Làn sóng sa thải nhân sự và bài học từ hai vị tỷ phú

Làn sóng sa thải nhân sự và bài học từ hai vị tỷ phú

Vụ sa thải lịch sử của Meta và Twitter là bài học điển hình cho các doanh nghiệp về những điều nên làm và cần tránh khi tạo trải nghiệm nghỉ việc cho nhân viên. 

Contents

Điều gì đang xảy ra tại Twitter?

Ngày 28/10/2022, sau khi hoàn tất thương vụ mua lại Twitter với giá 44 tỷ USD, Elon Musk đã sa thải nhiều nhân sự cấp cao của mạng xã hội này. Trong đó có ba lãnh đạo điều hành cao cấp nhất là CEO Twitter Parag Agrawal, Giám đốc tài chính Ned Segal, Giám đốc pháp lý và chính sách Vijaya Gadde. Trước đó Musk đã cáo buộc những lãnh đạo này đánh lừa ông và các nhà đầu tư về số lượng tài khoản giả mạo trên mạng xã hội này.

Ông tuyên bố sẽ giữ chức vụ CEO tạm thời của Twitter, đồng thời giải tán hội đồng quản trị cũ của MXH hàng đầu thế giới. Toàn bộ văn phòng của Twitter cũng tạm thời dừng hoạt động, nhân viên bị cắt quyền truy cập vào hệ thống nội bộ, hàng loạt người bị sa thải mà không thông báo trước.

Một số nhân viên thức dậy vào sáng 4/11 và phát hiện họ bị khóa máy tính xách tay, trong khi quyền truy cập vào Gmail và Slack của công ty đã bị thu hồi. Khi đó, họ cũng không biết rằng mình đã bị sa thải hay chưa cho đến ngày hôm sau. Họ nhận được mail sa thải, kèm lý do “nỗ lực để đưa Twitter đi trên một con đường lành mạnh”. Con số ​​bị sa thải lần này chiếm khoảng một nửa trong số 7.500 nhân viên của Twitter. 

Làn sóng sa thải của Twitter là do đâu?

Musk đã đồng ý trả 54,20 đô la cho mỗi cổ phiếu để mua Twitter vào tháng 4 năm 2022. Đến tháng 7, giá cổ phiếu giảm xuống còn 32,65 đô la.

Vị tỷ phú đã cố gắng rút lại thỏa thuận trong nhiều tháng, cáo buộc Twitter đã không thông tin đầy đủ số lượng tài khoản tự động và giả mạo. 

Sau đó, Twitter đã khởi kiện, cáo buộc ông “từ chối tôn trọng các nghĩa vụ của mình đối với Twitter và các cổ đông của công ty vì thỏa thuận mà ông ấy ký không còn phục vụ lợi ích cá nhân của ông ấy nữa”. Tuy nhiên vào đầu tháng 10, ông đổi ý, quyết định quay lại mua Twitter với mức giá đề xuất ban đầu.

Giá cổ phiếu tăng trở lại nhưng Musk vẫn tuyên bố rằng ông và các nhà đầu tư khác đã trả quá nhiều cho Twitter. Tuy nhiên, đó không phải là vấn đề duy nhất của Musk. Hàng loạt thương hiệu lớn ồ ạt rút quảng cáo khỏi Twitter, vì ngại bị sự hỗn loạn mà CEO Elon Musk tạo ra. Trong một bài tweet đăng trên trang cá nhân của mình, Elon Musk cho biết mình “không còn lựa chọn nào khác” khi công ty đang thua lỗ tới hơn 4 triệu USD mỗi ngày. 

Elon Musk gia nhập ban lãnh đạo Twitter và có những thay đổi “động trời”.

Tại sao Meta sa thải nhân viên?

Twitter không phải là công ty duy nhất đối phó với việc sa thải. Ngày 9/11, Mark Zuckerberg viết tâm thư gửi nhân viên Meta chia sẻ kế hoạch đợt sa thải lớn nhất trong lịch sử công ty.

“Khi Covid-19 xảy ra vào đầu năm 2020, thế giới đã nhanh chóng chuyển sang chế độ trực tuyến và sự gia tăng mạnh mẽ của thương mại điện tử dẫn đến tăng trưởng doanh thu tăng vượt trội. Nhiều dự báo cho rằng sự tăng tốc này sẽ tiếp tục ngay cả khi đại dịch kết thúc”, trích bản ghi nhớ Zuckerberg gửi cho nhân viên. “Tôi cũng đã nghĩ vậy và đưa ra quyết định tăng đáng kể các khoản đầu tư. Thật không may, mọi chuyện đã không diễn ra như tôi mong đợi”.

Zuckerberg tuyên bố sẽ sa thải hơn 11.000 nhân viên – khoảng 13% lực lượng lao động của công ty. Tương tự như nhân viên Twitter, Meta tuyên bố sẽ thông báo cho những nhân viên bị ảnh hưởng qua email.

Tuy nhiên, trái ngược với Twitter, mọi nhân viên bị ảnh hưởng ở Meta sẽ có cơ hội nói chuyện với các quản lý để được giải đáp thắc mắc của họ và tham gia các buổi thông tin về việc sa thải.

Zuckerberg tiếp cận việc sa thải ở Meta như thế nào?

Meta và Twitter đều phải đối mặt với cùng một bài toán – cắt giảm việc làm của hàng nghìn nhân sự. Tuy nhiên, hai tỷ phú này có cách xử lý theo cách khác biệt. 

Twitter đã bị kiện bởi các nhân viên nói rằng họ không được thông báo đầy đủ theo luật liên bang và California khi mất việc làm trong bối cảnh các đợt sa thải hàng loạt đang diễn ra. Ở California, nếu chấm dứt hợp đồng với 50 nhân viên trở lên trong 30 ngày, công ty phải thông báo trước 60 ngày hoặc trả tiền cho nhân viên trong 60 ngày.

Nhân viên của Twitter không được bồi thường hoặc hỗ trợ rất ít sau khi sa thải. Mặc dù ban đầu được họ được thông báo rằng sẽ nhận được khoản trợ cấp thôi việc và các lợi ích tương tự dưới quyền sở hữu trước đây của Twitter – hai tháng thôi việc trở lên, dựa trên số năm làm việc.

Trái lại, Zuckerberg ghi rõ trong bức thư về các lợi ích nhân viên nghỉ sẽ được hưởng bao gồm:

  • Bốn tháng trợ cấp thôi việc, cộng thêm hai tuần cho mỗi năm làm việc
  • Bảo hiểm sức khỏe cho nhân viên và gia đình của họ trong 6 tháng
  • Hỗ trợ tìm việc mới trong 3 tháng, bao gồm một số “ưu tiên tuyển dụng chưa công bố”
  • Hỗ trợ nhập cư cho những người có visa

Musk và Zuckerberg đều sử dụng email là kênh thông báo cho nhân viên, tuy nhiên điểm khác biệt trong cách tiếp cận của hai vị tỷ phú là ở sự đồng cảm.

Trong trường hợp của Twitter, Musk đã đổ lỗi cho bất kỳ ai về tình trạng hiện tại của công ty. Ngược lại, Zuckerberg chia sẻ trong tuyên bố gửi nhân viên Meta đăng trên trang web nội bộ: “Tôi muốn chịu trách nhiệm về những quyết định này”. “Tôi biết điều này là khó khăn cho tất cả mọi người. Tôi đặc biệt xin lỗi những người bị ảnh hưởng trong kế hoạch sa thải này”. Một dòng xin lỗi trong thông báo đó cũng khiến cho lời chia tay nhẹ đi phần nào.

Mark Zuckerberg gửi lời xin lỗi và cam kết chịu trách nhiệm trong đợt sa thải kỷ lục của Meta.

Bài học từ cách sa thải của hai vị tỷ phú

Truyền thông một cách rõ ràng

Cách truyền thông về việc sa thải là một trong những chìa khóa quan trọng trong kế hoạch sa thải, tác động đến kỳ vọng của nhân viên và giảm thiểu rủi ro. 

Trong bức thư Zuckerberg gửi nhân viên, anh đã giải thích rõ nguyên nhân dẫn đến quyết định này và những hỗ trợ công ty sẽ cung cấp cho nhân viên. Anh cũng không quên gửi lời xin lỗi và chia sẻ về bức tranh tương lai của công ty để trấn an nhân viên.

Bằng việc giao tiếp rõ ràng, Meta đã loại bỏ được những tin đồn mơ hồ xoay quanh tình huống này, xây dựng niềm tin cho những người sắp nghỉ và giữ vững tinh thần cho người được giữ lại.

Hàng loạt nhân viên Twitter bị shock khi nhận được email thông báo sa thải vào lúc nửa đêm 15/11.

Ưu tiên sự đồng cảm

Khi nói lời tạm biệt với nhân viên, điều quan trọng là các tổ chức phải hướng đến sự văn minh, nhân đạo, có tình người. Lãnh đạo, quản lý phải thể hiện sự đồng cảm với nhân viên, bày tỏ sự đánh giá cao đối với công việc của họ và quan tâm đến cách họ phát triển sự nghiệp. 

Hơn nữa, thay vì sử dụng thông báo qua email một cách “lạnh lùng, vô cảm”, tổ chức có thể sắp xếp gặp mặt trực tiếp hoặc qua video, dành thời gian để nhân viên đặt câu hỏi cho những người liên quan.

Có rất nhiều người sẽ trở thành nhân viên boomerang, quay lại với công việc cũ, công ty cũ ngay cả khi họ đã nghỉ một thời gian. Tạo trải nghiệm tích cực khi nhân viên rời đi sẽ tăng khả năng họ quay trở lại, đưa công ty đi lên.

Sau khi công bố sa thải hàng loạt nhân viên, Twitter đã yêu cầu một số người quay trở lại làm việc khiến nhiều nhân viên không khỏi hoang mang. Điều này cũng nói lên Musk cần xem xét lại các chính sách nhân sự cẩn trọng hơn và thay đổi nhận thức rằng mỗi cá nhân đều góp phần quan trọng đến thành công của tổ chức.

Bức thư sa thải nhân viên có chữ ký của Mark Zuckerberg đã được chia sẻ công khai trên trang web của Meta tạo ra ấn tượng tốt.

Xây dựng chương trình huấn luyện sa thải

Thực tế không dễ để bất kỳ một CEO nào đưa ra thông báo sa thải hoặc cho thôi việc với các nhân viên đang làm việc trong công ty mà họ dẫn dắt, cho dù là 1 hay 1000 người. “Đó không phải là một loại kịch bản mà bạn đọc cho từng người, bởi với mỗi nhân viên, việc để họ rời đi đều có ý nghĩa đặc biệt khác nhau”, tác giả Beverly Kaye từng viết trong cuốn “Có Không Giữ, Mất Đừng Tìm: Bật Mí 26 Chiến Lược Gắn Bó Để Giữ Chân Nhân Tài”.

Nhà lãnh đạo phải chuẩn bị sẵn kế hoạch về việc chấm dứt hợp đồng lao động với nhân viên, ở quy mô cá nhân và nhóm. Và khi đến thời điểm cần sa thải hoặc cho nhân viên nghỉ việc, họ phải đảm bảo bám sát theo các chính sách và duy trì được mục tiêu công ty.

Vân Anh (Tổng hợp)

Bài đọc thêm:

Cách Gravity Payments giải quyết khủng hoảng không cần sa thải nhân viên

Bài Viết Liên Quan