05 Xu hướng Văn hóa doanh nghiệp 2025
Hỗ trợ người lao động thích nghi với sự thay đổi trong thời kỳ chuyển đổi; Xây dựng văn hóa số thúc đẩy chuyển đổi số, Tăng cường đào tạo sử dụng AI trong công việc, Tái thiết văn hóa, duy trì động lực làm việc trong và sau tinh gọn bộ máy, và Tập trung vào sự quan tâm tại nơi làm việc sẽ là 5 xu hướng nổi bật dẫn dắt văn hóa của doanh nghiệp Việt trong năm 2025.
Dựa trên các kết quả nghiên cứu, khảo sát trên 206 doanh nghiệp được thực hiện vào tháng 11/2024; gần 100 cuộc trò chuyện, phỏng vấn với các nhà lãnh đạo, quản lý văn hóa cùng đội ngũ chuyên trách về Văn hóa doanh nghiệp tại các Tập đoàn, Tổng công ty, công ty tại Việt Nam (thông qua các dự án tư vấn mà Blue C đã thực hiện trong suốt năm 2024); kết hợp nghiên cứu các tài liệu và phân tích bối cảnh của thế giới và Việt Nam, Blue C đã đưa ra và phân tích 05 xu hướng Văn hóa doanh nghiệp nổi bật trong 2025.
Sự thay đổi đang diễn ra liên tục, với tốc độ ngày càng nhanh chóng. Kết quả khảo sát của PwC công bố vào tháng 6/2024, tại 14 quốc gia và vùng lãnh thổ ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam cho biết: 97% CEO đang chủ động tái định hình doanh nghiệp để đảm bảo tính bền vững.
Tuy nhiên, không phải người lao động nào cũng sẵn sàng cho sự thay đổi này. 59% cho rằng có quá nhiều thay đổi diễn ra cùng lúc, 50% không hiểu tại sao cần thay đổi. Người lao động đang phải đối diện với nhiều biến động lớn trong công việc.
Hơn hai phần ba nhân viên (68%) cho biết họ đã trải qua nhiều thay đổi trong công việc hơn trong năm vừa qua so với 12 tháng trước đó. Khoảng 48% người lao động trong khu vực đã phải học cách sử dụng công nghệ/công cụ mới và đối mặt với khối lượng công việc tăng lên trong năm vừa qua.
Nằm trong bối cảnh chung của toàn cầu, hỗ trợ người lao động thích nghi với sự thay đổi trong thời kỳ chuyển đổi sẽ trở thành vấn đề cần ưu tiên của doanh nghiệp Việt trong 2025.Là một trong trong 6 trụ cột quan trọng trong chuyển đổi số doanh nghiệp (theo bộ chỉ số DBI của Bộ Thông tin & Truyền thông), xây dựng văn hóa số hỗ trợ cho chuyển đổi số đang ngày càng được nhiều doanh nghiệp Việt quan tâm.
36.59%, trong tổng số 206 doanh nghiệp tham gia khảo sát đo lường của Blue C, lựa chọn văn hóa số là mục tiêu ưu tiên trong phát triển VHDN năm 2025, xếp thứ 4 trong danh sách 9 mục tiêu.
Các đặc trưng nổi bật của văn hóa số cũng đã được nhận diện, cụ thể:
- Khách hàng là trung tâm: Tạo ra những trải nghiệm tích cực cho khách hàng thông qua sản phẩm, dịch vụ và các mối quan hệ.
- Định hướng dữ liệu: Sử dụng dữ liệu để ra quyết định với sự hỗ trợ của công nghệ.
- Đổi mới: Xây dựng và liên tục cải tiến sản phẩm, quy trình; chấp nhận rủi ro và thử nghiệm các sáng kiến mới.
- Hợp tác: Hợp tác liên phòng ban trong tổ chức và với các đối tác trong hệ sinh thái để cùng tạo ra các giải pháp đột phá.
- Phát triển bền vững: Văn hóa số giúp tạo dựng một môi trường làm việc tiến bộ, phù hợp với các tiêu chuẩn môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp (ESG) theo xu thế hiện đại.
Trong năm 2025, trước áp lực của thị trường và yêu cầu từ chính phủ, chuyển đổi số doanh nghiệp càng trở nên mạnh mẽ, việc đầu tư phát triển văn hóa số để gỡ bỏ các rào cản của chuyển đổi số là điều mà bất kỳ doanh nghiệp nào cũng cần phải lưu tâm.
Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong công việc tiếp tục sẽ là xu hướng chủ đạo trong năm 2025 cả trên thế giới và Việt Nam.
Điều này đặt ra thách thức lớn về sự thay đổi kỹ năng của người lao động. Người lao động cần nâng cao hiểu biết và khả năng thích ứng với công nghệ để tận dụng tối đa tiềm năng của AI, đảm bảo rằng AI trở thành công cụ hỗ trợ hiệu quả.
Một nghiên cứu mới công bố của Gallup cho biết: Kể từ khi Chat GPT ra mắt vào năm 2022, các nhà lãnh đạo đã đầu tư đáng kể vào AI để tăng năng suất và dịch vụ khách hàng trong tổ chức của họ. Nhưng cho đến nay, việc áp dụng AI tại nơi làm việc của nhân viên vẫn chưa theo kịp kỳ vọng. Cứ 10 nhân viên thì có gần 7 người cho biết họ không bao giờ sử dụng AI; chỉ có 1 người sử dụng hàng ngày hoặc hàng tuần. Những con số này về cơ bản vẫn không thay đổi từ năm 2023 đến năm 2024. Thậm chí, số lượng nhân viên cho biết họ cảm thấy thoải mái khi làm việc với AI đã giảm 6% trong năm nay.
Đây có thể là dấu hiệu cho thấy nguyện vọng và tầm nhìn của các nhà lãnh đạo về việc sử dụng AI tại nơi làm việc vẫn chưa được chuyển thành định hướng rõ ràng hoặc hỗ trợ cho việc áp dụng của nhân viên. Trong khi một số nhân viên hào hứng trong việc thử nghiệm, ứng dụng AI; thì vẫn còn nhiều người chưa sẵn sàng cho đến khi họ nhận được kế hoạch và đào tạo rõ ràng.
Ở một góc độ khác, việc ứng dụng ngày càng mạnh công nghệ vào công việc hàng ngày sẽ làm giảm bớt một khối lượng lớn công việc trước đây vẫn được thực hiện bởi con người. Điều này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp cần có phương án sắp xếp cho nhân sự dôi dư những nhiệm vụ và trách nhiệm mới, cũng như đào tạo các kỹ năng mới để đáp ứng yêu cầu công việc mới cho nhóm nhân sự này.
Chính sách của Đảng và Nhà nước về tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế trong bộ máy hành chính công sẽ tạo ra lượng lớn nhân sự dôi dư trên thị trường lao động, làm tăng sự cạnh tranh trong việc tìm kiếm việc làm.
Người lao động ở nhóm này có thể phải đối mặt với nhiều khó khăn do yêu cầu chuyển đổi kỹ năng để phù hợp với nhu cầu của khu vực tư nhân. Tuy nhiên, xu hướng này cũng mở ra cơ hội mới cho người lao động. Một số lao động sẽ tận dụng cơ hội để tham gia vào khu vực tư nhân đang phát triển mạnh mẽ, hoặc tự khởi nghiệp.
Các doanh nghiệp, đặc biệt là khu vực tư nhân, có thể hưởng lợi từ nguồn nhân sự dôi dư với trình độ chuyên môn cao. Đây là cơ hội tốt để thu hút nhân tài và mở rộng quy mô hoạt động. Tuy nhiên, từ góc độ văn hóa, doanh nghiệp cần chú ý đến việc tiếp nhận và hòa nhập nhân sự mới.
Còn đối với các tổ chức công, sau khi tinh giản biên chế, cần chú trọng tái thiết văn hóa tổ chức để duy trì động lực và hiệu quả công việc. Sự thay đổi cơ cấu không chỉ làm giảm số lượng nhân sự mà còn ảnh hưởng đến tâm lý của những người ở lại. Do đó, việc củng cố niềm tin nội bộ và khuyến khích sự đồng lòng của từng cá nhân là yếu tố then chốt để tiếp tục phát triển.
Ngoài ra, tổ chức cũng cần chú trọng đào tạo và phát triển năng lực cho nhóm nhân sự ở lại. Khi bộ máy gọn nhẹ hơn, mỗi vị trí đều cần đảm nhiệm nhiều trọng trách hơn. Cung cấp các chương trình bồi dưỡng kỹ năng sẽ giúp nhân viên thích nghi với vai trò mới để duy trì hiệu quả công việc.
Trong môi trường làm việc nhiều biến động như ngày nay, nhân viên sẽ đánh giá mức độ quan tâm mà tổ chức dành cho họ và cân nhắc liệu nó có xứng đáng với nỗ lực và sự gắn bó của họ không.
Thách thức lớn của doanh nghiệp trong năm 2025 đó là thu hẹp khoảng cách giữa phúc lợi mà doanh nghiệp mang đến cho nhân viên và những gì nhân viên cần để tồn tại và phát triển. Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp có thể bắt đầu bằng cách đặt sự quan tâm làm trung tâm trong chiến lược văn hóa của mình.
Theo nghiên cứu của O.C. Tanner, khi nhân viên cảm thấy tổ chức quan tâm đến họ, khả năng họ cảm thấy phát triển tăng 378%. Ngược lại, khi không cảm thấy được quan tâm, khả năng phát triển giảm 80%.
Ngoài ra, sự quan tâm đến nhân viên còn mang lại lợi ích kinh doanh, bởi vì những nhân viên phát triển tại nơi làm việc sẽ ít bị kiệt sức hơn, ít rời bỏ tổ chức hơn, khả năng gắn kết cao hơn 12 lần, khả năng làm việc xuất sắc cao hơn 7 lần.
Các nhận định về 5 xu hướng Văn hóa doanh nghiệp 2025 nói trên là một phần quan trọng trong “Báo cáo Đo lường mức độ trưởng thành thực thi Văn hóa doanh nghiệp 2024 và Xu hướng 2025” được nghiên cứu và công bố bởi Blue C.
XEM VÀ TẢI BÁO CÁO BẢN ĐẦY ĐỦ TẠI ĐÂY
Liên hệ với Blue C để được tư vấn về Văn hóa Doanh nghiệp, Truyền thông nội bộ, Trải nghiệm nhân viên:
Địa chỉ: Prima Building, 22 Mai Anh Tuấn, Ô Chợ Dừa, Đống Đa, Hà Nội
Phone: (+84)24 7303 2388
Email: info@bluec.vn