Thay đổi cách thức giao tiếp nội bộ: Bài học từ triết lý của Elon Musk
Nếu như ở các công ty khác, việc trao đổi thông tin dường như đang bị giới hạn và cần có sự thông qua của các cấp quản lý, Elon Musk – tỉ phú, doanh nhân, nhà phát minh, nhà sáng lập SpaceX, đồng sáng lập Tesla Motor và Paypal – đã đưa ra một triết lý truyền thông nội bộ (TTNB) khác biệt, khuyến khích nhân viên trao đổi trực tiếp và nhanh nhất.
Thư Elon Musk gửi nội bộ Tesla với triết lý TTNB thông minh
Gần đây, Elon Musk đã gửi tới nội bộ công ty Tesla một bức thư với chủ đề “Truyền thông nội bộ hãng Tesla”. Nội dung bức thư được chuyển nghĩa, đăng trên báo tuoitre.vn như sau:
Trên thực tế, có hai trường phái về cách thông tin được truyền đạt ở các công ty. Cách phổ biến nhất là theo trình tự, nghĩa là ai muốn nói gì đều phải thông qua sếp trực tiếp của mình. Vấn đề của cách tiếp cận này chính là: trong khi nó giúp củng cố quyền lực của người quản lý, thì nó lại không giúp công ty phát triển tốt hơn.
Thay vì một vấn đề có thể được giải quyết nhanh chóng, thì mọi việc lại diễn ra phức tạp. Đáng lẽ khi có vấn đề, một nhân viên ở phòng ban này nói chuyện ngay với một nhân viên ở phòng ban khác để tìm cách giải quyết, thì mọi việc lại xảy ra như thế này: nhân viên ấy buộc phải nói với sếp của mình – người này lại trình với quản lý cấp cao hơn. Sau đó, người quản lý cấp cao lại bàn bạc với sếp của phòng ban kia, rồi người này lại bàn với nhân viên trong ban của mình. Thông tin về vấn đề ban đầu lại phải đi một chặng đường dài mới đến đích. Điều này hết sức ngớ ngẩn. Bất kì người quản lý nào để việc này xảy ra, chưa nói đến chuyện khuyến khích nó, sẽ sớm phải làm việc ở một công ty khác. Tôi không hề đùa đâu!
Mọi nhân viên ở Tesla đều có thể/ nên gửi email hoặc nói chuyện với bất kỳ người nào họ tin là có thể giải quyết được vấn đề nhanh chóng nhất vì lợi ích của toàn công ty. Bạn có thể trình thẳng lên người quản lý cấp cao mà không cần sếp của bạn cho phép, bạn có thể bàn bạc với phó tổng giám đốc của phòng ban khác, bạn có thể nói với tôi (Elon Musk), có thể nói với bất kỳ người nào mà không cần ai phải cho phép. Hơn nữa, bạn nên cho rằng bản thân mình bắt buộc phải làm vậy cho đến khi nào vấn đề được giải quyết. Mấu chốt ở đây không phải là các cuộc tán gẫu bâng quơ, mà tập trung vào giải quyết vấn đề cực nhanh và hiệu quả. Rõ ràng chúng ta không thể cạnh tranh với các hãng sản xuất xe hơi lớn có cùng quy mô (hàm ý nói đến Hãng xe điện Tesla), vì vậy chúng ta phải thực hiện việc này một cách thật thông minh và linh động.
Điều cuối cùng, các sếp phòng ban nên nỗ lực đảm bảo rằng các bạn đang không điều hành nhân viên của mình theo kiểu biệt lập, tạo khoảng cách với công ty hoặc làm chậm quá trình truyền thông dù dưới bất cứ hình thức nào. Thật không may, điều này đang dần trở thành một khuynh hướng khó tránh khỏi và chúng ta phải cật lực đấu tranh với nó. Làm sao khuynh hướng này có thể giúp Tesla phát triển khi mà nó làm cho các phòng ban dựng nên những rào chắn với nhau hoặc nhìn nhận thành công chỉ đối với phòng ban của mình thay vì dưới tư cách của tập thể công ty? Chúng ta đều ngồi trên cùng một con thuyền. Hãy luôn cho rằng bản thân làm việc vì lợi ích của công ty chứ không bao giờ là vì phòng ban của bạn.
Xin cám ơn,
Elon.
Bài học từ triết lý TTNB của Elon Musk
Bức thư mà Elon Musk khiến không chỉ những người làm TTNB mà ngay cả các cấp lãnh đạo tại nhiều công ty đang dập khuôn các hình thức giao tiếp nội bộ… “chột dạ”. Quả thực, quy trình giao tiếp theo đúng “chuẩn”, ép buộc qua các kênh thông tin đã được quy định vô tình khiến dòng chảy thông tin không được thông suốt, các ý tưởng vì thế cũng phải đúng “chuẩn” và “quy trình”. Như vậy, liệu những nhận xét, ý kiến để phát triển công ty có được lắng nghe đúng lúc và công ty có thể từ đó phát triển hơn hay không?
Nhận thấy những điểm yếu của cách truyền đạt thông tin “chậm trễ” mà phần lớn các công ty đang áp dụng, Elon Musk nhấn mạnh về vai trò của việc trao đổi thông tin trực tiếp thay vì phải chờ sự đồng thuận của cấp quản lý này tới cấp quản lý khác để vấn đề được giải quyết. Đồng thời, thông điệp mà Elon Musk muốn gửi tới toàn thể nhân viên: hãy chắc chắn rằng bản thân bạn đang làm việc vì lợi ích của công ty chứ không phải chỉ vì phòng ban hay đội nhóm bạn đang làm việc. Có thể nói, bức thư của Elon Musk gửi tới tất cả nhân viên Tesla đã miêu tả chính xác thế nào là hình thức giao tiếp nội bộ hiệu quả: không có những cản trở tiêu cực, không có sự phân cấp, giao tiếp trực tiếp, đặt lợi ích của công ty lên hàng đầu.
Trên thực tế, đây vẫn là một bài toán khó cho các công ty để thông tin luôn được minh bạch, đặc biệt những công ty lớn với bộ máy cồng kềnh. Mặc dù vậy, để thay đổi và tạo bước nhảy vọt cho sự phát triển của công ty, những người lãnh đạo là những người tiên phong trong việc làm gương cho nhân viên. Họ phải có tầm nhìn, biết thực sự lắng nghe các ý kiến từ mọi người để tìm ra nguyên nhân cho tất cả các vấn đề đang tồn đọng.