện “hàng tá” công việc chẳng liên quan đến nhau.
Thu Hoài, Vân Anh
(Tổng hợp)
Bài đọc thêm:
Giao tiếp hiệu quả hơn trong doanh nghiệp nhiều thế hệ
Thu hẹp khoảng cách giới trong doanh nghiệp
Doanh nghiệp nên làm gì để xây dựng môi trường làm việc đa dạng và hòa nhập?