Toàn cảnh Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam 2024 

Toàn cảnh Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam 2024 

Ngày 30/12/2024, Blue C chính thức công bố “Báo cáo Đo lường mức độ trưởng thành thực thi Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam 2024 và Xu hướng 2025”. Báo cáo được thực hiện dựa trên khảo sát 206 doanh nghiệp Việt Nam thuộc 13 ngành nghề, mang đến cái nhìn toàn cảnh về thực trạng văn hóa doanh nghiệp trong năm qua. Đặc biệt, báo cáo năm nay cung cấp những thông tin nổi bật về văn hóa số và dự báo xu hướng văn hóa doanh nghiệp trong năm 2025.

XEM VÀ TẢI BÁO CÁO BẢN ĐẦY ĐỦ TẠI ĐÂY

Contents

Tổng quan mức độ trưởng thành văn hóa doanh nghiệp

Trong năm 2024, đa số các doanh nghiệp tham gia khảo sát (46.12%) có mức độ trưởng thành ở cấp độ 3 – Cấp độ Thiết kế. Ở cấp độ này, doanh nghiệp đã định hình nền tảng cốt lõi (Tầm nhìn, Sứ mệnh, Giá trị cốt lõi) và bắt đầu xây dựng các kế hoạch hành động để biến những nguyên tắc, niềm tin, giá trị doanh nghiệp tin tưởng thành hiện thực. 

Mức độ trưởng thành thực thi văn hóa doanh nghiệp 2024

Đa số các doanh nghiệp có mức độ trưởng thành thực thi văn hóa ở cấp độ 3

Tuy nhiên, khoảng cách giữa kế hoạch và các hành động cụ thể để áp dụng văn hóa doanh nghiệp vào quy trình tổ chức và chuyển hóa nhận thức thành các hành động thực tiễn vẫn còn khá xa, cụ thể:

  • Hơn 50% doanh nghiệp chưa xây dựng bộ chuẩn hành vi cụ thể gắn với giá trị cốt lõi để hướng dẫn cụ thể cho người lao động.
  • Trong số 46.11% doanh nghiệp đã xây dựng chuẩn hành vi, chỉ có 11.16% doanh nghiệp thực hành các chuẩn hành vi trong thực tế công việc hàng ngày.

Bên cạnh đó, việc lồng ghép văn hóa doanh nghiệp vào các quy trình nhân sự còn nhiều hạn chế:

  • 67% chưa thực hiện kiểm tra sự phù hợp của ứng viên với VHDN của tổ chức (thông qua giá trị cốt lõi) trong quá trình tuyển dụng. 
  • 76.21% chỉ đánh giá nhân viên dựa trên kết quả công việc, mà chưa đánh giá mức độ thể hiện các giá trị cốt lõi.
  • 77.67% chỉ tập trung khen thưởng qua các sự kiện phong trào, chưa chú trọng đến hành vi hàng ngày phản ánh giá trị văn hóa.

Thiếu nhân lực thực thi và thiếu phương pháp, kỹ năng triển khai hiệu quả tiếp tục là 2 khó khăn lớn nhất trong xây dựng VHDN. Tỷ lệ doanh nghiệp gặp 2 khó khăn trên tăng so với 2023, lần lượt là 9.83% và 5.66%. Riêng khó khăn do không đo lường được VHDN (top 2 khó khăn của năm 2023) được cải thiện rõ rệt trong năm nay (giảm 10.03%).

Gia tăng trải nghiệm nhân viên; Thúc đẩy tinh thần học mới, biến công ty thành một tổ chức học tập; Tạo dựng môi trường đổi mới sáng tạo sẽ là 3 mục tiêu ưu tiên của đa số các doanh nghiệp trong việc phát triển văn hóa năm 2025.

Những điểm sáng trong thực thi văn hóa doanh nghiệp

Điểm sáng đầu tiên năm 2024 đó là tỷ lệ các doanh nghiệp có mức độ trưởng thành văn hóa ở cấp độ 1 và 2 (2 cấp độ thấp nhất trong thang đo 6 cấp độ) giảm rõ rệt (giảm 7.03%), dịch chuyển dần sang nhóm cấp độ 3 (tăng 12.79%). Điều này cho thấy, các doanh nghiệp ngày càng quan tâm đến văn hóa tổ chức, thể hiện rõ nhất ở nhận thức của lãnh đạo về tầm quan trọng của VHDN và việc định hình nền tảng VHDN. 

Ngoài ra, đầu tư cho đào tạo VHDN cũng tăng so với 2023, đặc biệt đào tạo khi có sự thay đổi về VHDN (tăng 3.31%) và đào tạo định kỳ nâng cao nhận thức và kỹ năng đối với tất cả các nhóm đối tượng (tăng 2.66%).

Kế đến là kết quả ấn tượng của nhóm ngành Tài chính – Ngân hàng – Bảo hiểm về mức độ trưởng thành trong thực thi văn hóa doanh nghiệp. Các doanh nghiệp thuộc nhóm này tiếp tục dẫn đầu bảng xếp hạng với mức điểm trung bình 51.65 điểm, tương đương với cấp độ 4 (cấp Quản lý). Trong đó, nhận thức lãnh đạo về VHDN, mức đầu tư ngân sách và mức độ thể hiện các yếu tố văn hóa trên không gian vật lý là 3 tiêu chí thể hiện rõ nét nhất, tất cả đều ở trên mức 4 điểm.

Tăng 2.27 điểm so với năm 2023, ngành Tài chính – Ngân hàng – Bảo hiểm tạo ra sự cách biệt lớn so với các doanh nghiệp khác. Cụ thể, tuy cùng cấp độ 4 nhưng nhóm ngành này cao hơn nhóm ngành Du lịch – Khách sạn gần 2 điểm, cao hơn nhóm ngành Dịch vụ 9.06 điểm, và hơn các nhóm ngành còn lại từ 10 – 15 điểm.

Kết quả đo lường mức độ trưởng thành theo nhóm ngành

Đây là năm thứ 2 liên tiếp Tài chính – Ngân hàng – Bảo hiểm nằm ở vị trí dẫn đầu trong bảng xếp hạng 11 nhóm ngành.

Ngân sách đầu tư cho văn hóa tăng cũng là một tín hiệu tích cực, chứng tỏ lãnh đạo doanh nghiệp ngày càng nhận thức rõ vai trò quan trọng của văn hóa đối với sự phát triển của tổ chức. 26.21% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết họ có đủ, thậm chí dồi dào về ngân sách để triển khai các hoạt động VHDN với nhiều hình thức đa dạng (tăng 5.18% so với 2023). Khả quan hơn, có đến 44.94% doanh nghiệp cho biết dự kiến ngân sách cho VHDN sẽ còn tăng lên trong năm 2025.

Mức độ thể hiện của các đặc trưng văn hóa số 

Trong bối cảnh chuyển đổi số trở thành yêu cầu cấp thiết để các doanh nghiệp Việt duy trì lợi thế cạnh tranh, văn hóa số cũng nhận được sự quan tâm nhiều hơn. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại của năm 2024, mức độ thể hiện các đặc trưng của văn hóa số mới ở mức trung bình đến trung bình khá. Cho thấy, đa số doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong việc tạo ra một môi trường hỗ trợ và thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ trong tổ chức.

Điểm số đánh giá 5 đặc trưng văn hóa số gồm: Khách hàng là trung tâm, Định hướng dữ liệu, Đổi mới, Hợp tác, Phát triển bền vững dao động từ 3.21 – 3.70 điểm, trên thang điểm tối đa bằng 5. 

Mức độ thể hiện văn hoá số của tổ chức

Phát triển bền vững và Hợp tác là 2 đặc trưng có mức độ thể hiện ít rõ nét nhất. 

Nhận định về hiện trạng văn hóa số tại các doanh nghiệp nói chung, ông Lê Quang Vũ, CEO Blue C, Chuyên gia tư vấn Văn hóa doanh nghiệp, tác giả cuốn sách “Văn hóa số – Gỡ bỏ rào cản chuyển đổi số” cho biết: “Thực tế cho thấy nhiều doanh nghiệp vẫn đang gặp khó khăn trong việc tạo ra một môi trường hỗ trợ hợp tác và đổi mới. Những rào cản như sự thiếu liên kết giữa các phòng ban, sự dè dặt khi hợp tác với đối tác bên ngoài, hay việc chưa ưu tiên phát triển bền vững đều cần được khắc phục. Đây chính là cơ hội để các nhà lãnh đạo tiên phong định hình một nền văn hóa mạnh mẽ hơn, không chỉ để thúc đẩy sự đổi mới mà còn để gắn kết nhân sự, gia tăng hiệu suất và tạo giá trị dài hạn cho tổ chức”.

CEO Lê Quang Vũ

“Nhiều doanh nghiệp vẫn đang gặp khó khăn trong việc tạo ra một môi trường hỗ trợ hợp tác và đổi mới” – CEO Lê Quang Vũ

Các con số từ khảo sát đo lường cũng cho thấy cả 2 hành vi thuộc yếu tố Hợp tác gồm “Hợp tác giữa các phòng ban” và “Hợp tác với đối tác bên ngoài để giải quyết vấn đề của mình” đều nằm trong top hành vi có mức độ thể hiện thấp nhất. Điều này sẽ tạo ra sự cản trở khá lớn cho doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi số, cụ thể: Hợp tác giữa các phòng ban khó khăn, có thể dẫn đến tình trạng làm việc rời rạc và thiếu sự liên kết, cản trở sự linh hoạt và khả năng thích nghi của tổ chức trong môi trường kinh doanh số hóa. Còn thiếu hợp tác với các đối tác bên ngoài khiến doanh nghiệp không tận dụng được tối đa nguồn lực từ nhiều phía để hỗ trợ cho chuyển đổi số của doanh nghiệp.

Xét theo từng nhóm ngành, các doanh nghiệp thuộc 3 nhóm Tài chính – Ngân hàng – Bảo hiểm, Dịch vụ, Du lịch – Khách sạn là 3 nhóm ngành có mức độ thể hiện các đặc trưng Văn hóa số cao nhất, rõ nét nhất ở nét đặc trưng “Khách hàng là trung tâm” và “Định hướng dựa trên dữ liệu”.

Kết luận

Báo cáo Đo lường mức độ trưởng thành văn hóa doanh nghiệp 2024 đã chỉ ra bức tranh tổng quan về thực trạng văn hóa tại các doanh nghiệp Việt Nam, và những khoảng cách cần thu hẹp giữa kế hoạch và hành động thực tế. 

Trong năm 2025, với nền tảng văn hóa đã được định hình rõ nét của hầu hết các doanh nghiệp, hi vọng sẽ tạo ra sự chuyển dịch rõ nét hơn, nơi văn hóa doanh nghiệp không chỉ dừng lại ở việc xây dựng nền tảng mà còn trở thành động lực mạnh mẽ hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững và thích nghi với những thay đổi liên tục của thời đại.

BẤM ĐỂ XEM THÊM

05 XU HƯỚNG VĂN HÓA DOANH NGHIỆP 2025

Dựa trên các kết quả nghiên cứu, khảo sát trên 206 doanh nghiệp được thực hiện vào tháng 11/2024; gần 100 cuộc trò chuyện, phỏng vấn với các nhà lãnh đạo, quản lý văn hóa cùng đội ngũ chuyên trách về Văn hóa doanh nghiệp tại các Tập đoàn, Tổng công ty, công ty tại Việt Nam (thông qua các dự án tư vấn mà Blue C đã thực hiện trong suốt năm 2024); kết hợp nghiên cứu các tài liệu và phân tích bối cảnh của Việt Nam, Blue C đã đưa ra và phân tích 05 xu hướng Văn hóa doanh nghiệp nổi bật trong 2025. Xem thêm

—————

Liên hệ với Blue C để được tư vấn về Văn hóa Doanh nghiệp, Truyền thông nội bộ, Trải nghiệm nhân viên:

Địa chỉ: Prima Building, 22 Mai Anh Tuấn, Ô Chợ Dừa, Đống Đa, Hà Nội
Phone: (+84)24 7303 2388
Email: info@bluec.vn

Bài Viết Liên Quan