3 ưu tiên trong xây dựng văn hóa của doanh nghiệp Việt năm 2024

3 ưu tiên trong xây dựng văn hóa của doanh nghiệp Việt năm 2024

Gia tăng trải nghiệm nhân viên, Tạo dựng môi trường đổi mới – sáng tạo, Xây dựng tổ chức học tập sẽ là 3 mục tiêu ưu tiên của các doanh nghiệp Việt trong việc xây dựng văn hóa trong 2024. Đây là thông tin mới nhất được công bố trong báo cáo đo lường mức độ trưởng thành VHDN, do Blue C phát hành ngày 12/12/2023.

XEM VÀ TẢI BÁO CÁO BẢN ĐẦY ĐỦ TẠI ĐÂY

Báo cáo đo lường mức độ trưởng thành VHDN 2023 được xây dựng dựa trên kết quả khảo sát của 195 doanh nghiệp từ 13 nhóm ngành nghề khác nhau. Đây là năm thứ 3 liên tiếp, Blue C thực hiện khảo sát thị trường nhằm cung cấp những đánh giá về hiện trạng VHDN năm 2023 và dự đoán xu hướng nổi bật của VHDN tại Việt Nam năm 2024. 

Khảo sát sử dụng bộ công cụ đo lường CCMM, cho phép doanh nghiệp tự xác định cấp độ trưởng thành văn hóa, nhận biết rõ các yếu tố cần cải thiện; từ đó có cơ sở đề xuất các biện pháp để phát triển VHDN trong tương lai. 

Dưới đây là các kết quả đáng chú ý được chỉ ra trong Báo cáo “Đo lường Mức độ Trưởng thành Văn hóa Doanh nghiệp 2023 và Xu hướng 2024”.

3 ưu tiên chính của văn hóa doanh nghiệp năm 2024

Trải qua năm 2023 đầy biến động, gần một nửa doanh nghiệp tham gia khảo sát hướng tới năm 2024 với nhiệm vụ định hình lại nền tảng VHDN cho chiến lược phát triển mới (49.22%). Việc tập trung định hình nền tảng văn hoá là dấu hiệu tích cực cho thấy các doanh nghiệp đã nhận thức sâu sắc về vai trò của văn hoá đối với sự phát triển của tổ chức. Đặc biệt, trong bối cảnh chuyển đổi, việc định hình lại nền tảng VHDN phù hợp với hướng đi mới càng trở nên cần thiết. 

Bên cạnh đó, kết quả khảo sát cho thấy, Gia tăng trải nghiệm nhân viên, Tạo dựng môi trường đổi mới – sáng tạo, Xây dựng tổ chức học tập sẽ là 3 xu hướng chính dẫn dắt VHDN trong năm 2024.

Mục tiêu ưu tiên trong việc xây dựng VHDN 2024“Trải nghiệm nhân viên”, “Đổi mới – sáng tạo”, “Tổ chức học tập” sẽ là 3 từ khóa quan trọng của năm 2024.

Đánh giá về các xu hướng nổi bật của VHDN trong năm 2024, ông Lê Quang Vũ – CEO Blue C cho biết: “Văn hóa cũng giống như gió, tuy vô hình nhưng mang lại những tác động rất lớn. Nếu văn hóa “thuận buồm xuôi gió” với định hướng phát triển, tổ chức sẽ tiến nhanh và xa hơn. Trái lại, nếu văn hóa đi ngược với định hướng phát triển của tổ chức, mọi thứ sẽ trở nên vô cùng khó khăn. 

Và càng trong bối cảnh thị trường nhiều biến động, văn hóa càng phải vững vàng. Việc quay trở vào bên trong để gia tăng sự gắn kết thông qua trải nghiệm nhân viên; thúc đẩy tinh thần học mới để gia tăng nội lực; và xây dựng môi trường đổi mới – sáng tạo để khuyến khích cái mới là những hướng đi đúng trong việc phát triển VHDN phù hợp với bối cảnh thị trường nhiều biến động và đòi hỏi sự linh hoạt, thích ứng cao. Tuy nhiên, thay đổi văn hóa, đặc biệt đối với các tổ chức đang tìm kiếm sự đổi mới – sáng tạo, luôn là vấn đề thách thức nhất của quá trình chuyển đổi. Bởi nó đòi hỏi thiết lập những hành vi mới, khác biệt hoàn toàn với những gì đang có, từ lãnh đạo đến nhân viên. Các doanh nghiệp cần sẵn sàng tâm thế và có chiến lược rõ ràng để vượt qua những thách thức này”.

Ông Lê Quang Vũ - CEO Blue C

Ông Lê Quang Vũ – CEO Blue C: “Các doanh nghiệp đang có những hướng đi đúng trong việc phát triển VHDN phù hợp với bối cảnh mới”

Đầu tư cho văn hóa giảm trong năm 2023

Trở lại phần chính của báo cáo, kết quả khảo sát cho thấy mức độ trưởng thành văn hóa của các doanh nghiệp giảm từ cấp độ 4 xuống cấp độ 3 (trên thang đo 6 cấp độ). Cụ thể điểm trung bình chỉ đạt 40.14 điểm, giảm 4.26 điểm so với năm 2022.  

Cả 14/14 yếu tố của VHDN đều giảm điểm, giảm nhiều nhất là ở tiêu chí đo lường và ngân sách, đánh dấu một năm nhiều thách thức của VHDN.

Cấp độ trưởng thành VHDN của các doanh nghiệp tham gia khảo sát CCMM 2023

Hơn 33% doanh nghiệp có mức độ trưởng thành văn hóa ở cấp độ 3

Đo lường tiếp tục là điểm yếu trong thực thi văn hóa, có tới 73.84% doanh nghiệp chưa đo lường VHDN hoặc có đo lường nhưng chỉ lồng ghép vào các chương trình khảo sát, lắng nghe khác.

Bên cạnh đó, những yếu tố như Ngân sách, Đào tạo và Bộ máy VHDN cũng nằm trong top các yếu tố có điểm trung bình giảm nhiều nhất so với năm 2022. 

Kết quả khảo sát cho thấy chỉ có 36.41% doanh nghiệp có đủ ngân sách để triển khai các hoạt động VHDN. Tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn khi xin ngân sách cho VHDN tăng 5.3% so với 2022. Điều này cho thấy khó khăn chung của nền kinh tế đang ảnh hưởng rõ rệt đến mức độ đầu tư nguồn lực cho văn hóa của các doanh nghiệp.

Những khó khăn chính trong thực thi năm 2023

Khi được hỏi về khó khăn trong xây dựng văn hóa, câu trả lời từ đa số các doanh nghiệp tham gia khảo sát cho thấy: Không nắm vững cách làm, thiếu kỹ năng triển khai đang gây ra những trở ngại lớn cho xây dựng, phát triển văn hóa.

Gần một nửa doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết các khó khăn trong xây dựng văn hóa của họ xuất phát từ việc: thiếu phương pháp và kỹ năng triển khai; không đo lường được hiệu quả; nhân lực thực thi mỏng.

Khó khăn trong việc xây dựng VHDN 202349.22% doanh nghiệp tham gia khảo sát gặp khó khăn trong xây dựng văn hóa do thiếu phương pháp và kỹ năng triển khai

Điều này cũng không khó để lý giải, khi mà mức độ ưu tiên nói chung cho đào tạo VHDN giảm sút so với năm ngoái; đặc biệt các chương trình đào tạo nhận thức, kỹ năng cho quản lý và đội ngũ chuyên trách giảm từ 28.20% xuống còn 19.48%.

Ngoài ra, Báo cáo “Đo lường Mức độ Trưởng thành Văn hóa Doanh nghiệp 2023 và Xu hướng 2024” còn đưa ra các nhận định và số liệu đáng chú ý khác về: Mức độ trưởng thành VHDN theo ngành; Mô hình bộ máy văn hóa phổ biến tại các doanh nghiệp Việt; Mức độ xây dựng đội ngũ CTV/hạt nhân văn hóa; Các chỉ số đo lường văn hóa phổ biến… 

XEM VÀ TẢI BÁO CÁO BẢN ĐẦY ĐỦ TẠI ĐÂY

Liên hệ với Blue C để được tư vấn về Văn hóa Doanh nghiệp, Truyền thông nội bộ, Trải nghiệm nhân viên:

  • Địa chỉ: Prima Building, 22 Mai Anh Tuấn, Ô Chợ Dừa, Đống Đa, Hà Nội
  • Phone: (+84)24 7303 2388
  • Email: info@bluec.vn

Bài Viết Liên Quan